Hàng Việt vào thị trường Nhật: Chất lượng là yếu tố hàng đầu
Nằm trong Top 5 thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, thị trường Nhật Bản luôn là mục tiêu khai thác xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thực phẩm đang có nhiều lợi thế khi được người tiêu dùng Nhật ưa thích, số lượng nhập khẩu tăng qua từng năm. Đưa hàng Việt tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật đang là mục tiêu của nhiều DN xuất khẩu Việt Nam.
Hàng Việt tìm chỗ đứng trên thị trường Nhật
Tại Tuần lễ Triển lãm sản phẩm DN Việt và Hội nghị kết nối DN đưa hàng vào hệ thống Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị Aeon toàn cầu năm 2020 khai mạc ngày 4/11 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết: Do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dòng lưu chuyển thương mại bị gián đoạn. Vì vậy tìm kiếm cơ hội để tăng xuất khẩu hàng hóa ra các nước trong đó có thị trường Nhật Bản trong bối cảnh hậu đại dịch được xem là một trong những mục tiêu quan trọng của DN bởi thị trường Nhật Bản thời gian qua đã có sự ưa chuộng hàng Việt đặc biệt là thực phẩm đóng gói chế biến sẵn, nông thủy nông sản.
Trong 5 năm trở lại đây, nhóm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng đều đặn, như tôm chiếm trên 25% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này vào Nhật Bản và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam. Nhóm thực phẩm ăn liền, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến của Việt Nam như phở, bún, miến, mì ăn liền và các loại gia vị như tiêu, ớt, nước mắm… đang trở thành xu hướng tiêu dùng tại Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật thích thực phẩm khô ăn liền của Việt Nam bởi phù hợp khẩu vị, hợp túi tiền với những người trẻ.
Nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam cũng được thị trường Nhật ưu chuộng. Cuối tháng 6/2020, lô vải thiều của Việt Nam có mặt trên kệ hàng của 250 trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị và cửa hàng Aeon Style tại Nhật Bản là tín hiệu lạc quan cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này. Ước tính, mùa vải năm 2020 có khoảng 200 tấn vải thiều tươi được xuất sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không và đường biển.
Tính đến nay, Nhật Bản là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt 28,63 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đạt trên 14 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản gần 14,63 tỷ USD.
Bên cạnh đó, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thông qua kênh bán lẻ được xem là một trong những cách làm hiệu quả trong thời gian qua và đã góp phần tích cực trong việc lan tỏa hàng Việt tại thị trường Nhật. Nếu như năm 2019 giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua hệ thống Aeon đã đạt 381 triệu USD thì năm 2020 con số này dự kiến đạt 500 triệu USD và mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 1 tỷ USD.
Tăng cường xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Nhật
"Để tăng cường xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Nhật Bản cần triển khai nhiều giải pháp xúc tiến và hỗ trợ cộng đồng DN phát triển mới chuỗi cung ứng, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trong đó, làm thế nào tiếp cận các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại ở cả trong và ngoài nước rất được DN quan tâm"- ông Tín nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, cho biết: “Một trong những chiến lược quan trọng của AEON Việt Nam là mở rộng quy mô tiêu thụ hàng Việt, chúng tôi luôn cố gắng đưa các sản phẩm trong nước tới người tiêu dùng thông qua các chuỗi Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị của AEON Việt Nam tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt thông qua việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi cần có sự hợp tác và hỗ trợ từ các nhà cung cấp trong nước. Triết lý kinh doanh của AEON là luôn cung cấp các sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với mức giá hợp lý, vì vậy với sự hợp tác của các nhà bán lẻ và 2 nhà cung cấp, tôi mong chúng ta sẽ cùng nhau phát triển và tiếp tục cung cấp các sản phẩm có giá trị tới người tiêu dùng”.
Từ phía các DN xuất khẩu của Việt Nam cần nắm thị hiếu của khách hàng tại thị trường Nhật Bản. Hiện Aeon Việt Nam đang làm việc với gần 14.000 nhà cung cấp, cung ứng nhiều nhóm hàng như may mặc, thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày, hàng gia dụng, nội thất, đồ mẹ và bé, sản phẩm chăm sóc sức khỏe… Trong đó, 99% sản phẩm từ các nhà cung cấp trong nước. Các nhà mua hàng Nhật sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh góp phần tăng nhanh thị phần hàng Việt tại Nhật.
Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu hàng hóa vào Nhật cũng cần lưu ý hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. Khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật Vệ sinh thực phẩm... Riêng với sản phẩm dệt may, DN Việt Nam phải thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng. Các điều kiện nhập khẩu hàng hóa của thị trường Nhật cũng buộc DN Việt phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả các giai đoạn, từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng. Các quy định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho đến các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành.
Bà Phạm Thị Mộng Tuyền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch HugoFarm - cho biết: Hướng xuất khẩu vào thị trường Nhật, các sản phẩm của HugoFarm đều được sản xuất trên quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, không sử dụng chất tăng trưởng, kháng sinh, chất bảo quản. Ngoài ra, HugoFarm còn áp dụng mô hình nuôi trồng tự nhiên nên sản phẩm giữ được những hương vị đặc trưng, không giống như những sản phẩm nuôi trồng công nghiệp.