Hành trình 2 năm phát triển bền vững của doanh nghiệp giấy lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long
2 năm không phải là chặng đường dài của một doanh nghiệp nhưng với Lee & Man Việt Nam, đó là 2 năm nỗ lực không ngừng để vừa thích ứng với nền kinh tế - xã hội địa phương, vừa giải quyết bài toán sản xuất hiệu quả, bền vững - một thách thức lớn của ngành giấy.
Đầu tư công nghệ: Chìa khóa cho công cuộc hiện đại hóa ngành giấy
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 28-62 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP đến năm 2030. Bên cạnh việc mang lại giá trị kinh tế, công nghệ mở ra nhiều cơ hội thay đổi mạnh mẽ và toàn diện cách thức hoạt động, vận hành của nhiều ngành, nâng cao năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, xây dựng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đối với ngành giấy tại Việt Nam, trong số 300 doanh nghiệp đang hoạt động, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ, công suất dưới 50.000 tấn/năm, sử dụng máy móc cũ kỹ, công nghệ lạc hậu. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Lee & Man Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự chuyển biến tích cực của ngành giấy theo hướng hiện đại, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường.
Định hướng công nghệ là đòn bẩy để phát triển, Lee & Man Việt Nam đã đầu tư hơn 650 triệu USD cho dây chuyền sản xuất hiện đại tại nhà máy Hậu Giang, vận hành với công suất 420.000 tấn/năm để sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy tái chế. Trong mô hình sản xuất này, hơn 95% nguyên liệu đầu vào để sản xuất là từ giấy phế liệu và phế thải trong quá trình sản xuất được tận dụng hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp khác. Việc sử dụng giấy tái chế để sản xuất giấy bao bì đã giúp giảm được 74% lượng khí thải và 35% nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên. Qua đó, góp phần giảm khai thác hơn 24 triệu cây xanh, tiết kiệm khoảng 45,5 triệu m3 nước và khoảng gần 6 tỷ Kwh năng lượng điện.
Thay đổi để phát triển bền vững
Trên thực tế, như bất cứ ngành sản xuất nào khác, ngành giấy có thể gây ảnh hưởng đến môi trường nếu doanh nghiệp không chú trọng đầu tư xử lý thải. Thời điểm Lee & Man vào Việt Nam, những bài học môi trường từ sự cố Formosa Hà Tĩnh, Vedan… vẫn còn sức nóng. Do đó, câu chuyện môi trường một lần nữa được đào sâu khi Lee & Man xây dựng nhà máy giấy quy mô hàng đầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cũng phải đối diện những thách thức lớn.
Cho đến nay, công trình xử lý nước thải nội khu tại nhà máy được đảm bảo bằng quy trình xử lý 4 bước và có nhiều cải tiến tích cực. Các trạm xử lý tập trung, trạm quan trắc nước thải, khí thải hoạt động tự động liên tục 24/24. Trong năm 2019, Lee & Man Việt Nam đã nhập một đợt máy mới trị giá khoảng 20 tỷ đồng, dành hơn 6,7 tỷ đồng để gia cố, cải tiến hệ thống xử lý thải. “Chúng tôi liên tục thử nghiệm và thay đổi vật liệu nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất trong việc xử lý tiếng ồn, mùi và đảm bảo chất lượng nước thải hợp quy định. Mặc dù chi phí đầu tư cao hơn nhiều nhưng chúng tôi sẵn sàng làm điều đó vì sự phát triển bền vững cho các thế hệ tiếp theo.” - ông Patrick Chung - Tổng giám đốc Lee & Man Việt Nam khẳng định.
Năm 2019, Lee & Man Việt Nam là doanh nghiệp giấy duy nhất nằm trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững (PTBV) của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp được vinh danh PTBV và là minh chứng rõ ràng nhất cho những cam kết về PTBV mà doanh nghiệp đang theo đuổi.
Chăm lo cho lao động, đóng góp an sinh xã hội
Chọn đầu tư tại Hậu Giang, Lee & Man Việt Nam gặp không ít khó khăn về bài toán lao động khi nguồn nhân lực lao động qua đào tạo của tỉnh còn ít, chỉ đạt 17,7% năm 2010 và chưa đến 30% trong năm 2017. Ngoài ra, mắt xích quan trọng nhất chính là hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Tuy nhiên, sau những lúng túng khó tránh bước đầu, doanh nghiệp đã tìm thấy lối ra bằng cách chủ động đào tạo nhân lực chất lượng.
Cụ thể, Lee & Man đã phối hợp với trường Cao đẳng Điện lực và Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh… để mở lớp đào tạo sinh viên ngành điện và kỹ thuật sản xuất giấy từ địa phương và tài trợ toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt cho các em.
Hằng năm, doanh nghiệp đều hưởng ứng các hoạt động cộng đồng tại địa phương như hỗ trợ xây trường mẫu giáo, nhà tình thương cho các gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh, gây quỹ cho các trường mầm non và tiểu học nhằm giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều tỉnh thành.
Mới đây, Lee & Man Việt Nam cũng xây dựng hoàn thành khu Nhà ở cho chuyên gia và công nhân viên cho toàn thể công nhân viên, gồm 640 căn hộ, đảm bảo chỗ ở cho khoảng 2.500 nhân viên cùng gia đình, người thân. Dự án có kinh phí hơn 380 tỷ đồng, trở thành dự án hiện đại với quy mô hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điều này cho thấy nỗ lực của Lee & Man trong việc đảm bảo về nơi ở, sinh hoạt ổn định cho nhân viên.
Qua 2 năm nỗ lực với những đóng góp tích cực cho tỉnh Hậu Giang, thế mạnh công nghệ sẵn có và các chỉ tiêu môi trường đạt chuẩn, Lee & Man đã đáp ứng các tiêu chuẩn để PTBV, qua đó định hướng mở rộng sản xuất đối với doanh nghiệp là phù hợp và khả thi. Có thể thấy, sản xuất hiệu quả, ổn định, đảm bảo an toàn môi trường và đóng góp an sinh xã hội chính là một phần trong câu chuyện phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất, thể hiện cam kết gắn bó lâu dài của doanh nghiệp để tạo ra những giá trị bền vững cho Việt Nam.