Hàn Quốc tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Đông Nam Á

Trong bài viết của mình đăng trên tờ Asiatimes, ông Simon Hutagalung - một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu của Bộ Ngoại giao Indonesia cho rằng, nếu Seoul muốn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, họ phải mở rộng trọng tâm ra ngoài thương mại và đóng vai trò tích cực hơn trong an ninh Biển Đông. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của ông.

Tổng thống Yoon Suk Yeol phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN năm 2023. Ảnh: Korea Times

Tổng thống Yoon Suk Yeol phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN năm 2023. Ảnh: Korea Times

Theo dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ có chuyến công du Đông Nam Á vào tuần tới nhằm tăng cường vai trò của quốc gia Đông Bắc Á này trong khu vực, chủ yếu thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN và tăng cường quan hệ song phương với Philippines và Singapore.

Chuyến thăm Philippines của ông Yoon đặc biệt có ý nghĩa, đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc sau 13 năm. Trùng với kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, chuyến thăm này nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác vốn đã bền chặt của họ.

Trọng tâm chính là tăng cường quan hệ kinh tế. Dự kiến trong cuộc gặp với người đồng nhệm Philippines Ferdinand Marcos Jr, hai bên sẽ đạt được một số thỏa thuận, bao gồm biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, chuỗi cung ứng, các vấn đề hàng hải và nhiều lĩnh vực khác.

Điều này phù hợp với tham vọng lớn hơn của Hàn Quốc nhằm đảm bảo tương lai kinh tế của mình bằng cách hình thành quan hệ đối tác trong các lĩnh vực quan trọng để giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Philippines, với nền kinh tế phát triển nhanh chóng và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, là đối tác quan trọng của Hàn Quốc trong việc đa dạng hóa nguồn năng lượng và nguyên liệu thô.

Ngoài ra, chuyến thăm còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa khu vực tư nhân. Tổng thống Yoon sẽ tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Hàn Quốc-Philippines, dự kiến có sự tham gia của khoảng 40 doanh nghiệp Hàn Quốc. Cách tiếp cận tập trung vào kinh doanh này thể hiện cam kết của Hàn Quốc trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với Philippines ngoài các kênh ngoại giao chính thức.

Diễn đàn này kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khám phá những dự án mới tại Philippines, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh.

Làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với Singapore

Singapore, nền kinh tế tiên tiến nhất Đông Nam Á, là điểm dừng chân quan trọng trong chuyến công du ngoại giao của Tổng thống Yoon. Chuyến thăm này trùng với lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Singapore, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước.

Khi Singapore tiếp tục là một nhân tố quan trọng trong thương mại toàn cầu và đổi mới công nghệ, các cuộc thảo luận của Tổng thống Yoon với Tổng thống Tharman Shanmugaratnam và Thủ tướng Lawrence Wong sẽ tập trung vào việc hiện đại hóa và mở rộng hợp tác song phương để ứng phó với những thay đổi của động lực toàn cầu.

Một lĩnh vực hợp tác chính dự kiến sẽ là công nghệ. Hàn Quốc, một quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới kỹ thuật số và sản xuất tiên tiến, sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc tăng cường quan hệ với Singapore, được biết đến với những tiến bộ trong phát triển thành phố thông minh và nền kinh tế kỹ thuật số.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Yoon, các hiệp ước và biên bản ghi nhớ sẽ được ký kết để chính thức hóa sự hợp tác này, mở đường cho cả hai nước khám phá những cơ hội mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và kinh tế số.

Ngoài ra, sự tham gia của Tổng thống Yoon vào chuỗi bài giảng tại Singapore sẽ cung cấp một nền tảng quan trọng để phác thảo tầm nhìn của ông về an ninh và thống nhất khu vực.

Ông sẽ lần đầu tiên trình bày trước khán giả quốc tế “Học thuyết thống nhất ngày 15 tháng 8” của chính quyền ông, trong đó hình dung về một Bán đảo Triều Tiên thống nhất góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực.

Bài phát biểu của Yoon dự kiến sẽ đề cập đến những tác động chiến lược của sự thống nhất, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bằng cách thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác quốc tế gia tăng, Tổng thống Yoon đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Nâng cao quan hệ Hàn Quốc-ASEAN

Khía cạnh cuối cùng và có thể nói là quan trọng nhất trong chuyến công du ngoại giao của Tổng thống Yoon sẽ là sự tham gia của ông vào Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN tại Lào. Tại đây, Hàn Quốc và ASEAN dự kiến sẽ chính thức hóa mối quan hệ của họ thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Cột mốc này đánh dấu bước tiến đáng kể trong sự tham gia của Hàn Quốc với ASEAN, dựa trên hơn ba thập kỷ hợp tác. Sự nâng cao của mối quan hệ này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của ASEAN với tư cách là đối tác chiến lược của Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, an ninh khu vực và trao đổi văn hóa.

ASEAN, bao gồm mười quốc gia thành viên với tổng dân số hơn 650 triệu người, là một thị trường đang phát triển nhanh chóng đối với hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc. Vị trí chiến lược của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương càng làm tăng thêm vai trò của ASEAN như một đối tác quan trọng đối với Hàn Quốc trong nỗ lực duy trì sự ổn định và an ninh khu vực.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững, hướng tới thúc đẩy tăng trưởng cùng có lợi ở cả hai khu vực.

Sự tham gia của Hàn Quốc vào Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3, bao gồm các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản và Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên trong việc giải quyết các thách thức khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh dự kiến của Tổng thống Yoon với tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru có thể báo hiệu một giai đoạn mới trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản. Mặc dù trong lịch sử quan hệ song phường vẫn còn những bất bình chưa được giải quyết, cả hai nước đều phải đối mặt với những lo ngại chung về an ninh khu vực có thể thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn.

Bằng cách hợp tác với Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc đặt mục tiêu đóng vai trò chủ động hơn trong việc định hình bối cảnh an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc chính thức hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN trong khi tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia như Philippines và Singapore phản ánh cam kết của Hàn Quốc trong việc tăng cường sự tham gia của mình vào khu vực. Tuy nhiên, để tận dụng đầy đủ mối quan hệ đối tác được tăng cường này, Hàn Quốc phải mở rộng trọng tâm của mình vượt ra ngoài thương mại kinh tế và các thỏa thuận.

Hàn Quốc phải đóng vai trò tích cực hơn trong các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi một số thành viên ASEAN đang phải đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra với Trung Quốc. Là một cường quốc không liên kết, Hàn Quốc có thể đóng vai trò là bên trung gian, sử dụng các mối quan hệ ngoại giao với cả ASEAN và Trung Quốc để khuyến khích đối thoại và giải quyết xung đột.

Ngoài ra, Hàn Quốc nên đầu tư vào các hoạt động trao đổi giáo dục và văn hóa với các quốc gia ASEAN, vì những sáng kiến này có thể giúp xây dựng mối quan hệ lâu dài vượt ra ngoài các thỏa thuận của chính phủ. Bằng cách nuôi dưỡng mối quan hệ giữa người với người, Hàn Quốc có thể đảm bảo rằng quan hệ đối tác của mình với ASEAN là bền vững và có khả năng phục hồi.

(Theo Asiatimes)

Hải Anh gt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/han-quoc-tim-kiem-vai-tro-lon-hon-o-dong-nam-a-288865.html