Hàn Quốc thông tin về việc Triều Tiên thử nghiệm thiết bị kích nổ hạt nhân
Một quan chức cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc ngày 25/5 cho rằng, Triều Tiên đã thử một thiết bị kích hoạt hạt nhân dường như để chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của nước này,
Kim Tae-hyo, Phó Giám đốc thứ nhất của Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết, các cuộc thử nghiệm đã diễn ra ở một địa điểm cách xa Punggye-ri, nơi diễn ra tất cả 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cho đến nay.
"Các cuộc thử nghiệm hoạt động của một thiết bị kích nổ hạt nhân, nhằm chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 tại Punggye-ri, đang được phát hiện", ông Kim nói với các phóng viên.
Ông Kim đồng thời nhấn mạnh: "Khả năng một vụ thử hạt nhân sắp xảy ra trong một hoặc hai ngày tới là thấp, nhưng sau đó, chắc chắn vẫn có khả năng xảy ra".
Ông Kim cũng xác nhận các đánh giá trước đó rằng vụ phóng hôm 25/5 liên quan đến một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu Hwasong-17 mới nhất và hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ông đề nghị không nên loại bỏ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) vì các vụ phóng có khả năng nhằm cải thiện khả năng vận chuyển hạt nhân.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã bắn ba tên lửa đạn đạo về bờ biển phía Đông hôm thứ Tư (25/5), trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Tham mưu trưởng liên quân (JCS) thông tin, họ đã phát hiện các vụ phóng từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng vào khoảng 6 giờ sáng, 6 giờ 37 phút sáng và 6 giờ 42 phút sáng. Đây là lần bắn thử tên lửa lần thứ 17 của Triều Tiên trong năm nay.
Vụ phóng đầu tiên trong số ba vụ phóng liên quan đến ICBM bị nghi ngờ đã bay khoảng 360 km ở độ cao tối đa 540 km. Các nhà chức trách quân sự Hàn Quốc thiên về khả năng tên lửa này là ICBM Hwasong-17 mới nhất của Triều Tiên.
Tên lửa thứ hai, được coi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM), đạt độ cao khoảng 20 km và "biến mất" - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một vụ phóng thất bại, JCS cho biết. Tên lửa cuối cùng, được cho là SRBM, đã bay được quãng đường 760 km ở độ cao 60 km.
Một nguồn tin cho biết vụ phóng tên lửa tầm ngắn dường như có sự tham gia của tên lửa KN-23 của Triều Tiên. KN-23 được biết đến với "cơ động kéo lên" - một kỹ thuật được thiết kế để tránh bị đánh chặn.