Hạn hán, chiến tranh, lệnh cấm xuất khẩu đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

Nguồn cung lương thực đang đứng trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các sóng nhiệt trải dài từ Mỹ đến châu Âu, quyết định của Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen và lệnh cấm xuất khẩu gạo mới đây của Ấn Độ.

Một nhà kho ngũ cốc bị phá hủy ở vùng Odesa, Ukraine hôm 21-7 sau khi Nga liên tục nã tên lửa và drone tự sát vào các cảng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong những ngày qua. Ảnh: AP

Một nhà kho ngũ cốc bị phá hủy ở vùng Odesa, Ukraine hôm 21-7 sau khi Nga liên tục nã tên lửa và drone tự sát vào các cảng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong những ngày qua. Ảnh: AP

Hôm 20-7, Ấn Độ, nhà cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường thế giới, thông báo cấm xuất khẩu các loại gạo trắng phi basmati để kiểm soát giá cả của mặt hàng lương thực này ở thị trường nội địa. Chỉ ít ngày trước đó, Nga tuyên bố rút khỏi một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Biển Đen, khiến giá lúa mì tăng vọt.

Nhưng nguồn cung lương thực toàn cầu còn đứng trước một mối đe dọa nghiêm trọng nữa: mẫu hình khí hậu khô nóng El Ninõ đã xuất hiện ở Thái Bình Dương.

Mối lo an ninh lương thực lại bùng lên

Tất cả những diễn biến trên đang thổi bùng mối lo ngại về an ninh lương thực và giá cả, có thể khiến tình trạng lạm phát cao ở nhiều nước kéo thời dai dẳng hơn. Đó sẽ là một đòn giáng đối với người tiêu dùng khi họ chỉ mới bắt đầu đón nhận một số tin tốt về lạm phát sau một thời gian dài dè sẻn chi tiêu

“Tất cả chúng ta vẫn đang phải vật lộn chống chọi tác động của lạm phát. Và dù lạm phát đang giảm dần, nhưng không có nghĩa là giá cả sẽ giảm, mà chỉ là tăng chậm hơn”, Tim Benton, chuyên gia an ninh lương thực tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, nói.

Các đợt nóng như thiêu đốt đang tấn công những vùng rộng lớn ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Đó chỉ là thách thức mới nhất trong một năm đầy khó khăn đối với nông dân, vốn chật vật với những đợt thời tiết khắc nghiệt trước đó, gồm hạn hán kéo dài, mưa lớn và lũ lụt.

Hiện tại, thời tiết ở khu vực Nam Âu nóng đến nỗi khiến bò sản xuất ít sữa hơn và cà chua đang bị hư thối. Sản lượng từ các vụ thu hoạch ngũ cốc ở khu vực này dự kiến sẽ thấp hơn do tác độn của hạn hán.

Ở châu Á, sản lượng từ các vựa lúa của Trung Quốc đang đối mặt rủi ro và tại Mỹ, các điều kiện canh tác đang ở mức tồi tệ nhất trong hơn ba thập niên vào tháng 6. Giá gạo ở châu Á gần đây đạt mức cao nhất trong hai năm do các nhà nhập khẩu chạy đua mua tích trữ.

Dù mức độ thiệt hại của ngành nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời gian nắng nóng kéo dài bao lâu, nhưng đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy rau quả ở Nam Âu, nơi cung cấp phần lớn cho lục địa châu Âu, đang bị tàn phá.

Ở đảo Sicily của Ý, nhiều quả cà chua xuất hiện những chấm tròn màu đen, do bệnh thối đầu hoa khi thời tiết khắc nghiệt khiến cây cà chua thiếu canxi.

“Chúng giống như bị cháy. Tôi chưa từng thấy hiện tượng này trước đây”, Paddy Plunkett, người đứng đầu bộ phận tìm nguồn cung ứng toàn cầu của nhà nhập khẩu nông sản Natoora (Anh), nói.

Trên khắp nước Ý, thiệt hại do thời tiết đối với ngành nông nghiệp trong năm nay sẽ vượt quá con số 6 tỷ euro hồi năm ngoái, theo dự báo của Hiệp hội nông dân Ý Coldiretti.

Theo Coldiretti, nhiệt độ cao đã đẩy nhanh quá trình chín hoặc gây bỏng nhiệt cho mọi thứ, từ nho đến dưa hấu, quả mơ và cà tím. Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các đàn ong và quá trình thụ phấn ở cây trồng cũng như sản lượng lúa mì.

“Các chuyên gia cho rằng cây trồng nông nghiệp cần phải thích nghi với biến đổi khí hậu, nhưng với một ngành nông nghiệp phát triển từ từ qua hàng ngàn năm, chúng ta không thể thích nghi với khí hậu liên tục thay đổi nhanh chóng và đột ngột như vậy. Đây là một mùa hè nóng bất thường”, Lorenzo Bazzana, nhà nông học của Coldiretti nói.

Giá lúa mì ‘nhảy múa’ do bất ổn từ Biển Đen

Ngoài vấn đề nguồn cung rau quả ở châu Âu đang bị đe dọa vì nắng nóng, tin tốt là thị trường ngũ toàn cầu được cung cấp đầy đủ nhờ vụ thu hoạch đậu nành và bắp kỷ lục ở Brazil. Nga, nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, cũng chuẩn bị bước vào một mùa thu hoạch bội thu.

Nhưng các bất ổn đang gia tăng, với giá lúa mì ‘nhảy múa’ loạn xạ trong suốt tuần qua trước một loạt tin tức xấu từ Biển Đen.

Giá lúa mì tương lai tăng mạnh hôm 17-7 khi thị trường đón nhận tin Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, nhưng rồi giảm trở lại. Những ngày sau đó, giá lúa mì tăng thêm 11% sau khi Nga ra thông điệp đe dọa các tàu đi đến các cảng của Ukraine. Riêng hôm 19-7, giá mùa mì ở châu Âu tăng 8,2% lên mức 253,75 đô la/tấn, còn giá bắp tăng 5,4%. Cùng ngày, giá lúa mì tương tại Mỹ cũng tăng thêm 8,5%, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ tháng 2-2022 khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Đến hôm 21-7, giá lúa mì tương lai ở Mỹ quay đầu giảm 4,2% trước tin Ukraine đang tìm cách khôi phục thỏa thuận xuất khẩu qua Biển Đen.

Trước chiến tranh, Ukraine đóng góp khoảng 10% sản lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu mỗi năm. Ngoài ra, nước này cũng là nhà xuất khẩu bắp quan trọng trên thị trường thế giới.

Nhưng mối lo ngại lớn hơn đến từ Ấn Độ, nước vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng basmati để kiểm soát lạm phát trong nước.

Giá gạo bán lẻ ở thủ đô New Delhi tăng khoảng 15% trong năm nay trong khi giá gạo trung bình toàn quốc tăng 9%, theo dữ liệu từ Bộ Lương thực Ấn Độ. Nomura Holdings cảnh báo chính phủ Ấn Độ có thể mở rộng hạn chế xuất khẩu sang các loại gạo khác.

Tại châu Á, Thái Lan đang yêu cầu nông dân chỉ trồng một vụ lúa trong trong năm nay do nguy cơ hạn hán. Tại Trung Quốc, nhiệt độ cao có thể sẽ khiến vụ lúa chín sớm, ảnh hưởng đến năng suất. Hôm 20-7, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi giới chức trách nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo an ninh lương thực.

Vụ thu hoạch ngũ cốc năm 2023 của Liên minh châu Âu được dự báo rơi xuống mức 256 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2007. Ảnh: Bloomberg

Vụ thu hoạch ngũ cốc năm 2023 của Liên minh châu Âu được dự báo rơi xuống mức 256 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2007. Ảnh: Bloomberg

Nắng nóng đe dọa sản lượng ngũ cốc của Mỹ và châu Âu

Nhiều vùng của nước Mỹ cũng đang trải qua những căng thẳng nhiệt độ tương tự. Arlan Suderman, nhà kinh tế hàng hóa trưởng tại Công ty môi giới StoneX, cho biết, lượng mưa ở các vùng nông nghiệp của Mỹ đang cải thiện sau điều kiện khô và nóng vào đầu năm nay. Tuy nhiên, ông nói thời tiết dự kiến sẽ đảo ngược một lần nữa trên khắp vùng Trung Tây của đất nước vào tuần tới và đầu tháng 8, đúng lúc các vụ mùa bắp và đậu nành bước vào các giai đoạn phát triển quan trọng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, sản lượng lúa mì hạt cứng của Mỹ sẽ giảm 16% trong năm nay.

Các điểm nghẽn vận chuyển có thể làm phức tạp thêm mối lo ngại về an ninh lương thực. Mực nước trên sông Mississippi và các con sông ở bang Ohio đang giảm trong năm thứ hai liên tiếp do hạn hán, làm tăng nguy cơ gián đoạn trên các tuyến đường vận chuyển nông sản quan trọng.

“Tôi sẽ ngạc nhiên nếu giá lương thực toàn cầu không bắt đầu tăng trở lại sau hơn một năm giảm. Thị trường nông nghiệp đang đối mặt với nhiều mối đe dọa”, Caitlin Welsh, chuyên gia lương thực tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế ở Washington, nói.

Tại châu Âu, hạn hán có thể khiến sản lượng ngũ cốc ở Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những nơi đang chứng kiến nhiệt độ thường xuyên cao hơn 40 độ C trong thời gian gần đây, thấp hơn tới 60% so với năm ngoái. Điều này sẽ góp phần dẫn đến vụ thu hoạch ngũ cốc tồi tệ nhất của Liên minh châu Âu trong 15 năm qua, theo Copa-Cogeca, tổ chức vận động hành lang của nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp ở châu Âu. Tổ chức này mô tả tình hình hiện tại đang “cực kỳ đáng lo ngại”.

“Giá cả đang trong xu hướng dễ tăng nhưng khó giảm, do vậy, mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát lạm phát”, Tom Halverson, CEO của CoBank, ngân hàng chuyên phục vụ các doanh nghiệp nông thôn trên khắp nước Mỹ, cảnh báo.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/han-han-chien-tranh-lenh-cam-xuat-khau-de-doa-an-ninh-luong-thuc-toan-cau/