Hành lang xanh cho nông sản

Mùa vải đã đến. Vải bắt đầu chín đỏ trong những khu vườn ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Đáng tiếc đây cũng là hai địa phương đang có dịch. Nhất là với Bắc Giang, 'thủ phủ'của vải, thì số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang nhiều nhất cả nước.

Điều đó khiến cho việc tiêu thụ quả vải cũng như các loại nông sản khác gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước tính 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến: Vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch từ 20/5 - 10/6; vải chính vụ sẽ thu hoạch từ 10/6 - 20/7.

Như vậy là khối lượng rất lớn. Được mùa nhưng lại lo không biết mua bán thế nào vì vận chuyển ra vào tỉnh đều khó khăn, buộc phải kiểm soát rất chặt chẽ. Người trồng vải lo âu. Doanh nghiệp thu mua vải cũng lo âu.

Trong tình thế đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tạo “hành lang xanh” an toàn cho việc vận chuyển nông sản vùng có dịch ra ngoài, và cũng là để xe cộ, thương nhân có thể tiếp cận để mua bán, vận chuyển. Tại cuộc họp trực tuyến chiều 25/5 giữa Bộ Công thương và tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, sẽ hỗ trợ địa phương và các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp lưu thông thông suốt các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh và tiêu thụ các sản phẩm đầu ra. “Bộ Công thương cam kết sẽ làm hết sức trong chức năng nhiệm vụ của mình để giúp kết nối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Bắc Giang trong mọi hoàn cảnh”, ông Diên cam kết.

Vẫn biết là vậy nhưng nếu chậm có giải pháp cụ thể, thống nhất thì sẽ rất gay. Vải là loại quả chín nhanh, không bán được trong vòng một tuần thì coi như bỏ đi. Những ngày này người ta đã rao bán online khá nhiều, người dân lân cận Bắc Giang cũng chủ động mua ủng hộ. Đó là điều rất quý. Nhưng, thực tế cho thấy nếu không nhanh chóng có biện pháp thì khi mà dịch bệnh kéo dài, nông sản sẽ vẫn khó tiêu thụ, người nông dân vẫn phải chịu thiệt thòi.

Vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế mà cần có cách đặt vấn đề dài hơi, để không bị rơi vào tình thế bị động, không phải “giải cứu”. Phải thiết lập được một “hành lanh xanh” cho nông sản, để khi lâm vào tình thế khó khăn thì vẫn có lối ra.

An Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hanh-lang-xanh-cho-nong-san-5641998.html