Hàn Quốc đưa nghiên cứu khoa học ra sân chơi quốc tế
Hàn Quốc đang trên đường gia nhập tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới. Sau 5 năm chuẩn bị, quốc gia Đông Á này đã hoàn tất thỏa thuận gia nhập Horizon Europe với tư cách thành viên liên kết. Horizon Europe (HE) là chương trình tài trợ trị giá 95 tỷ EUR của Liên minh châu Âu (EU) dành cho nghiên cứu và đổi mới.
Tư cách thành viên liên kết của HE cho phép các quốc gia như Hàn Quốc vừa đóng góp cho quỹ, vừa yêu cầu các tổ chức nghiên cứu của họ nộp đơn xin tài trợ “theo điều kiện bình đẳng với các tổ chức của các nước thành viên EU”. Cùng với Hàn Quốc, 19 quốc gia khác, trong đó có Canada và New Zealand, cũng đã đồng ý trở thành thành viên liên kết. Hầu hết trong số họ là các quốc gia không phải thành viên EU.
Tại châu Á, Singapore và Nhật Bản cũng đang trong quá trình đàm phán tham gia HE. Sự quan tâm của EU đối với Hàn Quốc là điều không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến vị thế của quốc gia này là một cường quốc khoa học và công nghệ. Trên bình diện toàn cầu, Hàn Quốc đứng thứ hai sau Israel về tỷ lệ đầu tư vào các chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) theo tỷ lệ GDP. Theo kế hoạch R&D toàn cầu được công bố vào tháng 11-2023, Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi 6%-7% ngân sách để tạo ra các mối liên kết quốc tế, gần gấp 4 lần số tiền họ chi tiêu hiện nay. Điều này có nghĩa là trong năm 2024-2026, Hàn Quốc sẽ chi số tiền tương đương 3,7 tỷ EUR cho các dự án hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế.
Ý tưởng tạo ra một mạng lưới toàn cầu gồm các quốc gia có cùng chí hướng hợp tác về khoa học và công nghệ ngày càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Hàn Quốc là một trong 4 “con hổ châu Á” và năm 2021 chính thức được Liên hợp quốc tái xếp hạng là quốc gia phát triển, nhưng mối liên hệ nghiên cứu mới giữa EU và Hàn Quốc còn vượt ra khỏi nền tảng này. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, cả Hàn Quốc và EU đều mong muốn tìm cách đa dạng hóa các đối tác R&D của mình. Vừa liên minh an ninh với Mỹ, vừa có quan hệ đối tác kinh tế sâu sắc với Trung Quốc, Hàn Quốc cũng biết tận dụng ưu thế của mình trong việc tìm kiếm các đối tác mới, nhất là về R&D.
Việc thiết lập các mối quan hệ bên ngoài Trung Quốc và Mỹ ít nhất có thể giúp Hàn Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào 2 nước lớn này. Vấn đề thứ 2 là mong muốn của Hàn Quốc chuyển đổi từ thế mạnh truyền thống về công nghệ sang mở rộng năng lực về khoa học cơ bản. Các cuộc thảo luận nội bộ tại Hàn Quốc nhấn mạnh rằng, đã đến lúc Hàn Quốc phải thay đổi mô hình khoa học và công nghệ để không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn chú ý hơn đến khoa học cơ bản và góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho biết, mặc dù Hàn Quốc tự hào về khả năng đổi mới khoa học và công nghệ mẫu mực, nhưng hợp tác quốc tế vẫn là một khía cạnh tương đối yếu và HE sẽ giúp đất nước này chuyển từ “hệ thống đổi mới phụ thuộc trong nước sang một hệ thống mở, chủ động tận dụng các nguồn lực công nghệ trên toàn thế giới”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/han-quoc-dua-nghien-cuu-khoa-hoc-ra-san-choi-quoc-te-post743620.html