Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 mới trong ngày ở nước này tiếp tục ở mức trên 700 ca khiến nhà chức trách phải tăng cường cảnh báo sự tái bùng phát dịch bệnh, nhất là ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 4/7 cho biết đã phát hiện thêm 743 ca COVID-19 mới, trong đó có 662 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc cho tới nay lên 160.085 ca.

Trước đó, ngày 2/7 và ngày 3/7, số ca mắc COVID-19 mới ở Hàn Quốc là 826 và 794 ca, mức cao nhất trong gần sáu tháng qua do số ca mắc mới tăng đột biến ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Số ca mắc mới công bố ngày 4/7 có giảm một chút so với hai ngày trước song đây là ngày chủ nhật có số ca mắc mới cao nhất từ đầu năm nay (số ca bệnh được phát hiện cuối tuần thường ít hơn ngày trong tuần do ít người đi xét nghiệm hơn). Cũng theo KDCA, đã có thêm một người tử vong bởi COVID-19, nâng tổng số người tử vong ở Hàn Quốc bởi đại dịch này lên 2.026 người.

Số ca bệnh mới đã tăng vọt lên gần mức cao nhất kể từ hồi tháng một, khi Hàn Quốc phải hứng chịu làn sóng thứ ba của đại dịch, với nhiều ca ghi nhận trong các trường học, cơ sở tư nhân, nhà hàng, phòng tập thể dục trong nhà và các địa điểm vui chơi giải trí.

KDCA cho biết số ca COVID-19 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận, nơi có nửa dân số Hàn Quốc sinh sống chiếm hơn 80% tổng số ca bệnh trong tuần qua và gần một nửa trong số đó ở độ tuổi 20 và 30.

Các cơ quan y tế cho biết chiến dịch tiêm chủng của Hàn Quốc đã làm phẳng đường cong lây nhiễm trong nhóm người cao tuổi, song tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi đang gia tăng do chưa đủ điều kiện để tiêm chủng. Trong khi những người trên 60 tuổi và lực lượng lao động thiết yếu hầu hết đã được tiêm vắcxin, học sinh trung học và giảng viên, cũng như những người trong độ tuổi từ 55 đến 59, cuối tháng này mới đến lượt tiêm chủng.

Các nhà chức trách bày tỏ lo ngại về sự lây nhiễm mạnh hơn sau khi Liên đoàn lao động tổ chức một cuộc biểu tình đường phố lớn với sự tham gia của 8.000 người ngày 3/7 ở trung tâm thủ đô Seoul bất chấp cảnh báo của Chính phủ về một phản ứng nghiêm khắc.

Chính phủ Hàn Quốc đã trì hoãn việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội một tuần cho đến ngày 7/7 tới do dịch bệnh bùng phát trở lại gần đây và cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình trước khi quyết định có thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội ở khu vực Seoul và vùng phụ cận hay không.

Tổng cộng 15,35 triệu người, tương đương 29,9% dân số Hàn Quốc, đã được tiêm vắcxin phòng COVID-19 mũi đầu tiên. KDCA cho biết 5,3 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 10,4% dân số. Hàn Quốc đang sử dụng các vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Janssen.

Tại Malaysia, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa của Malaysia (IMR), tiến sĩ Tahir Aris cho biết vắcxin ngừa COVID-19 hiện được điều chế ở Malaysia cũng được thiết kế để tiêm nhắc lại và sẽ sẵn sàng để sử dụng vào năm 2024.

Phát biểu trước báo giới sau khi tham quan phòng thí nghiệm IMR ở Setia Alam ngày 4/7, Giám đốc Tahir cho rằng những người được tiêm chủng đầy đủ có thể cần tiêm nhắc lại để duy trì sự miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 và thậm chí họ có thể cần tiêm hằng năm. Ông khẳng định đây là biện pháp quan trọng để tiếp tục bảo vệ con người chống lại virus SARS-CoV-2. Malaysia không nên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vắcxin nhập khẩu.

Cũng theo ông Tahir, vắcxin của Malaysia cũng đã tính đến các biến thể cần quan tâm của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và khẳng định tiến độ của dự án rất khả quan và vắcxin bất hoạt sẽ trải qua các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật vào tháng 8 tại cơ sở của Viện Nghiên cứu thú y ở thành phố Ipoh, bang Perak và sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm 6 tháng trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến con người vào năm 2022, và hy vọng rằng vắcxin sẽ sẵn sàng vào năm 2024.

IMR, trực thuộc Bộ Y tế, hiện nghiên cứu hai loại vắcxin ngừa COVID-19 gồm một loại sử dụng công nghệ mRNA và một loại sử dụng phương pháp vắcxin bất hoạt, và đang hợp tác với các chuyên gia thuộc Đại học Putra Malaysia và Viện Nghiên cứu Thú y, trực thuộc Cục Dịch vụ Thú y để bào chế những vắcxin này.

Đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã phân bổ 3,1 triệu ringgit (hơn 740.000 USD) từ ngân sách để điều chế vắcxin ngừa COVID-19 và tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Giai đoạn tiếp theo của điều chế vắcxin là nghiên cứu lâm sàng và cận lâm sàng, và giai đoạn này sẽ cần phải có thêm ngân sách.

Trong khi đó tại Guatemala, chính phủ nước này thông báo lô vắcxin phòng COVID-19 Sputnik V thứ tư của Nga đã được đưa tới sân bay quốc tế La Aurora ở thủ đô Guatemala City.

Theo đoạn video từ sân bay được Chính phủ Guatemala công bố trên trang Twitter ngày 3/7, các liều vắcxin trên sẽ được cung cấp cho giáo viên và nhân viên ngành giáo dục tại nước này, bắt đầu từ ngày 5/7. Đợt vận chuyển vắcxin Sputnik V tiếp theo dự kiến tới Guatemala vào ngày 7/7 tới.

Trước đó, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết 2 máy bay chở các lô vắcxin phòng COVID-19 của nước này dự kiến sẽ tới Guatemala trong vòng 2 tuần tới. Vắcxin Sputnik V được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Guatemala hồi cuối tháng 2 năm nay. Theo Ngoại trưởng nước này Pedro Brolo, Guatemala đang đàm phán với Nga nhằm sửa đổi hợp đồng mua vắcxin trên để có thêm loại vắcxin một liều Sputnik Light.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/260709/han-quoc-doi-mat-voi-nguy-co-tai-bung-phat-dich-covid-19.html