Hàn Quốc cam kết đóng vai trò cầu nối trong đối phó với biến đổi khí hậu
Phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị P4G Seoul ngày 1/6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò là 'cầu nối' giữa các nước phát triển và đang phát triển nhằm tăng cường các ứng phó của toàn cầu đối với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Chung Eui-yong nêu rõ "Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030" (P4G) do Hàn Quốc đăng cai tổ chức diễn ra theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 30-31/5 vừa qua đã góp phần tập hợp ý chí chung của các nước nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh "sự phục hồi xanh toàn diện" từ dịch COVID-19 để vượt qua những thách thức về môi trường.
Đề cập đến kết quả của Hội nghị, Bộ trưởng Chung Eui-yong cho hay Hội nghị P4G Seoul lần này mang một ý nghĩa to lớn bởi Hàn Quốc đã dẫn đầu các hoạt động ứng phó với khí hậu, đồng thời đóng vai trò quan trọng như một cầu nối giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển vốn có điều kiện và quan điểm khác nhau. Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế vì sự thành công của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và vì mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Khi được hỏi liệu Seoul có thể thúc đẩy hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ-Trung đang tiếp diễn hay không, Bộ trưởng Chung Eui-yong nhấn mạnh rằng cả Washington và Bắc Kinh đều cử đại diện tham gia Hội nghị P4G Seoul lần này và Trung Quốc, vốn được xem là quốc gia thải carbon hàng đầu thế giới, cũng đã tham gia nội dung tuyên bố chung của hội nghị kêu gọi cần có hành động quyết liệt hơn về khí hậu.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Chung Eui-yong cũng lưu ý thêm rằng Tuyên bố Seoul, kết quả của Hội nghị P4G lần thứ hai được xem như một đỉnh cao về "tính bao trùm" trong nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc. Tuyên bố Seoul, được thông qua vào cuối hội nghị đã nhấn mạnh quyết tâm của các nhà lãnh đạo trong việc theo đuổi phục hồi kinh tế "xanh" từ đại dịch COVID-19 thông qua quá trình "bao trùm" có tính đến hoàn cảnh khác nhau của các quốc gia, cũng như các cộng đồng dễ bị tổn thương về xã hội và môi trường.