Hàng loạt quốc gia lên kế hoạch sống chung với COVID-19
Anh dỡ bỏ hầu hết các hạn chế vì Covid-19, Đức cho phép những người đã tiêm phòng được đi du lịch mà không cần kiểm tra, các trung tâm mua sắm vẫn mở cửa tại Singapore và từ 1/9, người dân Thái Lan được phép đi lại nhiều hơn... Đó là cách nhiều nước đang chọn sống chung với Covid-19.
Người đi tàu điện ngầm tại London, Anh. Ảnh: Irishtimes
Châu Âu và Mỹ đang khuyến khích người dân chuyển sang trạng thái bình thường mới
18 tháng kể từ khi virus corona bùng phát, các chính phủ ở châu Âu và Mỹ đang khuyến khích người dân trở lại nhịp sống thường nhật và chuyển sang trạng thái bình thường mới với ga tàu điện ngầm, văn phòng, nhà hàng, sân bay một lần nữa nhộn nhịp.
Câu thần chú càng ngày càng giống nhau: Chúng ta phải học cách sống chung với virus.
Tuy nhiên, giới khoa học cảnh báo, các chiến lược thoát khỏi đại dịch trên toàn cầu có thể còn quá sớm.
Sự xuất hiện của nhiều biến thể với tốc độ lây lan nhanh chóng đồng nghĩa với việc ngay cả các quốc gia giàu có với lượng vắc xin dồi dào vẫn dễ bị tổn thương.
Vì vậy, thay vì từ bỏ lộ trình của mình, các quan chức đang bắt đầu chấp nhận rằng, việc phong tỏa và hạn chế là một phần của quá trình hồi phục.
Mọi người đang được khuyến khích thay đổi quan điểm về đại dịch và tập trung vào nỗ lực tránh trở bệnh nghiêm trọng và tử vong thay vì tránh nhiễm bệnh. Những nước có tham vọng “zero-Covid” thì cân nhắc lại các chính sách.
Tại Mỹ, chính quyền tiểu bang đưa ra quyết định ở từng nơi khác nhau. Các bang như California và New York có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng vẫn yêu cầu những người chưa tiêm phòng phải đeo khẩu trang trong không gian kín.
Trong khi các bang khác, như Alabama và Idaho, có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhưng lại không bắt buộc đeo khẩu trang. Một số trường học và đại học có kế hoạch yêu cầu sinh viên phải tiêm vắc xin, trong khi một số bang lại cấm các cơ sở công lập áp dụng những hạn chế tương tự.
Tại Australia, một số nhà lập pháp cho rằng, đất nước đã đến “ngã ba đường”. Họ cần quyết định chọn giữa việc duy trì các hạn chế về lâu dài hay học cách sống chung với bệnh dịch. Họ nhấn mạnh, nước này học theo phần lớn thế giới và từ bỏ cách tiếp cận “zero-Covid”.
Thủ tướng Scott Morrison hồi đầu tháng 7 công bố kế hoạch 4 giai đoạn để trở lại cuộc sống bình thường nhưng nay trì hoãn với lý do sức lây lan kinh khủng của biến thể Delta.
Người dân đi tiêm vắc xin tại thành phố Bankstown, Úc. Ảnh: TL
Tỷ lệ tiêm chủng đủ cao, kết hợp với việc duy trì các biện pháp phòng Covid-19 là 'chìa khóa'
Ở những nơi mà việc tiêm vắc xin được phổ biến rộng rãi như châu Âu, các quốc gia đã đặt cược lớn vào chương trình tiêm chủng như một tấm vé thoát khỏi đại dịch, cũng là chìa khóa để giữ tỷ lệ nhập viện và tử vong ở mức thấp.
Những người Đức đã tiêm chủng đầy đủ trong 6 tháng qua có thể dùng bữa tại nhà hàng mà không cần chứng minh kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Họ được phép có các cuộc gặp riêng tư mà không có bất kỳ giới hạn nào và đi du lịch mà không cần cách ly 14 ngày.
Italy yêu cầu đeo khẩu trang khi vào các cửa hàng hoặc ở không gian đông người, nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen mang nó mọi lúc. “Con gái tôi cười tôi, nói rằng tôi đã tiêm chủng và không cần khẩu trang, nhưng tôi đã quen với việc này”, Marina Castro sống ở Rome cho biết.
Anh tiêm chủng cho hầu hết cư dân dễ tổn thương nhất. Mới đây, nước này đã dỡ bỏ gần như mọi hạn chế bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta - đặc biệt ở người trẻ tuổi. Vào “Ngày tự do” như một số báo mô tả, các nhà hàng, hộp đêm mở rộng cửa.
Biện pháp hạn chế số người tụ tập và yêu cầu đeo khẩu trang cũng không còn. Mọi người ra ngoài ăn tối, tắm nắng. Chính phủ thúc giục mọi người nêu cao trách nhiệm cá nhân để duy trì an toàn. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tháng trước nói rằng, quốc gia này cần “học cách sống chung với virus”.
Theo Michael Baker, một nhà dịch tễ học tại Đại học Otago ở New Zealand, các quốc gia đi tắt trên con đường mở cửa trở lại đang đặt những người chưa tiêm vắc vào sự rủi ro và nguy hiểm đến tính mạng. “Vâng, chúng tôi đang sống chung với virus”, Baker nói.
Người New Zealand dường như chấp nhận khả năng thích ứng với các biện pháp hạn chế lâu dài. Trong cuộc thăm dò gần đây của chính phủ với hơn 1.800 người, có hơn 90% trong số này nói rằng, họ không mong cuộc sống trở lại bình thường kể cả khi đã tiêm vắc xin, một phần vì những câu hỏi còn tồn tại về virus.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về virus. Họ cho rằng Covid-19 không thể được coi như cúm, bởi mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều. Nhưng cũng chưa chắc chắn được thời gian vắc xin có hiệu lực duy trì kháng thể và có tác dụng với các biến thể hay không.
Thái Lan nới lỏng biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn dao động trong khoảng 20.000 ca. Ảnh minh họa
Từ 1/9, người dân Thái Lan được phép đi lại nhiều hơn
Thay vì cố đưa số ca nhiễm về 0, nhiều nước chuyển mục tiêu sang kiểm soát dịch ở mức không gây quá tải hệ thống y tế và có thể duy trì các hoạt động sản xuất, thương mại.
Theo Bloomberg, khi thông báo nới lỏng các hạn chế, bà Apisamai Srirangsan - phát ngôn viên của lực lượng đặc biệt chống dịch Covid-19 của Thái Lan cho biết "sẽ cho phép người dân trở lại cuộc sống bình thường nhất có thể".
Từ 1/9, người dân Thái Lan được phép đi lại nhiều hơn. Các trung tâm mua sắm và nhà hàng cũng có thể mở cửa trở lại.
Thái Lan nới lỏng biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn dao động trong khoảng 20.000 ca.
Đây là một phần của chiến lược sống chung với Covid-19 của Chính phủ nước này. Kế hoạch nhằm từng bước thúc đẩy nền kinh tế đang kiệt quệ và hệ thống y tế quá tải vì đại dịch.
Thái Lan không phải quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á dần nới lỏng các hạn chế để từng bước "sống chung với Covid-19".
Singapore đang từng bước dỡ bỏ mọi lệnh hạn chế trước cuối năm nay và xác định sẽ sống chung với dịch bệnh trong điều kiện "bình thường mới." Ảnh: TL
Singapore sẽ sống chung với dịch COVID-19 như thế nào?
Mới đây, Singapore cũng thông báo về lộ trình 4 bước để chuyển sang trạng thái bình thường mới và xem Covid-19 như một căn bệnh theo mùa hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn trong cộng đồng.
Theo đó, kể từ ngày 10/8, Singapore sẽ cho phép người dân dùng bữa chung bên ngoài theo nhóm tối đa 5 người (nếu đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine). Quy định về số người được phép tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng nâng từ 2 lên 5 người. Mỗi hộ gia đình có thể tiếp đón tối đa 5 khách/ngày.
Công dân Singapore đã tiêm chủng đủ 2 liều vaccine có thể tham gia các hoạt động không cần đeo khẩu trang, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn hoặc những sự kiện quy mô lớn.
Các công dân chưa tham gia tiêm chủng nhưng có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trước sự kiện (PET) và công dân đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 cũng được phép tập trung theo nhóm tối đa 5 người.
Theo ông Gan Kim Yon, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, mọi công dân sẽ được phép dùng bữa tại khu hawker (ẩm thực đường phố) và các quán cà phê bất kể tình trạng tiêm chủng - nhưng chỉ theo nhóm tối đa 2 người.
Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, quy mô tổ chức các sự kiện, giới hạn về sức chứa tại những trung tâm thương mại, điểm tham quan cũng sẽ được nâng lên vào ngày 19/8.
Tại thời điểm đó, các công ty có thể cho phép đến 50% số nhân viên đang làm việc từ xa quay trở lại văn phòng.
Vào đầu tháng 9, khi khoảng 80% dân số dự kiến đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine, đảo quốc sẽ sẵn sàng bước vào giai đoạn mà Bộ Y tế Singapore đang gọi là “giai đoạn chuyển đổi A”. Đó là thời điểm mà nền kinh tế sẽ mở cửa mạnh mẽ hơn, với nhiều hoạt động cộng đồng và du lịch được triển khai trở lại.
Tuy nhiên, ông Ong cho biết khi đó, người dân Singapore cũng phải chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ gia tăng số ca bệnh và tử vong.
“Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để giảm thiểu tỷ lệ trở bệnh nặng hơn và thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai tiêm chủng cho công dân vẫn rất quan trọng", ông nhấn mạnh.
Tính đến nay, đã có khoảng 82% dân số Singapore được tiêm chủng ít nhất 1 liều và 78% dân số hoàn thành tiêm chủng 2 liều.