Hàng nghìn hộ dân ở Thủ Đức bế tắc vì quy hoạch nhà ga 'treo'

Đời sống hàng nghìn hộ dân thuộc phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) bế tắc vì Dự án nhà ga Bình Triệu vẫn chưa đi vào hoạt động sau hơn 20 năm.

Ga Bình Triệu vẫn 'đóng băng' sau hơn 20 năm.

Ga Bình Triệu vẫn 'đóng băng' sau hơn 20 năm.

Hơn 20 năm loay hoay với quy hoạch

Vào năm 2002, hơn 41 ha đất tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) được phê duyệt quy hoạch cho Dự án ga Bình Triệu. Dự án nằm “đắp chiếu” do gặp phải nhiều vướng mắc không được giải quyết. Lô cốt công trình tập kết trong thời gian dài dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân.

Đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kiến nghị điều chỉnh quy hoạch đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc của UBND TPHCM. Theo đó, chủ trương di dời ga Bình Triệu và ga Sài Gòn ra ngoài trung tâm thành phố. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ tiếp tục giữ quy hoạch.

Đến tháng 4/2013, căn cứ theo Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, các ga thuộc khu đầu mối đường sắt thành phố được đồng ý xây dựng mới. Trong đó bao gồm ga khách trung tâm (ga Sài Gòn) và ga khách kỹ thuật phía Bắc (ga Bình Triệu).

Giữa năm 2013, theo Quyết định số 1556/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT về Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TPHCM, ga Bình Triệu được đánh giá là một trong các ga chính thuộc khu đầu mối, có chức năng lập tàu khách, trung chuyển hành khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, Bộ GTVT cũng thống nhất giao Cục Đường sắt Việt Nam ưu tiên nghiên cứu đầu tư cho khu vực này.

Vào tháng 9/2013, Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đầu mối giao thông Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh) đã được UBND TPHCM ban hành. Theo quyết định mới, diện tích đất ga Bình Triệu tăng gần 6 ha so với quy hoạch trước đó (đạt diện tích 47,35 ha).

Đã gần 10 năm kể từ khi Quyết định của UBND TPHCM được ban hành, kế hoạch phát triển dự án vẫn chưa có sự điều chỉnh, thay đổi nào. Thậm chí, dự án còn có dấu hiệu “bất động”, “đứng im” tại chỗ khiến cuộc sống của hơn 3.000 người dân Bình Triệu ngày càng tụt hậu, thụt lùi so với các khu vực lân cận.

Đời sống, sinh hoạt của người dân rơi vào bế tắc vì dự án quy hoạch treo.

Đời sống, sinh hoạt của người dân rơi vào bế tắc vì dự án quy hoạch treo.

Nơm nớp nỗi lo “màn trời, chiếu đất”

Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, ga Bình Triệu và ga Thủ Thiêm được xác định là những ga đầu mối hành khách, kết nối đến các sân bay trong khu vực. Nhận định Dự án ga Thủ Thiêm đang triển khai tương đối chậm, vào tháng 8/2022, Sở GTVT TPHCM đã có công văn gửi Bộ GTVT kiến nghị đẩy nhanh Dự án ga đường sắt Bình Triệu theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Định cư tại khu vực ga Bình Triệu suốt 25 năm qua, ông N.P.P. (quê Sóc Trăng) cho hay, những năm qua, quy hoạch dự án “treo” làm gia đình ông và những hộ dân khác lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Điều kiện thời tiết thất thường tại vùng ngoại ô khiến nhà cửa ngày càng xuống cấp. Tuy nhiên, thông qua báo đài, gia đình ông P. biết được chính quyền đã có kế hoạch di dời, tái định cư cho người dân nên cũng chỉ dám cải tạo tạm bợ. Bởi ông sợ rằng việc xây dựng, sửa chữa không phù hợp với quy hoạch hoặc phải tháo dỡ sau khi chính quyền tiến hành đền bù, dễ gây lãng phí.

Chị H.T.K.L. (cũng trú tại địa bàn) chia sẻ, con cái hiện đang sống ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, chỉ cuối tuần mới về thăm gia đình nên cũng đỡ lo về vấn đề nhà cửa.

Những năm qua, cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống ngày càng xuống cấp khiến chị L. và chồng mấy lần tính chuyển về Bình Chánh sinh sống. Đất đai, nhà cửa chưa biết lúc nào giải tỏa, hầu như không ai dám hỏi mua, dù gia đình không ít lần đăng bán.

Được biết, không chỉ gia đình chị L. mà hơn 15.000 người dân tại đây cũng lâm vào tình trạng xây sửa không được, đăng bán cũng chẳng xong.

Điểm “nóng” tập kết phế thải

Vụn sắt thép, bê tông từ công trình và rác thải không được phân loại, xử lý kịp thời gây mất mỹ quan đô thị.

Vụn sắt thép, bê tông từ công trình và rác thải không được phân loại, xử lý kịp thời gây mất mỹ quan đô thị.

Vào tháng 3/2021, tại buổi làm việc với UBND TPHCM, đại diện Bộ GTVT cho biết, sẽ nghiên cứu kế hoạch triển khai thực hiện bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện nay, dù kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu đã nhiều lần được chính quyền đôn đốc, nhưng thời điểm triển khai gần như vẫn chưa được ấn định thực hiện.

Việc triển khai dự án chậm trễ không chỉ lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn khiến mỹ quan khu vực giảm sút trầm trọng.

Bên trong khu quy hoạch ga Bình Triệu hiện ngổn ngang vụn sắt thép, bê tông từ công trình và rác thải sinh hoạt tập kết không được phân loại, hướng dẫn xử lý kịp thời.

Chị N.P.N. trú tại một ngôi nhà cấp 4, bên cạnh đường ray tàu (hướng đi Thủ Thiêm) cho biết, mặc dù đường tàu ga Bình Triệu đã được rào lại, người dân vẫn đang tận dụng một số vị trí bỏ hoang để chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh kiếm thêm trong khi chờ đền bù, giải tỏa.

Tuy có thể tạm thời, nhưng việc triển khai kinh doanh, nuôi trồng không theo quy củ, dễ dẫn đến bạ đâu làm đó, ảnh hưởng đến mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Gia đình chị N. cũng đang kinh doanh một quán giải khát nhỏ, đặt tạm dù và vài chiếc ghế gần khu vực đường ray. Song, việc đường sá lởm chởm sỏi đá, rác thải tập kết tràn lan khiến hàng quán vắng khách.

Hàng nghìn người dân ở đây mong muốn chính quyền TPHCM và bộ ngành liên quan thúc đẩy nhanh lộ trình dự án để tháo “gông” cho người dân vì… quy hoạch.

Huỳnh Kha

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hang-nghin-ho-dan-o-thu-duc-be-tac-vi-quy-hoach-nha-ga-treo-post633549.html