Hàng trăm tập đoàn quốc tế tìm mua hàng hóa Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, hàng trăm tập đoàn bán buôn, bán lẻ của gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam tìm nguồn cung hàng hóa. Mục đích là để đa dạng chuỗi cung ứng sản phẩm trên toàn cầu, tránh lệ thuộc vào một số quốc gia.

Đồng Nai là một trong những khu vực được nhiều tập đoàn bán buôn, bán lẻ chú ý, bởi trên địa bàn tỉnh hàng hóa rất đa dạng, gồm có sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề. Cụ thể, trên lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai có hơn 50 nhóm hàng chính như: dệt may, sản phẩm gỗ, giày dép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, máy tính, linh kiện điện tử, xơ sợi dệt… Lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh có rất nhiều mặt hàng được sản xuất theo hướng hàng hóa, sạch, có thể xuất khẩu là trái cây các loại, rau củ, cà phê, ca cao, hồ tiêu… Tỉnh cũng có nhiều làng nghề nổi tiếng trong và ngoài nước với các sản phẩm đặc sắc như: gốm, gỗ mỹ nghệ, trầm hương, chuối sấy, sợi hủ tiếu, bún, miến, bánh gai…

Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để tìm đối tác mua hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các DN công nghiệp khá năng động trong tìm kiếm đối tác và thị trường nên đầu ra cho sản phẩm tương đối thuận lợi. Còn sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đầu ra vẫn khó khăn, bấp bênh. Do đó, tỉnh đang mời gọi các DN liên kết với HTX, trang trại để sản xuất chế biến sâu, hướng đến xuất khẩu, nâng giá trị cho sản phẩm. Tương tự, với các sản phẩm làng nghề, tỉnh thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại để tăng thị phần trong nước, nước ngoài.

Theo đại diện của các tập đoàn bán lẻ lớn của quốc tế như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon (Hoa Kỳ); Falabella (Chile); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); LuLu (UAE); IKEA, H&M (Thụy Điển)..., hàng hóa được các tập đoàn ký kết mua sẽ phân phối ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tập đoàn có đặt các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm. Ngoài ra, các sản phẩm có thể được bán khắp thế giới thông qua sàn thương mại điện tử. Các DN, HTX sản xuất muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên chủ động liên hệ với các tập đoàn bán lẻ quốc tế, giới thiệu các mặt hàng mình có. Bên cạnh đó, các DN, HTX cũng nên nghiên cứu xu hướng thị trường để thiết kế, sản xuất ra những sản phẩm người tiêu dùng từng khu vực đang cần. Ký kết hợp đồng mua bán với các tập đoàn bán buôn, bán lẻ thế giới, các DN, HTX sẽ có được những đơn hàng lớn, dài hạn, không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Uyển Nhi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/hang-tram-tap-doan-quoc-te-tim-mua-hang-hoa-viet-nam-1780987/