Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024

Việc bỏ quy định giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình; phạt tiền luật sư xúc phạm thẩm phán, kiểm sát viên; tăng trợ cấp với quân nhân phục viên, xuất ngũ… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2024.

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024, trong đó có văn bản quy định bỏ hình thức giám sát Cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. (Nguồn: Dân trí)

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2024, trong đó có văn bản quy định bỏ hình thức giám sát Cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. (Nguồn: Dân trí)

Bỏ hình thức giám sát Cảnh sát giao thông (CSGT) bằng thiết bị ghi âm, ghi hình

Theo Thông tư 46/2024/TT-BCA, từ ngày 15/11/2024, nhân dân được giám sát CSGT thông qua các hình thức: tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Như vậy, nội dung về hình thức giám sát CSGT của nhân dân bằng thiết bị ghi âm, ghi hình đã không còn trong quy định, tuy nhiên đây không được xem là hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, người dân vẫn được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của CSGT nhưng phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động của CSGT đang thực thi công vụ và các điều kiện khác như không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; không được vào khu vực thực thi công vụ quy định, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Không được sử dụng các hình ảnh, video đã quay được để đăng lên mạng xã hội nhằm xúc phạm CSGT…

Phạm nhân được trả tiền công lao động dựa trên kết quả xếp loại

Cụ thể theo điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 118/2024/NĐ-CP, 10% của tổng số tiền thu được từ kết quả lao động của các phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý sẽ được dùng để trả tiền công cho chính phạm nhân đó.

Trong đó, phạm nhân tham gia lao động được xếp loại tốt trong quý sẽ được hưởng 100% định mức, loại khá được hưởng 90%, loại trung bình được hưởng 80% và cuối cùng loại kém được hưởng 50%.

Còn hiện nay theo điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định 133/2020/NĐ-CP thì vẫn trích 10% để chi trả một phần công lao động cho phạm nhân lao động trực tiếp, tuy nhiên mức hưởng sẽ không phụ thuộc vào kết quả xếp loại quý như quy định mới.

Đáng chú ý, Nghị định 118/2024/NĐ-CP cũng quy định chế độ ăn đối với phạm nhân, phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được quy định rõ như sau:

Phạm nhân được Nhà nước bảo đảm, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; Gia vị khác: tương đương 0,5 kg gạo tẻ; Chất đốt: tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Đối với phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Ngoài ra, phạm nhân được bảo đảm ăn, uống vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tăng 15% trợ cấp hằng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ

Thông tư 53/2024 của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ có hiệu lực từ ngày 1/11/2024. Theo đó, Thông tư 53 áp dụng đối với:

- Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg.

- Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Với hai đối tượng trên, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.

Lưu ý, các quy định trên về mức điều chỉnh trợ cấp được thực hiện từ 1/7/2024.

Phạt tiền luật sư khi xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng

Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 /7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.

Nghị định sửa đổi, bổ sung hình thức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Đối tượng bị xử phạt là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam...

Đối với hành vi nêu trên, nghị định bổ sung việc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 tháng đến 9 tháng.

Thủ tục công nhận bằng cử nhân do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp

Ngày 4/10, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 2761/QĐ-BGDĐT nhằm điều chỉnh thủ tục công nhận các văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để có thể sử dụng hợp pháp tại Việt Nam.

Theo đó, người đề nghị công nhận văn bằng sẽ nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của Bộ, đi kèm với việc thanh toán lệ phí theo quy định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý và trả kết quả công nhận trong vòng 20 ngày làm việc. Trường hợp cần phải xác minh từ cơ sở giáo dục ở nước ngoài, thời hạn giải quyết có thể kéo dài đến 45 ngày. Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11.

Siết quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài

Tiếp nối những cải cách trong lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP ngày 5/10/2024, bổ sung một số điều khoản về liên kết giáo dục với nước ngoài. Theo Nghị định mới, đối tượng tham gia liên kết giáo dục với Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu rõ ràng hơn về điều kiện hoạt động và chất lượng giáo dục.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục nước ngoài phải có ít nhất 5 năm hoạt động tại quốc gia nơi họ được thành lập, có giảng dạy trực tiếp, và có chứng nhận chất lượng giáo dục hợp lệ. Nghị định 124/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 20/11/2024, hứa hẹn siết chặt quản lý, nâng cao tiêu chuẩn giáo dục đối với các chương trình hợp tác quốc tế.

Cần có đủ tiền khi đặt lệnh giao dịch mua cổ phiếu từ 2/11

Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 18/9/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; trong đó có việc sửa đổi, bổ sung quy định về việc cần có đủ tiền khi đặt lệnh giao dịch mua cổ phiếu sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11/2024.

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư 68/2024/TT-BTC bổ sung Điều 9a về giao dịch mua cổ phiếu không cần có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức của Thông tư số 120/2020/TT-BTC.

Theo đó, giao dịch này được quy định như sau:

- Công ty chứng khoán đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu.

- Nếu nhà đầu tư này không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán còn thiếu tiền sẽ được chuyển cho công ty chứng khoán nơi tổ chức này đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh. Trong đó, trường hợp ngoại lệ là: Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thiếu tiền cùng các chi phí khác nếu có khi xác nhận sai số dư tiền gửi của nhà đầu tư này với công ty chứng khoán dẫn đến thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.

- Công ty chứng khoán được chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thiếu tiền thanh toán mua cổ phiếu.

Thời gian chuyển quyền chậm nhất vào ngày giao dịch liền kề sau ngày cổ phiếu được hạch toán vào tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán và đảm bảo không làm vượt quá hạn mức tối đa về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật đối với cổ phiếu đó.

Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thiếu tiền và các chi phí phát sinh (nếu có) trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.

(tổng hợp)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hang-loat-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-112024-292128.html