Hàng ngàn giáo viên bỏ việc không hẳn vì lương thấp
Sự việc hàng ngàn giáo viên bỏ việc thời gian qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Oái oăm thay, giữa lúc cả nước đang thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng thì làn sóng bỏ việc trong khối công lập lại không vì thế mà có dấu hiệu giảm đi.
Lương thấp không phải là yếu tố tiên quyết khiến giáo viên nghỉ việc
Trên một diễn đàn của giáo viên phổ thông nhiều thầy cô giáo chia sẻ rằng, giáo viên bỏ việc không hẳn là do thu nhập thấp.
Giáo viên cũng nhận thức rằng, thu nhập thấp là tình hình chung của cả xã hội. Cán bộ, công chức, viên chức hiện có hệ số lương khá thấp, chưa thể có một cuộc sống đủ đầy nhưng đa số vẫn bám trụ với công việc, với nghề sư phạm mà mình đã lựa chọn.
Một điều đáng chú ý là, một cựu giáo viên ở tỉnh Bình Phước cho rằng nguyên nhân chính khiến giáo viên bỏ việc hàng loạt là do mất dân chủ và căn bệnh thành tích đã ăn sâu bén rễ trong môi trường giáo dục từ trước đến nay.
Giáo viên này chia sẻ, việc mất dân chủ nghiêm trọng trong môi trường giáo dục dẫn đến giáo viên không còn được tôn trọng, thân phận trở nên thấp hèn trước người quản lý cấp trên (hiệu trưởng, cán bộ phòng, sở giáo dục và đào tạo). Họ bị đối xử bất công, bị tước mất những quyền cơ bản, thường xuyên bị chỉ trích, phê bình, thậm chí bị trù dập mà không biết kêu ai. Tình trạng này báo chí cũng đã phản ánh từ nhiều năm qua.
Giáo viên trong trường học đôi khi không đơn thuần làm công việc chuyên môn quản lí và giáo dục học sinh, mà bị sai vặt thì sẽ gây nên sự bất bình trong lòng, dần sinh ra mệt mỏi, chán ghét. Và để giữ danh dự, lòng tự trọng, trước tiên những giáo viên "thẳng lưng" sẽ rời bỏ nhà trường để kiếm công việc khác mưu sinh.
Người Việt nói chung, vì đã trải qua quá nhiều gian lao cơ cực, dù trước mắt còn vất vả nhưng nếu vẫn được sống và làm việc trong một môi trường lành mạnh tử tế, thì họ sẽ không bỏ đi. Cho nên, song song với việc thay đổi chính sách tiền lương, thì việc lập lại sự quân bình quyền lực, kiến tạo môi trường giáo dục công bằng, nhân văn, phải là mục tiêu khẩn cấp, bức thiết không thể trì hoãn.
Hơn thế nữa, các giáo viên cũng thẳng thắn nhìn nhận, môi trường giáo dục hiện hiện nay quá nhiều áp lực. Cụ thể, căn bệnh thành tích, bệnh quan liêu giấy tờ, bệnh hành chính hình thức... đã dần làm kiệt quệ đội ngũ giáo viên đưa họ vào khuôn mẫu, làm cho công việc nhàm chán.
"Nền giáo dục đang chạy theo những con số vô hồn với điểm thi, giải thưởng, thi đua..., và từ đó làm phát sinh không biết bao nhiêu tiêu cực cũng như gánh nặng vô bổ trên đầu xã hội, trong đó phải gánh chịu nhiều nhất là thầy cô giáo và học sinh. Tình trạng này kéo dài, bộc lộ tính vô nghĩa của công việc mỗi lúc một rõ hơn.
Để áp đặt thành tích, những người quản lý đã vừa giao chỉ tiêu, vừa "đẻ" ra không biết cơ man nào là các quy định, giấy tờ, thủ tục, biến cả môi trường giáo dục thành một bộ máy quan liêu khổng lồ. Chỉ riêng việc dồn thời gian công sức để mà làm cho ra một bộ hồ sơ "chỉn chu" trong mỗi năm học với hàng chục cuốn sổ, với hàng tá giấy má và liên tục họp hành, thi cử, đã khiến giáo viên đủ kiệt sức.
Vấn đề là hầu như tất cả những thứ này đều vô bổ, chủ yếu là để hành nhau chứ không mang lại lợi ích thiết thực nào cho công việc cả. Thế là sinh ra: hoặc làm láo để đối phó mà tồn tại, hoặc chán ngán mà bỏ nghề", giáo viên nêu minh chứng.
Dân chủ trong môi trường giáo dục là yêu cầu cấp thiết
Nhiều trường học xảy ra tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng, giáo viên không còn được tôn trọng và không còn cách nào khác là thầy cô giáo đành nghỉ việc để giữ thanh danh.
Giáo viên ở Bình Phước nêu quan điểm, cải thiện lương bổng, dù quan trọng tới đâu và làm tốt đến mức độ nào, nhưng nếu không cải tạo được môi trường giáo dục khi vẫn để những vấn nạn như trên vây khốn, thì bức tranh vẫn khó mà đổi sắc được.
"Câu chuyện thu nhập là một bài toán phải được giải, nhưng lại không dễ có ngay đáp án hữu hiệu trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên, việc dân chủ hóa môi trường giáo dục, dẹp nạn lạm phát hành chính, trị căn bệnh thành tích giả dối thì lại không hề mất tiền mà có thể làm ngay.
Chỉ cần thực hiện một số cải cách thiết thực, thay đổi chính sách, cấu trúc lại bộ máy giáo dục, thì lập tức mọi thứ sẽ trở nên thông thoáng, lành mạnh; môi trường giáo dục sẽ được hồi sinh, sức sống sẽ trở lại, và hạnh phúc liền hiện hữu trên mỗi mặt người.
Tôi tin rằng nếu làm được như thế, (bên cạnh việc nỗ lực từng bước dồn nguồn lực tài chính cho giáo dục) thì đó mới là một cuộc "đổi mới căn bản", chứ không phải chỉ chú mục vào viết chương trình và sách giáo khoa mới.
Không hạt giống tốt nào có thể mọc lên trên một mảnh đất đã bị nhiễm độc nghiêm trọng, thậm chí những cây đã sinh trưởng và cắm rễ sâu ở đó còn sẽ bị èo uột dần theo năm tháng, mà chết đi", giáo viên nêu một số giải pháp để làm dân chủ hóa môi trường giáo dục, từ đó giảm thiểu việc giáo viên bỏ việc như hiện nay.