Hàng loạt 'nút cổ chai' trên đường thi công dang dở, giăng bẫy người dân
Sau hơn 2 năm, công trình xây dựng tuyến đường Hoàng Diệu dài gần 5km ở Quảng Trị vẫn còn ngổn ngang, xuất hiện các 'nút cổ chai' nguy hiểm.
Công trình đường Hoàng Diệu có tổng chiều dài 4,7km đi qua địa bàn hai phường Đông Thanh và phường Đông Giang (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) với 251 trường hợp bị ảnh hưởng. Đây là một trong những công trình thuộc Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Đường Hoàng Diệu chạy dọc bờ Bắc sông Hiếu, từ QL1 phía Bắc cầu Đông Hà lên phía cầu Sông Hiếu. Không chỉ được đầu tư mở rộng, vỉa hè dọc 2 bên tuyến đường Hoàng Diệu cũng được đầu tư lát gạch Terrazzo.
Người dân hy vọng, khi tuyến đường Hoàng Diệu và Bà Triệu dọc bờ Nam sông Hiếu hoàn thành sẽ chẳng thua kém sông Hương của TP Huế.
Trước đó, hồi tháng 3/2019, tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu đối với Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông ở TP Đông Hà như: dự án đường Thanh Niên, Hoàng Diệu, Bà Triệu… phải được đưa vào khánh thành trong tháng 6 và tháng 9/2019. Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường Thanh Niên còn đoạn khu vực nút giao với QL1 “chờ di dời cột điện ở ngã ba”, tuyến Hoàng Diệu vẫn ngổn ngang, “xôi đỗ”.
Ông Nguyễn Cảnh Hưng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, ngoài đoạn 80 đầu tuyến (thuộc hạng mục công trình cải tạo nút giao đường Hoàng Diệu - QL1 phía Bắc cầu Đông Hà, Công ty TNHH BOT Quảng Trị sắp triển khai), đường Hoàng Diệu đang vướng 3 hộ dân và mộ tổ họ Lê nên chưa thông tuyến được.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, xen kẽ với những đoạn đường được thảm nhựa khang trang trên tuyến đường Hoàng Diệu là những đoạn mặt đường mới được cấp phối đá dăm, những đoạn vỉa hè chưa lát gạch cỏ mọc đầy, hoặc thi công dang dở tạo thành hàng loạt “nút cổ chai”.
Ngoài những “nút cổ chai” do vướng mặt bằng, hay “nút thắt” dưới cầu chui trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua sông Hiếu, một số vị trí hình thành “nút cổ chai”… một cách khó hiểu. Cụ thể, đoạn gần trụ sở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có vị trí cỏ mọc um tùm giữa đống đất đá án ngữ 1/2 mặt đường, phần đường còn lại là cấp phối đá dăm “phủ” đất từ phương tiện lưu thông, lổn nhổn “ổ gà”.
Trong khi đó, chỉ cách “nút thắt” dưới cầu chui đường sắt chừng hơn 100m là 3 “nút cổ chai” do vướng mặt bằng các hộ dân. Tại “nút cổ chai” đầu tiên, phía bên trái đường là bó vỉa vỉa hè “án ngữ”, phía bên phải là cây cối, nhà cửa chưa được giải tỏa nằm choán hết khoảng gần 1/3 mặt đường gây xung đột giao thông, tầm nhìn bị che khuất, TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.