Hàm Thuận Nam – 38 năm vươn mình phát triển

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, sau 38 năm hình thành và phát triển, huyện Hàm Thuận Nam đã vươn mình, trỗi dậy như một điểm sáng về nông nghiệp và du lịch của Bình Thuận.

Hàm Thuận Nam – 38 năm vươn mình

Biển Khe Gà, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: N.Lân

Biển Khe Gà, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: N.Lân

Một thời gian khó

Cách đây tròn 38 năm, vào ngày 1/6/1983, huyện Hàm Thuận Nam chính thức được thành lập với dân số chỉ hơn 40.000 người tại 9 xã (6 xã tách từ huyện Hàm Thuận, 3 xã tách từ huyện Hàm Tân). Do thành lập vào thời điểm đất nước đang thực hiện đường lối đổi mới, cùng với tình hình chung của cả nước, của tỉnh, huyện gặp khó khăn về nhiều mặt. Nhà ở và nơi làm việc của các cơ quan huyện đều là nhà mượn tạm, lợp tranh, vách đất. Hệ thống giao thông cơ bản là đường đất lầy lội. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Lĩnh vực y tế, giáo dục thiếu trầm trọng cả về cơ sở vật chất lẫn con người chuyên môn…

Là một người dân “cố cựu” ở địa phương, ông Nguyễn Văn Mây (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) nhớ lại: “Khoảng năm 1988, bà con chủ yếu trồng lúa nhưng dựa vào nước trời. Mỗi năm chỉ có 1 vụ. Do vậy mà cuộc sống của người dân quanh năm nghèo và thiếu thốn”.

Lúc bấy giờ, điểm mạnh duy nhất của huyện chính là đất đai bạt ngàn nhưng lại hoang vu, tài nguyên khoáng sản và một số tiềm năng khác dồi dào nhưng chưa được khai thác. Trước tình hình đó, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận Nam đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, ổn định sản xuất, đời sống; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, thực hiện đường lối đổi mới, từng bước ổn định và phát triển.

Vươn mình phát triển

Sau 38 năm hình thành và phát triển, huyện Hàm Thuận Nam hôm nay đã và đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Qua từng thời kỳ, Huyện ủy, UBND huyện quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp chiến lược, đột phá đã tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Điểm nhấn trong 38 năm qua, phải kể đến nhiệm kỳ 2015 – 2020, khi tổng sản lượng lương thực của địa phương đạt hơn 35.500 tấn. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 đạt gần 1.000 tỷ đồng; tăng 55,8% so với tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 – 2015. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,48%. Huyện đã giải quyết việc làm bình quân hàng năm trên 2.600 lao động. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Cũng trong giai đoạn này, huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng, mời gọi thu hút đầu tư, cùng với đó quan tâm chú trọng công tác cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.

Nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi mà Hàm Thuận Nam định hình trong tương lai. Ảnh: N.Lân

Nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi mà Hàm Thuận Nam định hình trong tương lai. Ảnh: N.Lân

Đặc biệt, trong phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, địa phương đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Nhân dân đã tham gia tích cực vào xây dựng giao thông nông thôn, làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh nội đồng, xây dựng hạ tầng. Bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ nét. Đời sống của nhân dân từng bước cải thiện, vươn lên khá giả. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế đều được phát huy, đổi mới mạnh mẽ. Chính sách an sinh xã hội, phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng quy định. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục nâng lên.

Hướng tới một đô thị du lịch biển… và nền nông nghiệp công nghệ cao

Với mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, tỉnh Bình Thuận đã lên chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, làm bàn đạp đẩy mạnh du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao biển, giải trí tập trung vào khu vực phía nam tỉnh. Theo đó, Hàm Thuận Nam có 2 dự án du lịch nổi bật với tầm vóc lớn và vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đô la. Đó là Tổ hợp du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng & thể thao biển Thanh Long Bay với diện tích 90 ha; dự án đầu tư “Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, dân cư cao cấp và thể thao biển” với quy mô 227,5 ha. Để hiện thực hóa chủ trương trên, mới đây nhất, thời điểm cuối năm 2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2474/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển Tân Thành cùng với việc công bố quy hoạch sử dụng đất đến năm 2040 của khu vực Kê Gà, xã Tân Thành. Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi để Hàm Thuận Nam bứt phá những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về du lịch. Theo đánh giá của các chuyên gia, 2 dự án du lịch hấp dẫn, mang tính tổng hợp đa ngành trên sẽ quyết định cho sự hình thành khu đô thị du lịch biển.

Trong khi đó, tại các xã, thị trấn khác của Hàm Thuận Nam, đến nay đã thấp thoáng hình dáng của nền nông nghiệp công nghệ cao. Bằng chứng, đã xuất hiện vùng thanh long rộng lớn lên tới 2.000 ha. Trên cánh đồng lớn đó, máy móc đã dần thay thế con người. Từ việc cắt cỏ, tưới nước, bón phân đều do máy móc xử lý... Quý hơn, trên địa bàn huyện đã có 6 hợp tác xã (HTX) liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ thanh long để xuất qua các thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Mỹ, châu Âu, như: HTX thanh long Dân Bình; HTX Phú Cường; HTX Hàm Minh 30; HTX Quốc Cường; HTX Anh Đào và HTX GlobalGAP Tân Thuận. Đây là các mô hình kinh tế tập thể, đại diện cho hàng trăm xã viên ký kết với doanh nghiệp xuất khẩu thu mua sản phẩm thanh long. Mối liên kết này không chỉ nâng cao sức cạnh tranh, giảm rủi ro mà còn giúp người nông dân chuyển dần sang sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; thực hiện hiện đại hóa, đồng bộ hóa quy trình từ sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nhìn lại chặng đường sau 38 năm thành lập và phát triển - với sự đoàn kết vượt qua khó khăn, cùng với sự năng động sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Thuận Nam đã gặt hái được nhiều kết quả rất đáng tự hào. Huyện đã trở thành vùng đất trù phú với sức sống mãnh liệt trong thời kỳ hội nhập và phát triển, từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm vững chắc của tỉnh. Trên nền tảng những thành tựu đạt được, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân huyện Hàm Thuận Nam sẽ tiếp tục hướng tới tương lai bằng tinh thần thi đua lao động, sáng tạo để chung sức xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp hơn.

“Đến năm 2025, Hàm Thuận Nam phấn đấu có 50% diện tích thanh long toàn huyện (khoảng 7.500 ha) tham gia cánh đồng lớn. Bên cạnh trái thanh long, huyện đang tập trung kêu gọi phát triển mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao và các loại trái cây khác nhằm hình thành cánh đồng lớn trái cây, từng bước chuyển đổi cây trồng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Song song đó là 100% nông dân tham gia cánh đồng lớn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác và quản lý dịch hại; 100% nông dân cánh đồng lớn thực hiện quy trình sản xuất theo hướng GAP”. Ông Nguyễn Minh – Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam nhấn mạnh.

Thanh Nhàn

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/ham-thuan-nam-38-nam-vuon-minh-phat-trien-137969.html