Hàng nghìn người được nhận làm con nuôi tại Mỹ có nguy cơ bị trục xuất

Hàng nghìn trẻ em nước ngoài đã được đưa đến Mỹ cho các gia đình nhận nuôi, nhưng thời điểm đó nhiều trẻ không rõ quốc tịch, hiện tại họ có nguy cơ bị trục xuất.

Một số người được nhận nuôi đang sống ẩn náu, lo sợ rằng việc báo cho chính phủ có thể khiến họ bị trục xuất. Trong khi đó, một số đã bị trục xuất.

Để hỗ trợ họ, một dự luật đã được đệ trình lên Quốc hội nhưng vẫn chưa được thông qua. Những người ủng hộ dự luật cho rằng cái nhìn cực đoan về vấn đề nhập cư đã ngăn cản mọi nỗ lực mở rộng quyền công dân cho mọi người, ngay cả những người được nhận nuôi hợp pháp là con của cha mẹ người Mỹ.

Họ rất lo sợ về những gì có thể xảy ra nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vì ông đã cam kết sẽ tiến hành các cuộc truy quét người nhập cư và trại giam giữ quy mô lớn.

 Quần áo của một trẻ được nhận nuôi từ Hàn Quốc khi mới 5 tháng tuổi. Ảnh: AP

Quần áo của một trẻ được nhận nuôi từ Hàn Quốc khi mới 5 tháng tuổi. Ảnh: AP

Hệ thống nhận con nuôi liên quốc gia bắt nguồn từ việc các gia đình Mỹ rất cần con, sau ảnh hưởng của các biện pháp tránh thai và những thay đổi trong xã hội. Rất nhiều con nuôi đến từ Hàn Quốc, quốc gia khi đó đang chịu gánh nặng thoát khỏi tình trạng người dân phải nuôi quá nhiều miệng ăn.

Các cơ quan nhận con nuôi đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về trẻ sơ sinh ở Mỹ. Nhưng có rất ít biện pháp đảm bảo rằng cha mẹ có khả năng chăm sóc chúng và chúng có được quyền công dân.

Việc nhận con nuôi nước ngoài đã được thực hiện theo một hệ thống cho việc nhận con nuôi trong nước. Tòa án tiểu bang cấp cho trẻ em giấy khai sinh mới có ghi tên cha mẹ nuôi, với mục đích trao cho chúng tất cả các đặc quyền của con đẻ.

Nhưng tòa án bang không có quyền kiểm soát nhập cư. Sau quá trình nhận con nuôi tốn kém và kéo dài, cha mẹ có nghĩa vụ phải nhập tịch cho con nuôi, nhưng một số người không bao giờ làm vậy.

Năm 2000, Quốc hội Mỹ thừa nhận tình trạng pháp lý lấp lửng này của những người được nhận nuôi, và đã thông qua Đạo luật Quyền công dân trẻ em, tự động trao quyền công dân cho những trẻ được nhận nuôi.

Nhưng đạo luật chỉ đơn giản hóa quy trình cho cha mẹ nuôi, không phải để giúp những người được nhận nuôi, và do đó chỉ áp dụng cho những người dưới 18 tuổi. Tất cả những sinh trước ngày 27/2/1983 đều không được đưa vào. Ước tính khoảng 15.000 đến 75.000 người không có quyền công dân.

Không có cơ chế chính phủ nào cho những người được nhận nuôi biết mình đã được đảm bảo quyền công dân hay chưa. Họ thường tình cờ phát hiện ra điều đó khi nộp đơn xin hộ chiếu hoặc phúc lợi. Một phụ nữ lớn tuổi đã biết điều đó khi bà bị từ chối An sinh xã hội mà bà đã đóng góp cả đời. Nếu họ hỏi chính quyền về tình trạng của mình, họ có nguy cơ bị báo cho chính quyền rằng họ đang ở đây bất hợp pháp.

Nếu chưa được đảm bảo quyền công dân Mỹ, người được nhận nuôi có thể không tìm được việc làm hoặc giấy phép lái xe, và một số không đủ điều kiện hưởng các phúc lợi của chính phủ như hỗ trợ tài chính và An sinh xã hội.

Một phụ nữ tên Joy Alessi được nhận nuôi từ Hàn Quốc khi mới 7 tháng tuổi vào năm 1967. Khi trưởng thành, bà biết rằng cha mẹ chưa bao giờ nhập tịch cho bà và bà đã sống ẩn dật trong nhiều thập kỷ. Cuối cùng, bà được nhập tịch vào năm 2019 ở tuổi 52. Bà nói rằng mình đã bị tước đi tất cả những năm tháng mà công dân Mỹ coi là điều hiển nhiên, như các khoản vay giáo dục.

Leah Elmquist đã phục vụ trong Hải quân Mỹ trong một thập kỷ, nhưng cô không phải là công dân. Cô được nhận nuôi từ Hàn Quốc khi còn là một đứa trẻ vào năm 1983, chỉ quá 6 tháng tuổi để được hưởng quyền công dân theo luật năm 2000. Cuối cùng, cô đã được nhập tịch sau quá trình khổ sở với vấn đề nhập cư, bao gồm cả việc phải làm bài kiểm tra về quyền công dân.

Ngọc Ánh (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hang-nghin-nguoi-duoc-nhan-lam-con-nuoi-tai-my-co-nguy-co-bi-truc-xuat-post318574.html