Hạn chế thấp nhất việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và vụ án hình sự

Những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trong 2 cấp Sóc Trăng đã thực hiện tốt các quy định liên quan đến việc tạm đình chỉ, bảo đảm về căn cứ, đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn không tránh được những hạn chế, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc nhất định. Từ đó, dẫn đến thời hạn giải quyết một số vụ, việc kéo dài, tội phạm không được xử lý kịp thời.

Tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và vụ án hình sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021. Khi bảo đảm các điều kiện thì Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết và khi lý do tạm đình chỉ không còn thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải phục hồi để giải quyết. Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tạm đình chỉ giải quyết 287 vụ việc (cấp tỉnh 29, cấp huyện 258), với lý do là chờ kết quả giám định, định giá; chờ cung cấp tài liệu, đồ vật và lý do khác. Cơ quan điều tra 2 cấp đã tạm đình chỉ 899 vụ, 106 bị can, với lý do chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu; có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo; chờ kết luận giám định, định giá, kết quả tương trợ tư pháp và lý do khác. Còn viện kiểm sát 2 cấp đã tạm đình chỉ giải quyết 3 vụ, 4 bị can, với lý do bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu. Tòa án 2 cấp tạm đình chỉ giải quyết 1 vụ, 2 bị cáo, với lý do không biết rõ bị cáo đang ở đâu.

Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp đa số đều có căn cứ, nhất là những nguồn tin cần phải có kết quả giám định, kết luận định giá hay cần có thêm các tài liệu, đồ vật mới có đủ căn cứ để xem xét việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự… Đặc biệt, từ khi có Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP về quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, nhận thức của cán bộ, lãnh đạo làm công tác giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự ngày càng nâng lên; việc tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về các căn cứ tạm đình chỉ, phục hồi tạm đình chỉ được thực hiện tốt. Từ đó, bảo đảm được quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng, góp phần có hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Theo thống kê của các cơ quan tố tụng, toàn tỉnh Sóc Trăng có 796 vụ án hình sự bị tạm đình chỉ với lý do chưa phát hiện được người thực hiện hành vi phạm tội; có 94 vụ án hình sự tạm đình chỉ với lý do bị can bỏ trốn. Hầu hết những vụ án này có nhiều tình tiết phức tạp, không có cơ sở vững chắc để tổ chức điều tra, truy xét. Mặc dù, cơ quan điều tra 2 cấp đã có nhiều cố gắng trong việc thu thập chứng cứ, tổ chức xác minh các đối tượng nghi vấn; song do nguồn chứng cứ không rõ ràng, tội phạm hoạt động tinh vi nên công tác điều tra phá án đi vào bế tắc dẫn đến hết thời hạn điều tra phải tạm đình chỉ. Ngoài ra, án tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, rất khó khăn trong quá trình xác minh, truy bắt đối tượng nên tỷ lệ giải quyết án tạm đình chỉ trong các năm qua còn thấp.

Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp kiểm sát chặt chẽ án hình sự. Ảnh: SỚM MAI

Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp kiểm sát chặt chẽ án hình sự. Ảnh: SỚM MAI

Hiện nay, tình hình tội phạm xảy ra ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi đó lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn còn thiếu, trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn lạc hậu. Vì vậy, phần nào làm ảnh hưởng đến kết quả công tác. Thêm vào đó, số lượng nguồn tin về tội phạm tăng cao, dẫn đến chất lượng giải quyết tin báo tội phạm không cao, đôi lúc lạm dụng việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Cũng cần mạnh dạn nhìn nhận, đối với các vụ án tạm đình chỉ, một số cán bộ tư pháp có tâm lý coi nhẹ công tác giải quyết, chưa làm hết trách nhiệm, thường hay xếp hồ sơ bỏ ngỏ, hồ sơ không thể hiện các tài liệu điều tra, biên bản xác minh, không có trích cứu lời khai, việc thu thập, đánh giá chứng cứ không thể hiện các hoạt động điều tra sau khi tạm đình chỉ. Thậm chí, có trường hợp sau khi tạm đình chỉ vụ án không tổ chức các hoạt động điều tra tiếp theo để giải quyết lý do tạm đình chỉ, không tiến hành phân công điều tra viên tiến hành xác minh nơi cư trú của bị can để xem xét việc bị can có mặt ở nơi cư trú hay không? Không lập biên bản kiểm tra nhân khẩu để xem xét việc tạm trú, tạm vắng của bị can là có lý do hay không. Lãnh đạo một số viện kiểm sát cấp huyện chưa chủ động thỉnh thị ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đối với những vụ án phức tạp về chứng cứ trước khi quyết định tạm đình chỉ, dẫn đến có trường hợp áp dụng căn cứ tạm đình chỉ thiếu chính xác. Công tác phối hợp điều tra, kiểm sát điều tra án tạm đình chỉ đôi lúc chưa kịp thời nên số án hết thời hiệu vẫn còn...

Đồng chí Nguyễn Hồng Phuông - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định, quy chế có liên quan và thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ hiện đang quản lý, hạn chế đến mức thấp nhất vụ án, vụ việc tạm đình chỉ phát sinh mới. Chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ phục hồi giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ để xử lý tội phạm theo đúng quy định của pháp luật. Điều tra viên, kiểm sát viên tăng cường phối hợp ngay từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý nguồn tin về tội phạm; các căn cứ thụ lý nguồn tin về tội phạm, căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định ngay từ đầu. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh để giải quyết triệt để các nguồn tin về tội phạm, các vụ án ngay từ khi thụ lý, khởi tố, tránh giải quyết kéo dài dẫn đến phải tạm đình chỉ.

Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp sẽ chủ động phối hợp, đôn đốc cơ quan điều tra cùng cấp trong quản lý, giải quyết vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ; tổ chức kiểm sát chặt chẽ căn cứ tạm đình chỉ. Chủ động đôn đốc, yêu cầu cơ quan giám định, định giá và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có kết quả trả lời trong thời hạn quy định. Thường xuyên phối hợp kiểm tra, đánh giá hồ sơ vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ, kịp thời ra quyết định không khởi tố vụ án đối với vụ việc, quyết định đình chỉ đối với vụ án hình sự tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do có sự thay đổi của pháp luật hành vi không còn là tội phạm. Tăng cường các biện pháp quản lý, lưu trữ hồ sơ vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ, bảo đảm các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ phải có đầy đủ hồ sơ. Xây dựng quy trình quản lý và lưu trữ hồ sơ tạm đình chỉ khoa học, đầy đủ để phục vụ cho công tác phục hồi, rà soát căn cứ tạm đình chỉ.

Bằng sự quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng và giải pháp hữu hiệu sẽ quản lý chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat/202410/han-che-thap-nhat-viec-tam-inh-chi-giai-quyet-nguon-tin-ve-toi-pham-va-vu-an-hinh-su-98224de/