Hàn Quốc: Số trường hợp nhiễm CoVID-19 lên mức hơn 2.000 ca

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng một khu chợ ở TP Daegu, Hàn Quốc ngày 23/2 - Ảnh: THX/TTXVN

Theo các hãng tin ReutersYonhap, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 28/2 thông báo, nước này ghi nhận thêm 256 ca nhiễm chủng mới của vi rút corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này lên 2.022 người.

Tới nay, đã có 13 ca tử vong tại Hàn Quốc do COVID-19. Hơn một nửa số ca mới được xác nhận nhiễm bệnh có liên quan tới giáo phái tôn giáo tại TP Daegu ở đông nam Hàn Quốc.

Trong số 256 ca nhiễm mới có 182 trường hợp ở Daegu, cách thủ đô Seoul 300 km về phía Đông Nam, cũng như 49 ca ở tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận. Theo KCDC, các tỉnh và thành phố lớn khác cũng đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm bệnh, trong đó thủ đô Seoul có 6 ca mới nhiễm.

Một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) ngày 28/2 cho biết, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tổ chức một cuộc họp với người đứng đầu 4 đảng lớn của Hàn Quốc gồm Đảng Dân chủ cầm quyền, Đảng Hàn Quốc Tương lai hợp nhất mới, Đảng Công lý và Đảng Vì sinh kế nhân dân vào cùng ngày tại Quốc hội Hàn Quốc với mục đích kêu gọi sự ủng hộ của chính giới đối với các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khác với 5 lần nhóm họp trước đây của Tổng thống Moon Jae-in, lãnh đạo đảng cầm quyền và các đảng đối lập vốn thường được tổ chức tại Nhà Xanh, đây là lần đầu cuộc họp được tổ chức tại Quốc hội. Quan chức trên cho biết, Tổng thống Moon Jae-in một mặt sẽ kêu gọi các đảng phái kiềm chế không tranh cãi về các vấn đề liên quan đến những chính sách nhằm đối phó với dịch bệnh của Chính phủ, đồng thời ông cũng bày tỏ cảm ơn đối với sự ủng hộ quyết định thông qua 3 gói dự luật về dịch COVID-19 của Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 26/2 vừa qua.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang lên phương án đưa công dân rời khỏi Iran, do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã xuất hiện tại nước này, với số người tử vong chỉ đứng sau Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh.

Hiện có khoảng 200 công dân Hàn Quốc đang lưu trú tại Iran. Mặc dù nhiều chuyến bay quốc tế từ Iran vẫn đang hoạt động, tuy nhiên do lo ngại dịch bệnh lây lan, nhiều nước như Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq đã liên tiếp ngừng khai thác các chuyến bay tới Iran. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang cân nhắc phương án đưa công dân tới các quốc gia láng giềng như Iraq bằng đường bộ để đảm bảo nhiều chuyến bay quốc tế. Tùy vào tình hình, có thể Chính phủ nước này sẽ thuê máy bay để đưa công dân về nước.

Trong diễn biến khác, ngày 27/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ thông qua quyết định miễn trừ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên vì lý do nhân đạo để giúp quốc gia nghèo khó này chống lại dịch COVID-19.

Christoph Heusgen, người đứng đầu ủy ban của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phụ trách việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, cho hay: "Vấn đề dịch bệnh COVID-19 đã được thảo luận và ủy ban ngay lập tức cho phép xuất khẩu trang thiết bị tới Triều Tiên để đối phó với dịch bệnh gây chết người này.”.

Ông Heusgen lưu ý: "Vấn đề hiện nay là Triều Tiên đóng cửa biên giới”. Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Triều Tiên "cho phép đưa các trang thiết bị này vào. Qua đó, người dân có thể được bảo vệ". Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không cho biết đó là các trang thiết bị gì.

Tại châu Âu, Hà Lan ngày 27/2 phát hiện trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Tối 27/2, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Bruno Bruins cho biết trường hợp nhiễm đầu tiên được phát hiện tại TP Tilburg, cách biên giới với Bỉ khoảng 25 km về phía Bắc.

Bệnh nhân là một người đàn ông Hà Lan, từng đến tỉnh Lombardy của Ý gần đây. Bệnh nhân đang được cách ly tại bệnh viện TweeSteden ở Tilburg.

Đăng tải trên Twitter, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông đang theo dõi và liên hệ chặt chẽ với Bộ trưởng Y tế. Thủ tướng Mark Rutte bày tỏ hy vọng bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2 sẽ nhanh chóng bình phục. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của các nhân viên ngành y tế.

Tại Ý, "tâm dịch" của châu Âu, ngày 27/2 đã ghi nhận 3 ca tử vong mới do nhiễm COVID-19 ở miền Bắc, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 17 ca. Cả 3 trường hợp tử vong mới đều là những người già trên 80 tuổi.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý, ông Angelo Borrelli, cho biết, tính đến cuối giờ chiều ngày 27/2, tổng số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại nước này là 650 trường hợp, tăng 122 trường hợp so với số liệu cập nhật của cơ quan này lúc 13 giờ cùng ngày. Ông Borrelli cũng cho biết Ý đã sẵn sàng cung cấp 35.000 khẩu trang cho 4 vùng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh, bao gồm: Emilia Romagna, Piemonte, Lombardy và Veneto.

Cuối ngày 27/2, Áo xác nhận 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 5 trường hợp. Hai ca nhiễm mới là một cặp vợ chồng, có các triệu chứng bệnh sau khi trở về sau kỳ nghỉ ở Lombardy, miền bắc Ý. Hai người con của cặp vợ chồng này cũng đã có các triệu chứng bệnh, song chưa có kết quả xét nghiệm.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảnh báo số ca nhiễm tại nước này có thể sẽ tiếp tục tăng. Ông Kurz đã tổ chức một cuộc họp khẩn với các thống đốc, các chuyên gia từ Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thảo luận tình hình dịch bệnh.

Vương quốc Anh ngày 27/2 cũng thông báo 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 15 trường hợp. Một trong 2 trường hợp trên nhiễm bệnh tại Ý, trong khi người còn lại nhiễm bệnh tại đảo Tenerife của Tây Ban Nha.

Thụy Sĩ đã xác nhận 5 ca nhiễm mới trong ngày 27/2, nâng tổng số ca nhiễm lên 6 ca. Phần lớn các bệnh nhân nhiễm mới ở độ tuổi khá trẻ, từ 26-38 tuổi, từng đến Milan hoặc Verona ở Ý. Trong số ca nhiễm mới có 2 trẻ nhỏ người Ý đang trong kỳ nghỉ tại hạt Graubunden của Thụy Sĩ. Ngoài ra, 15 người tiếp xúc với bệnh nhân đã được cách ly tại nhà để theo dõi.

Cũng trong ngày 27/2, truyền thông Trung Đông đưa tin, Phó Tổng thống Iran Masoumeh Ebtekar đã cho kết quả xét nghiệm dương tinh với vi rút SARS-CoV-2. Theo trang mạng Al-Arabiya, bà Ebtekar là thành viên cấp cao đầu tiên trong nội các của Tổng thống Hassan Rouhani nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây COVID-19.

Trước đó cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran Mojtaba Zolnour thông báo rằng, ông đã bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Trong khi đó, nhà chức trách Iran đã ban hành lệnh cấm các công dân Trung Quốc nhập cảnh vào quốc gia Trung Đông này.

Liên quan tình hình dịch bệnh, bang California của Mỹ cho biết đang thực hiện giám sát y tế hơn 8.400 người. Thống đốc bang California Gavin Newsom ngày 27/2 cho biết những người đang được giám sát y tế thuộc 49 khu vực của bang này, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của bang là tăng cường năng lực xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bởi hiện nay bang chỉ có khoảng 200 bộ dụng cụ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 và số lượng này là không đủ.

Tuy nhiên, ông Newsom cũng thông báo trong thời gian tới, bang California sẽ nhận được thêm các bộ xét nghiệm vi rút từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC). Theo ông Newsom, bang này có tổng số 33 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Tại Trung Quốc, theo Reuters, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết, trong ngày 27/2, địa phương này đã ghi nhận thêm 41 ca tử vong do SARS-CoV-2 và 318 trường hợp nhiễm bệnh mới. Mặc dù con số tử vong này cao hơn so với ngày 26/2 (26 ca) song các trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận đã giảm đi so với một ngày trước đó (409 ca).

Trên quy mô toàn quốc, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này cùng ngày đã phát hiện thêm 327 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mới, thấp hơn so với 433 ca trong ngày 26/2, song số trường hợp tử vong là 44 người, cao hơn so với 29 ca của một ngày trước đó.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Nigeria ngày 28/2 đã xác nhận ca đầu tiên nhiễm bệnh COVID-19 tại bang Lagos. Trong một thông báo trên mạng xã hội Twitter, Bộ Y tế Nigeria nêu rõ: "Trường hợp được xác nhận vào ngày 27/2/2020 là ca nhiễm đầu tiên tại Nigeria kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 1/2020”. Như vậy sau Algeria, Nigeria là nước tiếp theo ở châu Phi ghi nhận có ca nhiễm COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/235558/han-quoc--so-truong-hop-nhiem-covid-19-len-muc-hon-2-000-ca.html