Hàn Quốc chi tiền tỷ giải cứu ngành đóng tàu

Hàn Quốc đang lên kế hoạch chi 9,6 tỷ USD để giải nguy cho ngành công nghiệp đóng tàu nước này, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy thoái kéo dài, gây ra những tác động không nhỏ cho ngành vận tải biển.

Chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ bằng cách trực tiếp đặt hàng, hoặc ưu đãi tài chính cho các hợp đồng đóng tàu mới.

Trong vài chục năm trở lại đây, đóng tàu là một ngành mũi nhọn của nền kinh tế Hàn Quốc, khi tạo ra 7,1% tổng số việc làm của khu vực sản xuất và 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015. Ba công ty đóng tàu lớn nhất thế giới tính theo khối lượng đặt hàng đều có gốc gác là xứ kim chi.

Không cứu không được

Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển kém đi thấy rõ. Số tàu container thì nhiều mà hàng hóa thì không đủ để lấp đầy chuyến, các chủ tàu phải cạnh tranh với nhau về giá và đẩy giá cước vận tải xuống thấp kỷ lục, khiến họ không mặn mà đóng thêm tàu mới.

Song song với đó là sự chen chân của nhiều hãng đóng tàu giá rẻ đến từ Trung Quốc, đánh chiếm thị phần của doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc và gây ra rất nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Hàn Quốc, trong ba quý đầu năm 2016, số hợp đồng đóng tàu mới đã giảm tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo Il-ho cho biết, theo kế hoạch, chính phủ sẽ hỗ trợ các công ty đóng tàu bằng cách trực tiếp đặt hàng, hoặc ưu đãi tài chính cho các hợp đồng đóng mới hơn 250 tàu, với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ won (tương đương 9,6 tỷ USD) đến năm 2020.

Đóng tàu vốn là một ngành mũi nhọn của nền kinh tế Hàn Quốc

Phân nửa số đó là tàu cho các công ty vận tải nhỏ và tàu phục vụ hoạt động đánh bắt cá. Số còn lại bao gồm tàu cảnh sát biển, tàu chiến, phà, tàu tuần tra… sẽ bàn giao trực tiếp cho chính phủ sử dụng.

Việc nhận được liều kích thích gần chục tỷ USD từ chính phủ đã cho thấy sinh mệnh ngành đóng tàu có ý nghĩa thế nào đối với nền kinh tế Hàn Quốc.

Trước đó, nhiều ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại của nước này đã phải chung tay đóng góp tiền tỷ để giải cứu những công ty đóng tàu quy mô lớn, mà nếu để phá sản sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền vô cùng nguy hiểm.

Không tái cơ cấu không xong

Tháng 6/2016, chính phủ và ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã thành lập một quỹ gần 10 tỷ USD để tái cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh, giúp “tiêu hóa” nợ xấu của những công ty vận tải biển và đóng tàu làm ăn kém hiệu quả.

Tất cả các nhà máy đóng tàu lớn của Hàn Quốc, bao gồm cả ba “ông lớn” Hyundai Heavy Industries, Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering và Samsung Heavy Industries, đã phải thanh lý bớt tài sản và sa thải nhân viên theo yêu cầu tái cơ cấu của ngân hàng. Công ty tư vấn McKinsey & Co. từng lo ngại Daewoo không cầm cự nổi qua năm 2020, nếu thị trường tiếp tục đi xuống như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc Jeong Marn-ki cho biết, chính phủ hy vọng sẽ giúp các “ông lớn” trên sớm ổn định tình hình, cho dù có thể phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn nữa, bao gồm tinh giản 32% số lao động vào năm 2018 và thu gọn 23% phạm vi hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ thêm 6.500 tỷ won cho các công ty vận tải nội địa để mua tàu mới. Hàn Quốc cũng dự định thành lập một công ty tài chính tàu biển, với số vốn ban đầu khoảng 1.000 tỷ won.

Đại diện một số công ty đóng tàu lớn cho rằng kế hoạch của chính phủ “chưa được như kỳ vọng”, vì chủ yếu làm lợi cho doanh nghiệp đóng tàu quy mô nhỏ, trong khi chẳng ngó ngàng tới khó khăn của các doanh nghiệp lớn, đang thiếu đơn hàng đóng tàu container và tàu chở dầu những sản phẩm có tỷ suất sinh lời cao.

Vận đen dường như đang tìm đến Hàn Quốc trong lĩnh vực thương mại biển. Hanjin Shipping, hãng vận chuyển container lớn nhất cả nước, đã phải đệ đơn phá sản cuối tháng 8 vừa qua và đang phải thanh lý tài sản theo phán quyết của tòa án. Hyundai Merchant Marine, đối thủ Hanjin, thì rất may mắn mới được giải cứu vào phút chót sau khi chấp nhận kế hoạch tái cơ cấu nợ mạnh tay của các chủ nợ.

Hải Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/han-quoc-chi-tien-ty-giai-cuu-nganh-dong-tau-1021346.html