Hàng chục ngôi trường bị bỏ hoang ở Hà Tĩnh
Hàng loạt ngôi trường 2 tầng khang trang tại các khu đất đắc địa ở Hà Tĩnh đang bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng vì sau khi sáp nhập không còn được sử dụng và quản lý tốt.
Nhếch nhác, hoang tàn
Khoảng chục năm trở lại đây, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện việc quy hoạch lại trường lớp, sáp nhập trường học tại các xã, phường lại với nhau nhằm giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bước đầu, chủ trương này thu được một số kết quả tích cực như sắp xếp hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, việc sáp nhập các trường học cũng kéo theo một số vướng mắc, đặc biệt là khiến một số ngôi trường bị bỏ hoang, gây lãng phí đất đai, cơ sở vật chất.
Tại Hà Tĩnh, không khó tìm các trường học bị bỏ hoang sau sáp nhập, tình trạng chung của các ngôi trường này là cảnh nhếch nhác, hoang tàn do bị bỏ hoang lâu ngày không sử dụng, cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp nặng nề trông rất phản cảm, lãng phí.
Đơn cử như tại huyện Lộc Hà, ít nhất 2 ngôi trường sau sáp nhập bị bỏ hoang, cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề. Trường THCS Đặng Tất án ngự tại tuyến đường đắc địa dẫn vào xã. Ngôi trường với quy mô một dãy nhà 2 tầng với gần 10 phòng học được xây dựng từ những năm 2000.
Vào năm 2015, Trường THCS Đặng Tất sáp nhập với Trường THCS Hậu Lộc, toàn bộ học sinh tại trường Đặng Tất chuyển về học tại địa điểm mới, từ đó đến nay ngôi trường này bỏ hoang không còn sử dụng đến.
Dãy nhà hai tầng dùng để phục vụ dạy học nứt nẻ, rêu bám đen trường, hệ thống cửa chính, cửa sổ không còn. Trong các phòng học được một số người dân sử dụng dùng để chứa vật liệu xây dựng, ở khu vực sân trường được một doanh nghiệp tận dụng làm nơi đúc cống thoát nước…
Cách đó khoảng 10km, Trường THCS Thịnh Lộc cũng bị bỏ hoang sau khi sáp nhập vào Trường THCS Bình An Thịnh. Tại ngôi trường này, dòng chữ Trường THCS Thịnh Lộc được thay bằng tấm biển Khu thể thao và vui chơi giải trí xã Thịnh Lộc.
Ngôi trường này có 2 dãy nhà hai tầng với quy mô mỗi dãy nhà 8 phòng học. Hệ thống cửa hầu hết đã bị hư hỏng, cửa kính vỡ gần như hoàn toàn.
Không chỉ riêng các ngôi trường tại các vùng quê mà ngay tại TP Hà Tĩnh cũng có ngôi trường xây dựng chỉ hơn chục năm trở lại đây bị bỏ hoang xuống cấp nghiêm trọng.
Theo người dân tại xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh), Trường THCS Thạch Bình được xây dựng vào khoảng năm 2005 với quy mô 8 phòng học. Sau khi xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng được ít năm thì học sinh tại trường này chuyển về Trường THCS Đại Nài học từ năm 2016 tới nay.
Mặc dù ngôi trường này mới xây dựng, cơ sở vật chất còn mới nhưng không được quản lý tốt nên hạ tầng nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp.
Hàng chục trường học bỏ hoang
Ông Lê Quang Cảnh – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) cho biết, việc sáp nhập trường học tại Hà Tĩnh được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu trước năm 2015, việc sáp nhập thực hiện theo quyết định 2286/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2012. Ở giai đoạn này, sau sáp nhập đã dôi ra 94 ngôi trường.
94 ngôi trường này được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Tính đến năm 2016, có hơn 60/94 điểm bỏ hoang không sử dụng đến.
Giai đoạn từ sau năm 2015 thực hiện sáp nhập trường học theo nghị quyết 96 của UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2018. Sau khi sáp nhập, cũng có tới 81 ngôi trường dôi ra. Tuy nhiên, vẫn được giữ lại để phục vụ việc dạy và học, không có trường nào bỏ hoang.
“Việc giữ lại các điểm trường sau sáp nhập để giúp cho học sinh thuận lợi đi lại và phù hợp với việc tổ chức dạy học hơn” – ông Cảnh nói.