Hạn chế sự khó chịu khi mắc nấm kẽ chân
Nấm kẽ chân hay là nước ăn chân không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến những hoạt động hàng ngày. Bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa hè.
Nguyên nhân gây nấm kẽ chân
Nấm kẽ chân phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Đặc biệt vào mùa hè, mùa mưa, nấm có cơ hội phát triển mạnh khiến nhiều người bị mắc, thường bắt đầu từ kẽ ngón chân thứ 3- 4 hoặc kẽ 4-5 sau đó lây lan ra toàn bộ các kẽ chân, mu bàn chân, lòng bàn chân, rìa bàn chân.
Nguyên nhân gây ra bệnh này chủ yếu là bởi những loại nấm được sinh ra từ những vùng kẽ chân không được vệ sinh sạch sẽ. Nếu như không có biện pháp chữa trị đúng cách thì những loại nấm này sẽ tấn công và lây lan sang những vùng khác.
Bệnh có thể gây ra bởi những nguyên nhân sau:
Đi giày và tất thường xuyên.
Tiếp xúc lâu dài với nguồn nước bẩn hoặc các loại hóa chất gây kích ứng da.
Những người mắc phải chứng ra mồ hôi chân quá nhiều là đối tượng có nguy cơ cao bị nấm kẽ chân.
Dùng chung đồ với người bị nấm hoặc dẫm phải vảy da nấm của người bệnh.
Nấm kẽ chân gây ra nhiều triệu chứng khó chịu:
Ngứa ngáy khi mụn nước ở vùng da bàn chân bị vỡ, đặc biệt kẽ giữa của các ngón chân.
Lây lan khắp các kẽ chân.
Ngứa rát, lở loét và mưng mủ, nhiều trường hợp còn bị nhiễm trùng.
Phương pháp điều trị an toàn và hạn chế khó chịu khi bị nấm kẽ chân
Tùy theo tình trạng của bệnh lý bác sĩ có cách điều trị phù hợp. Nhưng phương pháp chủ yếu là sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da, dùng thuốc uống và sát khuẩn.
Nấm kẽ chân sẽ ngày càng nặng hơn và lây lan sang những vùng khác nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Khi bị nhiễm nấm này, dù bạn có rửa chân thật sạch, thay tất mới mỗi ngày thì mùi hôi vẫn không thể hết, nhất là bạn lại đi giày kín cả ngày. Vì thế tránh tái phát và lây lan, bạn nên thực hiện:
Làm sạch những bụi bẩn hoặc dịch chảy ra ở kẽ chân bằng bông hoặc băng gạc sạch trước khi bôi thuốc
Không được cạo vùng da bị nấm bằng các vật dụng cứng vì có thể gây tổn thương da nặng hơn.
Phải bôi thuốc liên tục cho đến khi hết hẳn để tránh tái phát.
Tránh lây nhiễm cho người khác bằng cách mang dép và khăn riêng.
Luôn giữ chân sạch sẽ và khô ráo nhất là sau khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn, đi tất hoặc giày cả ngày. Ngâm chân mỗi ngày 1-2 lần vào thuốc tím pha thật loãng 1/4.000. Nước ngân châm càng nóng càng tốt. Mỗi lần ngâm chân từ 20-30 phút. Trong khi ngâm chân, nên dùng ngón tay hoặc khăn mềm kì cọ mạnh bàn chân, đặc biệt là các kẽ ngón chân để làm bong hết các lớp da chết và các chất tiết của chân
Nên chọn những loại tất có chất liệu thấm hút tốt.
Hạn chế đi giày và tất cả ngày.
Khi xuất hiện tình trạng ngứa ở kẽ giữa ngón chân, không nên gãi mạnh vì có thể làm trầy xước, gây viêm nhiễm và khiến bệnh nặng hơn.
Khi tình trạng nấm vẫn lây lan, gây khó chịu không thuyên giảm trong 2 tuần đầu thì bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu.