Hàn Quốc xem xét cử nhóm quan sát tới Ukraine và cân nhắc viện trợ vũ khí

Chính phủ Hàn Quốc ngày 22/10 cho biết đang xem xét cử một nhóm tới theo dõi quân đội Triều Tiên đang hoạt động tại chiến trường Nga-Ukraine và xem xét viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên đưa 12 ngàn quân giúp Nga chiến đấu (Ảnh: AP)

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên đưa 12 ngàn quân giúp Nga chiến đấu (Ảnh: AP)

Cân nhắc cử nhóm nghiên cứu giám sát tới Ukraine

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn các nguồn tin cho biết chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ cử một nhóm giám sát gồm các quân nhân chuyên nghiên cứu chiến thuật, khả năng chiến đấu và các thông tin khác tới Ukraine để tìm hiểu sự tham gia thực sự của lực lượng đặc biệt Triều Tiên trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Nhóm giám sát khi cần thiết cũng có thể tham gia thẩm vấn những binh sĩ Triều Tiên bị bắt và những người đào ngũ.

Theo Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ gửi 12.000 binh sĩ thuộc Quân đoàn số 11 (còn có tên gọi là “Quân đoàn Bão tố”), một đơn vị tinh nhuệ đặc biệt giống như Bộ Tư lệnh chiến tranh đặc biệt của Hàn Quốc tới giúp Nga chiến đấu. Theo chính phủ Hàn Quốc, việc phân tích và nghiên cứu chiến thuật của đơn vị quân đội Triều Tiên có nhiệm vụ xâm nhập hậu phương này sẽ giúp ích cho quân đội Hàn Quốc đề ra chiến thuật phòng thủ sau này.

 Người dân Hàn Quốc theo dõi tin về quân đội Triều Tiên tới Nga tham chiến (Ảnh: AP).

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin về quân đội Triều Tiên tới Nga tham chiến (Ảnh: AP).

Xem xét viện trợ quân sự cho Ukraine

Các quan chức của Văn phòng An ninh Quốc gia hôm 22/10 cho biết họ sẽ tăng dần viện trợ cho Ukraine dựa trên tình trạng hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga, đồng thời sẽ không loại trừ việc cung cấp vũ khí phòng thủ hoặc thậm chí là vũ khí tấn công cho Ukraine.

Hàn Quốc đang xem xét viện trợ vũ khí và vật tư quân sự cho Ukraine, có thể sẽ viện trợ theo giai đoạn đi từ viện trợ vật tư quân sự không có mục đích sát thương, rồi đến vũ khí phòng thủ và vũ khí sát thương. Theo Hàn Quốc, Triều Tiên đã viện trợ vũ khí sát thương như đạn pháo và tên lửa cho Nga, trong khi Hàn Quốc mới chỉ viện trợ Ukraine mặt nạ phòng độc và dược phẩm.

Được biết, phía Ukraine hy vọng Hàn Quốc hỗ trợ hệ thống phòng không cho nước này. Hệ thống phòng không chủ chốt của Hàn Quốc gồm có tên lửa Cheongung-I dùng đánh chặn chiến đấu cơ và tên lửa Cheongung-II có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo.

Nếu Hàn Quốc quyết định viện trợ các hệ thống phòng không cho Ukraine thì khả năng cao sẽ là tên lửa Cheongung-I, do tên lửa Cheongung-II hiện đang thiếu nguồn cung vì gần đây Ả rập Saudi và Iraq đã quyết định mua loại vũ khí này của Hàn Quốc.

Trước đó, có tin nói đạn pháo cỡ nòng 155 mm mà doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang được sử dụng tại chiến trường Ukraine nhưng hiện chưa có xác nhận chính thức về vụ việc.

 Bức ảnh chụp cờ Triều Tiên xuất hiện cạnh cờ Nga ở gần Pokrovsk, Donetsk (Ảnh: Yonhap).

Bức ảnh chụp cờ Triều Tiên xuất hiện cạnh cờ Nga ở gần Pokrovsk, Donetsk (Ảnh: Yonhap).

Cờ Triều Tiên xuất hiện ở mặt trận Donetsk?

Cũng theo Yonhap, trên nền tảng truyền thông Telegram hôm 21/10 xuất hiện bức ảnh cờ Nga và Triều Tiên treo cạnh nhau trên chiến trường Nga-Ukraine, có thông tin cho rằng nó được đăng tải bởi một tài khoản thân Nga, với chú thích "Cờ Triều Tiên treo cao trên bãi mìn ở phía trước Pokrovsk gần Chukulino mới được giải phóng”. Địa danh này nằm ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Lời tường thuật còn nói rằng “hành động của chiến sĩ ta đã gây hoang mang nghiêm trọng cho địch”.

Andrei Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch (CCD) thuộc Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC), đã đăng trên tài khoản Telegram cá nhân của mình cho rằng Nga đang thổi phồng các chủ đề liên quan đến Triều Tiên và sử dụng chúng để gây sức ép với Ukraine.

Mặt trận Pokrovsk ở tỉnh Donetsk nơi treo cờ Triều Tiên là khu vực bị Ukraine nghi ngờ có quân đội Triều Tiên đóng. Do đó, họ không loại trừ khả năng quân đội Triều Tiên hoạt động tại đây và treo cờ nước họ.

 Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ký Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, tháng 6/2024 (Ảnh: AP)

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ký Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, tháng 6/2024 (Ảnh: AP)

Mặt khác, Nga sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS tại Kazan bắt đầu từ hôm qua, 22/10. Điện Kremlin cho biết Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ gặp Tổng thống Nga Putin tại Kazan vào ngày 24/10.

Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích chuyến thăm này trên nền tảng xã hội X, viết: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc từ chối lời mời của Ukraine tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị cấp cao toàn cầu lần đầu tiên về hòa bình; nhưng lại nhận lời mời của ông Putin tới Kazan. Đây là sự lựa chọn sai lầm, không có lợi cho việc thúc đầy hòa bình, sẽ chỉ làm tổn hại đến danh tiếng của Liên Hợp Quốc”.

Theo Singtao, Yonhap

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/han-quoc-xem-xet-cu-nhom-quan-sat-toi-ukraine-va-can-nhac-vien-tro-vu-khi-post179406.html