Hàn Quốc phát cảnh báo bất thường về nguy cơ khủng bố với 5 đại sứ quán
Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo chống khủng bố đối với 5 cơ quan ngoại giao của nước này lên hai cấp.
Theo hãng thông tấn Yonhap ngày 2/5, chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp và quyết định nâng mức cảnh báo từ "cần chú ý" lên mức "cảnh báo". Đây là mức cao thứ ba trong thang cảnh báo bốn cấp.
Năm cơ quan đại diện ngoại giao nhận cảnh báo là là ba đại sứ quán Hàn Quốc tại Đông Nam Á, Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Vladivostok (Nga) và Lãnh sự quán Hàn Quốc tại thành phố Thẩm Dương ở Đông Bắc Trung Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết mức cảnh báo này được ban hành khi có khả năng xảy ra khủng bố.
Động thái của Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh có thông tin tình báo cho thấy Triều Tiên có thể nhằm vào các nhà ngoại giao Hàn Quốc. Phía Triều Tiên chưa có phản hồi về thông tin này.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Triều Tiên đã nhiều lần tái khẳng định lập trường phản đối mọi hình thức khủng bố.
Hồi năm 1987, Triều Tiên bị cáo buộc đánh bom một máy bay chở khách của Hàn Quốc gần Myanmar khiến toàn bộ 115 người trên máy bay thiệt mạng. Theo Wikipedia, Triều Tiên bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ tấn công, nói rằng đây là hành vi bịa đặt của Hàn Quốc và các nước khác.
Vụ tấn công năm 1987 này đã khiến Mỹ đưa Triều Tiên vào danh sách khủng bố, nhưng Washington đã loại Bình Nhưỡng khỏi danh sách này vào năm 2008 để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về việc chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Năm 2017, Mỹ tái xác định Triều Tiên là quốc gia tài trợ khủng bố.
Ngày 9/4, bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia về Đông Á và châu Đại Dương của Nhà Trắng, đã tái khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên về một loạt các chủ đề rộng rãi mà không cần điều kiện tiên quyết.
Tuyên bố trên được đưa ra một tháng sau khi bà Mira Rapp-Hooper đề cập về các bước tạm thời có thể có đối với Triều Tiên, làm dấy lên suy đoán về khả năng Mỹ sẽ thay đổi chính sách với quốc gia này.
Trong một cuộc họp báo, bà Mira Rapp-Hooper cho biết các bước tạm thời được đề cập thường liên quan các biện pháp như Bình Nhưỡng dừng phát triển vũ khí hạt nhân để được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Bà Mira Rapp-Hooper cho rằng ý tưởng về các bước đi tạm thời là hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận chính sách mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra.
Theo bà Mira Rapp-Hooper, Mỹ sẵn sàng trao đổi về nhiều chủ đề với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng muốn thảo luận về những điều có thể giúp bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn hơn.