Hàn Tấn Quang và cuộc chơi Thạch Thiền

(CATP) Trong cuộc đời muôn vàn sóng gió, hiểm nguy, người ta đôi khi cần một điểm tựa “Tựa vào sông - sông chảy/Tựa vào mây - mây trôi...”, riêng với nhà báo Hàn Tấn Quang thì anh tựa vào đá và đó là: Thạch Thiền!

“Cách đây 20 năm, trong một lần ghé nhà người bạn chơi, giữa lúc căn hộ đang sửa chữa, gạch đá chất ngổn ngang, tình cờ tôi trông thấy một viên đá thiên nhiên dài khoảng hơn gang tay có hình thù là lạ, trên bề mặt của đá nổi những đường hoa văn rất đẹp, tôi bèn nhặt viên đá mang về nhà ngồi ngắm hàng giờ không biết chán. Bề mặt viên đá hiện rõ hình ảnh một vị cao tăng ngồi tham thiền hằn sâu vào trí não tôi, càng nhìn càng thấy có nhiều nét độc đáo thú vị, từ đó tôi bắt đầu cuộc hành trình sưu tập đá và gọi chúng là Thạch Thiền”, nhà báo Hàn Tấn Quang - chủ biên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay - một tên tuổi quen thuộc trong làng báo Sài Gòn, trải lòng về mối lương duyên giữa ông với... đá!

Lời rằng, trực chỉ nhân tâm
Sắc không không sắc, lỗi lầm cũng không
Em gieo một tiếng tơ đồng
Anh nghiêng vai đỡ xuống sông... Thạch Thiền.
(Vu Gia)

Ông Hàn Tấn Quang trong buổi lễ trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam - Bộ sưu tập Thạch Thiền

Sắc thái, hình thể của đá luôn là ẩn số mời gọi, thôi thúc nhà sưu tập Hàn Tấn Quang bỏ ra bao công sức thầm lặng suốt hơn 20 năm lên rừng xuống biển, vượt thác trèo đèo đi tìm và khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đá. Đá vô tri, vô giác nhưng dường như vẫn có linh hồn và ngôn ngữ riêng của nó. Ông thổi hồn vào đá, đặt tên cho tác phẩm theo ngôn ngữ Thiền học như Vân du, Thạch thất, Tiểu ngã, Hành thiền, Thượng cầu, Kiến tánh, Vô thanh, Tịch tĩnh, Diện bích, Thiền tâm, Khổ hạnh... “Tôi tìm đá và đá cũng tìm tôi như duyên kỳ ngộ giữa con người và thiên nhiên. Không biết tự bao giờ, trong tôi đã hình thành một ấn tượng đẹp về các tác phẩm Thạch Thiền, những hình tượng tạo nên hạt mầm hạnh phúc cho đời sống bằng sự giản dị và tinh tế. Chỉ khi tâm tĩnh lặng, đối diện với sự vô ngôn của đá, người ta mới cảm nhận được những ẩn ngữ diệu kỳ đến vô cùng trong từng viên đá nhẵn thín, sần sùi, gồ ghề hay thô ráp được thiên nhiên ban tặng và chất thiền trên những hòn đá cuội đã hoàn toàn ngự trị trong tâm tư của chủ thể nhìn ngắm và cảm nhận nó!” - ông chia sẻ.

Là một nhà sưu tập thầm lặng, suốt hai thập kỷ qua, chỉ một số bạn bè, thân hữu thi thoảng được ông mời đến để thưởng ngoạn Thạch Thiền, trong số đó không thiếu những nhà nghiên cứu văn hóa, những văn nghệ sĩ, như: Trần Hữu Tá, Huỳnh Ngọc Trảng, Trần Đình Sơn, Phạm Thiên Thư, Lê Minh Quốc... Đặc biệt, từ sự gợi ý của Thượng tọa - TS Thích Đồng Bổn, trụ trì chùa Phật học Xá Lợi, TPHCM - 99 tác phẩm đá của ông lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng. Triển lãm mang chủ đề Thạch Thiền diễn ra tại chùa Xá Lợi nhân dịp đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2014 (Phật lịch 2558). Đây là dịp để các Phật tử nói riêng, công chúng yêu thích nghệ thuật nói chung thưởng lãm một công trình sưu tập công phu, nhiều ý nghĩa nhân sinh đồng thời cũng là cách tỏ bày tâm thế của chủ nhân bộ sưu tập muốn hướng đến sự tĩnh lặng cũng như vẻ thuần khiết của nội tâm nhằm cân bằng lại những ganh đua, tỵ hiềm của cuộc mưu sinh tất bật và gian khổ.

Cắt băng khai mạc triển lãm Thạch Thiền của Hàn Tấn Quang

Đối với nhà sưu tập Hàn Tấn Quang, cuộc triển lãm Thạch Thiền giống như một niềm ước mong chia sẻ về thế lưỡng phân giữa những giá trị nhất thời và chân lý vĩnh cửu, giữa những đam mê thời thượng và thú vui phong lưu, tao nhã như một lời nhắc nhớ về những giá trị khai ngộ từ âm thanh của các công án thiền, như một sự hiển hiện của những giá trị tâm linh mà dòng thời gian đã vô tình che lấp. Những viên đá do sự xói mòn của nắng mưa, sóng gió, đẩy đùa của tạo hóa đã đem lại cho đời một vẻ đẹp tinh khiết, nguyên sơ, một nguồn hân hoan vô tận đối với ai đã hơn một lần trầm mặc trước lặng im để nghe ra những điều mà đất trời không nói.

Chiêm ngưỡng một viên đá lặng câm âm thầm trôi dạt từ đời này sang đời khác, từ con suối này đến dòng sông khác, ai mà không ngạc nhiên trước sự kỳ diệu của bàn tay mưa nắng? Đến với Thạch Thiền để giúp tâm hồn cảm nhận tình vị và nét diệu kỳ tạo hóa đã tạc vào trong đá; hơn nữa, làm bạn với đá là tìm đến cái nhiên tánh của đất trời, được hòa cái tình của mình vào cái tâm tĩnh lặng của vũ trụ để cảm nhận biết bao điều kỳ diệu từ nắng mưa, sông suối...

Đá từ một bận vô ngôn
Nghìn năm biến thể vẫn còn nguyên khai.
(Hàn Tấn)

Ngày 6-9-2014, Bộ sưu tập Thạch Thiền của Hàn Tấn Quang đã được Hội đồng xác lập Tổ chức kỷ lục Việt Nam chính thức công bố và trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam trước sự chứng kiến của chư tôn đức và đông đảo bạn bè, thân hữu.
Nhìn lại Bộ sưu tập Thạch Thiền và cũng là người cộng tác với Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay lâu năm, tôi thấy mặc cho dòng đời xô đẩy, cùng những bận rộn lo toan, nhà sưu tập Hàn Tấn Quang vẫn trung thành với tiêu chí “Thiền” nên đôi lúc những viên đá xoàng xĩnh nằm lăn lóc bên đường không ai nhặt nhưng khi về với ông sẽ trở thành tác phẩm, có tên và đời sống khác với nhiều ý nghĩa. Đã có không ít nhà sưu tập tìm đến ông thương lượng với ý định mua lại, nhưng ông đã nhẹ nhàng từ chối. Ông cho biết: sau này nếu vì hoàn cảnh hay việc bất khả kháng nào đó không lưu giữ được bộ sưu tập đá của mình thì hoặc là ông sẽ chuyển nhượng toàn bộ hoặc hiến tặng cho tổ chức, đơn vị nào có đủ tâm ý tiếp nhận chứ không muốn nhìn từng viên đá tri âm trôi lạc muôn nơi.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=882&id=530742&mod=detnews&p=