Hạn chế những hệ lụy từ rượu, bia

Ép buộc người khác uống rượu, bia; uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập bị phạt 1-3 triệu đồng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng khi không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức...

Đây là một trong những điểm mới tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 29-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. Hiện vấn đề được dư luận quan tâm là làm thế nào để nghị định được triển khai có hiệu quả nhằm hạn chế những hệ lụy do uống rượu, bia gây ra.

Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn một người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Việt Cường

Triển khai tuyên truyền rộng rãi

Những điểm mới trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với mức xử phạt cao chính thức có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 được kỳ vọng sẽ kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số vụ đánh nhau, va chạm… do uống rượu, bia. Anh Phạm Ánh Dương, ngõ 379 Đội Cấn (quận Ba Đình) bày tỏ sự đồng tình khi chế tài xử phạt tăng nặng đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia. Bởi, bản thân anh Dương nhiều lần là nạn nhân của nạn ép uống rượu, bia, rồi gây ra hiềm khích, cãi nhau.

“Tôi biết có nhiều người bị ép uống rượu, bia đến say, tự lái xe về nhà rồi gây tai nạn giao thông. Hy vọng khi quy định được thực thi, những hệ lụy đáng tiếc của nạn uống rượu, bia sẽ được hạn chế”, anh Dương chia sẻ.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho thấy, công tác tuyên truyền quy định mới của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã được triển khai rộng khắp. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) Dương Tích Phong, UBND phường đã có thông báo đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc, trong đó có nội dung “Cán bộ, công chức, viên chức không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực”. Hiện nay, UBND phường đã quán triệt mạnh mẽ quy định này đến các bộ phận chức năng của phường, thời gian tới sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định.

Tại quận Cầu Giấy, từ ngày 26-10, UBND quận đã tổ chức tập huấn triển khai Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Các thành phần tham gia được báo cáo viên giải đáp những thắc mắc và cách giải quyết những vụ việc cụ thể trong quá trình triển khai nghị định, đồng thời được cung cấp thêm thông tin, kiến thức, kỹ năng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa quận Cầu Giấy Nguyễn Thu Trang, bên cạnh việc tập huấn, UBND quận còn đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của quận nhằm quán triệt nội dung của nghị định đến các tầng lớp nhân dân một cách hiệu quả nhất. Tương tự, UBND huyện Gia Lâm cũng tổ chức tập huấn triển khai Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đến các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn.

Lời kêu gọi “Xin đừng lái xe khi đã uống rượu bia” được Tổng công ty Dầu Việt Nam đặt tại hơn 550 trạm xăng trong cả nước.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Mặc dù hầu hết cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đều nắm bắt rõ những điểm mới của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, song làm thế nào để thực hiện nghị định này một cách hiệu quả nhất là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thực tế cho thấy, các quy định cấm uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc... đã có từ lâu nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Với quy định mới này, nếu các cơ quan, đơn vị không tăng cường kiểm tra, giám sát sẽ khó xử lý triệt để hành vi vi phạm.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội (quận Hoàng Mai) cho rằng, việc thực thi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết cách thức tố giác hành vi ép uống rượu, bia; thẩm quyền xử phạt vi phạm để bảo đảm tính khách quan và người dân dễ dàng tiếp cận, thực hiện.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam, tình trạng ép rượu, bia, rồi uống đến say, thiếu tỉnh táo... đã và đang gây ra những tác động xấu trong xã hội. Tại từng cơ quan, đơn vị, cần phải phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc gương mẫu chấp hành và tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động không được ép người khác uống rượu, bia; không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập... góp phần xây dựng văn hóa công sở.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cũng cho biết, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế đã bổ sung, sửa chữa nhiều quy định mới phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Nghị định đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, chính quyền các cấp. Để nghị định triển khai hiệu quả cần có cơ chế phối hợp liên ngành một cách rõ ràng giúp cho việc kiểm tra, giám sát được thực hiện đồng bộ, tránh xảy ra tình trạng đùn đẩy hay chồng chéo tránh nhiệm giữa các cơ quan.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/983571/han-che-nhung-he-luy-tu-ruou-bia