Hạn chế cháy trên dãy Nham Biền: Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi loại rừng
Gần đây, tình trạng cháy rừng tại dãy núi Nham Biền (thuộc địa phận các huyện Yên Dũng và Việt Yên) diễn biến phức tạp. Diện tích rừng bị cháy và thiệt hại lên tới hàng chục ha. Các vụ cháy rừng đều nghi có bàn tay con người phá hoại.
Liên tục cháy rừng
Có thể điểm lại các vụ cháy rừng như sau: Vào hồi 19 giờ 30 phút, ngày 7/1 tại khu vực rừng thuộc thôn Long Trường Vân, xã Yên Lư (Yên Dũng) xảy ra cháy rừng trồng, diện tích đám cháy 2,5 ha, diện tích rừng thiệt hại 0,5 ha. Vào hồi 10 giờ 30 phút, ngày 25/1, xảy ra vụ cháy rừng trồng tại khu vực tổ dân phố số 5, thị trấn Nham Biền (cùng huyện Yên Dũng). Tổng diện tích đám cháy khoảng 2,5 ha, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 0,5 ha.
Tiếp đó, vào khoảng 18 giờ ngày 28/1, tại khu vực thôn Bài Xanh, xã Vân Trung (Việt Yên) xảy ra vụ cháy rừng trồng. Do thực bì dày, thời tiết hanh khô, gió mạnh nên đến 14 giờ ngày 29/1, đám cháy lan sang các diện tích rừng thuộc khu vực thôn Si, xã Nội Hoàng (Yên Dũng). Nhờ có lực lượng bộ đội của Trường Quân sự Quân đoàn 2 và Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ chữa cháy nên đến tối cùng ngày đám cháy mới được dập tắt.
Theo Hạt Kiểm lâm Tân - Việt - Hòa, tổng diện tích đám cháy khoảng 70 ha (xã Vân Trung, huyện Việt Yên 65 ha; xã Nội Hoàng 5 ha), mức độ thiệt hại khoảng 20%. Vụ cháy rừng tại Vân Trung có diện tích lớn nhất kể từ năm 2019 trở lại đây. Các diện tích rừng bị cháy nêu trên cơ bản là rừng phòng hộ, đã giao cho các hộ quản lý, bảo vệ, được quy hoạch thành rừng sản xuất (tháng 2/2022).
Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng vừa qua. Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp của lực lượng kiểm lâm, không chỉ các vụ cháy gần đây mà nhiều vụ cháy rừng trước đó thuộc dãy núi Nham Biền đều xảy ra vào dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết. Thời gian xảy ra cháy vào chiều tối hoặc ban đêm nên rất khó chữa cháy và huy động người dập lửa. Nhiều vụ cháy rừng, như vụ cháy rừng tại thôn Long Trường Vân vừa qua, điểm cháy từ trên đỉnh núi lan xuống mặt đất. 3 vụ cháy vừa qua đều không liên quan đế việc người dân phát dọn thực bì hay nương bãi.
Dãy Nham Biền có tổng diện tích 2.250 ha rừng. Trong số này, dự kiến từ nay đến năm 2025, Yên Dũng sẽ chuyển đổi loại rừng cho 65 ha; Việt Yên 46,7 ha, TP Bắc Giang 111 ha.
Đối với vụ cháy tại khu vực thôn Bài Xanh, xã Vân Trung, người dân địa phương còn cho rằng, chính các chủ buôn gỗ hoặc làm than hoa đã “ra tay” đốt rừng (?). Bởi rừng bị đốt giá gỗ rẻ, buộc sau này chủ rừng phải bán cho những đối tượng này. Bước đầu lực lượng chức năng nhận định các vụ cháy rừng gần đây đều có người cố ý gây ra. Việc cháy rừng trên dãy Nham Biền xảy ra từ nhiều năm qua khiến người dân, chính quyền địa phương và ngành chức năng hết sức bức xúc, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và an ninh trật tự địa phương.
Đẩy nhanh chuyển đổi loại rừng
Đại diện Hạt Kiểm lâm Yên Dũng cho rằng, nguyên nhân gián tiếp gây nên các vụ cháy rừng tại dãy Nham Biền là do các chủ rừng buông lỏng quản lý. Sở dĩ có tình trạng này là do các diện tích rừng này trước đây được quy hoạch là rừng phòng hộ, không được khai thác nên người dân không có thu nhập. Vì thế mà họ cũng không mặn mà trong việc bảo vệ, chăm sóc, khiến thực bì và các vật liệu dễ cháy phát sinh, rừng có thể cháy bất cứ lúc nào. Thời gian gần đây, khi tỉnh quy hoạch các khu đô thị sinh thái, xây dựng khu tâm linh và các sân golf quanh dãy Nham Biền thì các diện tích rừng ở đây (thuộc địa bàn cả Yên Dũng, Việt Yên và TP Bắc Giang) trở nên có giá, được các nhà đầu tư săn mua với giá cao.
Theo quy định, không được chuyển nhượng đất rừng phòng hộ. Do đó, các hộ dân tự ý bán đất rừng đều không đến chính quyền cơ sở làm thủ tục chuyển nhượng, mà chỉ hợp đồng mua, bán theo hình thức viết giấy trao tay. Hiện cơ bản đất rừng ở đây đã qua tay nhiều chủ nên chính quyền địa phương và kiểm lâm không nắm rõ địa chỉ và chủ nhân hiện tại của những diện tích rừng này. Ông Nguyễn Minh Hiền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Dũng nói: “Chính vì không rõ chủ rừng nên khi các vụ cháy xảy ra, địa phương rất khó huy động người lên dập lửa. Sau các vụ cháy, việc xử lý trách nhiệm của chủ rừng cũng không hề dễ dàng, vì rừng bị bán trao tay qua nhiều người”.
Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên chia sẻ, sau các vụ cháy rừng, UBND tỉnh, các huyện đều có văn bản chỉ đạo, yêu cầu lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc xác định nguyên nhân, tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên, tỷ lệ tìm ra thủ phạm các vụ cháy rừng rất thấp vì rừng rộng, nhiều lối vào. Kẻ đốt rừng dùng nhiều thủ đoạn gây cháy. Hiện trường các vụ cháy rừng do phá hoại đều không tìm ra điểm cháy và vật liệu gây cháy ban đầu, vì đám cháy đã xóa dấu vết hiện trường.
Hiện cả 3 vụ cháy rừng vừa qua đều chưa tìm ra manh mối. Để hạn chế các vụ cháy rừng trên dãy Nham Biền, ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang cho biết, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và các chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng. Đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động chủ rừng quan tâm hạ cấp thực bì để phòng cháy. Hạt Kiểm lâm các huyện, TP, tổ bảo vệ rừng, nhất là các chủ rừng và ban quản lý cấp thôn đề cao cảnh giác, tăng cường tuần tra, kiểm soát sớm phát hiện nguy cơ gây cháy rừng; thường xuyên tu bổ đường băng cản lửa, sẵn sàng các phương tiện chữa cháy, kịp thời dập lửa, không để lan ra diện rộng.
Được biết, tháng 2/2022, Chính phủ đã đồng ý cho Bắc Giang chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng phòng hộ tại dãy Nham Biền (2.250 ha) sang rừng sản xuất. Trong số này, dự kiến, từ nay đến năm 2025, Yên Dũng sẽ gấp rút chuyển đổi loại rừng cho 65 ha; Việt Yên 46,7 ha, TP Bắc Giang 111 ha. Hiện tại, huyện Yên Dũng đã có tờ trình đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển loại rừng của huyện (đợt 1), với tổng diện tích là 27,1 ha, thuộc thôn Liên Sơn, xã Tiền Phong. Việc chuyển đổi này sẽ giúp các chủ rừng thu lợi từ kinh doanh rừng. Từ đó sẽ chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn, góp phần hạn chế tối thiểu các vụ cháy rừng trên dãy Nham Biền.
Bài, ảnh: Thế Đại