Hạn chế thảm họa do bệnh tâm thần

Liên tiếp các vụ thảm án do người tâm thần gây ra thời gian gần đây khiến nhiều gia đình có bệnh nhân tâm thần hoang mang, lo lắng.

TS. Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, nếu phát hiện và điều trị sớm, sẽ hạn chế được nhiều thảm họa do bệnh nhân tâm thần gây ra.

Gánh nặng cho xã hội

Theo TS. Nguyễn Thanh Hồi, tâm thần bao gồm các cảm giác, tri giác, tư duy, trí nhớ, trí tuệ, tình cảm, ngôn ngữ, tưởng tượng, hành vi... phản ánh hoạt động của não. Khi phần này của một người mất cân bằng hay rối loạn thì người đó mắc bệnh tâm thần. Hiện nay, cùng với tim mạch và ung thư, tâm thần là một căn bệnh không lây nhiễm nhưng lại là gánh nặng cho xã hội.

Tâm thần có đến 300 loại nhưng bệnh tâm thần do di truyền chỉ chiếm 1% đó là tâm thần phân liệt, động kinh. Ngoài ra có dạng tâm thần do viêm não, bại não, dân số già dẫn đến sức khỏe tâm thần kém; lớp trẻ thì do tâm lý, chương trình học không phù hợp, áp lực về thất nghiệp, thay đổi môi trường, các chất gây nghiện. Các trò chơi gây nghiện như games cũng góp phần không nhỏ làm gia tăng bệnh nhân tâm thần.

TS. Nguyễn Thanh Hồi cho biết, trong các dạng tâm thần thì tâm thần phân liệt (dân gian gọi bệnh điên) là nặng nề nhất. Người bệnh bị rối loạn toàn diện các chức năng tâm thần, không còn khả năng phân biệt đúng sai. Họ thường bị hoang tưởng, ảo giác chi phối, coi người thân là kẻ thù, ma quỷ, cần phải trừ khử.

Bệnh trầm cảm cũng khiến người bệnh có ý nghĩ hoặc hoang tưởng đen tối dẫn đến hành vi tự sát. Nhiều người trước khi tự sát còn giết cả vợ con, cha mẹ để họ cùng chết và không phải chịu đau khổ trên đời. Còn bệnh động kinh, người bệnh thường có xung đột, tấn công, đánh giết người thân và những người xung quanh nhưng sau đó lại tỏ ra ân hận. Đặc biệt, người động kinh thường hay để ý vụn vặt, chấp nhặt, thù dai.

Nghiện ma túy, rượu cũng là một dạng ảnh hưởng đến tâm thần, họ có thể làm bất cứ việc gì để có thể thỏa mãn cơn nghiện.

Điều trị sớm sẽ góp phần giảm các tai họa do người bệnh tâm thần gây ra. Ảnh minh họa

Khi nào cần đề phòng?

Người tâm thần có nên kết hôn?

“Luật Hôn nhân và Gia đình không cấm những người bị các bệnh thông thường trong đó có các bệnh tâm thần thể nhẹ kết hôn.

Vì vậy, người tâm thần có nên kết hôn hay không cũng tùy từng trường hợp bệnh nặng hay nhẹ. Nếu bệnh tình ổn định, thể nhẹ mà tìm được người tâm đầu, ý hợp thì sẽ tốt hơn cho họ, nhưng nếu không đủ năng lực kết hôn thì không nên xây dựng gia đình. Và những người bị bệnh nếu muốn kết hôn thì cũng cần phải chia sẻ bệnh tình của mình với người yêu trước đám cưới để tránh những mâu thuẫn về sau”.

TS. Nguyễn Thanh Hồi

Theo TS. Nguyễn Thanh Hồi, việc điều trị đối với bệnh nhân tâm thần rất quan trọng và cần phải duy trì lâu dài theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Họ cần được thăm khám định kỳ, xác định “chung sống” lâu dài với bệnh. Có những bệnh nhân phải điều trị, uống thuốc 10 -20 năm, vì chỉ có thuốc an thần kinh phù hợp mới có thể làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh tâm thần.

Hiện nay, thuốc tâm thần đã tốt hơn rất nhiều so với trước, ít tác dụng phụ hơn nhưng cần phải uống đều đặn. Không nên tự ý ngưng thuốc vì bệnh nhân sẽ bị tái phát, có hành vi gây hại cho bản thân và người xung quanh.

Môi trường gia đình là điều kiện quan trọng để bệnh nhân tâm thần có thể hồi phục, sống thoải mái, yên tâm điều trị. Mọi người trong gia đình cần phải thông cảm, tin tưởng, tránh làm người bệnh căng thẳng, lo nghĩ. Người nhà không nên cãi nhau với bệnh nhân tâm thần nhưng cũng không phải vì vậy mà quá nuông chiều họ. Có những việc làm nhẹ nhàng mà bệnh nhân có thể đảm nhiệm được thì cần cho họ tham gia để khích lệ họ.

Tuy nhiên, khi người bệnh có những dấu hiệu như mất ngủ, nói năng không kiểm soát hay có những hành động bất thường, gia đình cần đề phòng, cảnh giác cao độ. Nếu bệnh nhân có cầm hung khí thì khéo léo tước bỏ, khống chế và đưa họ đến các bệnh viện tâm thần, tốt nhất là nhờ công an can thiệp.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hồi, sở dĩ có nhiều vụ án mà thủ phạm là người tâm thần là vì đa số bệnh nhân thường phát hiện muộn. Một người có dấu hiệu mất ngủ, ném vỡ vài cái phích hay nói năng không kiểm soát một vài ngày đã phải tới bệnh viện, nhưng đa số bệnh nhân tâm thần ở nước ta thường phải gây hậu quả như đánh người, gây thương tích cho chính mình thì mới được đưa tới bệnh viện.

“Việc chung sống với những bệnh nhân tâm thần để giúp đỡ họ hòa nhập tốt là một việc làm cực khó đối với gia đình và xã hội. Vì chúng ta vẫn có định kiến rất lớn với bệnh nhân tâm thần. Mặc dù người bệnh đã có chế độ phụ cấp nhưng nhìn chung vẫn còn rất thấp - chỉ được cấp phát 1.500 đồng tiền thuốc/ngày”, TS. Nguyễn Thanh Hồi cho biết thêm.

Hoài Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20110930083019657p0c1011/han-che-tham-hoa-do-benh-tam-than.htm