Hành trình chạy xe máy 700 km qua Hà Giang - Cao Bằng
Trở lại vùng núi miền Bắc sau 2 năm, Minh Phụng dành 5 ngày 5 đêm rong ruổi cung đường Hà Giang - Cao Bằng trên xe máy để tận hưởng hết vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.
Trở lại vùng núi miền Bắc sau 2 năm, Minh Phụng dành 5 ngày 5 đêm rong ruổi cung đường Hà Giang - Cao Bằng trên xe máy để tận hưởng hết vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.
Minh Phụng (TP.HCM)
Nghề nghiệp: Lập trình viên
Tranh thủ thời gian rảnh, Minh Phụng đặt vé máy bay TP.HCM - Hà Nội vào cuối tháng 3, sẵn sàng cho chuyến đi Hà Giang - Cao Bằng đã lên kế hoạch từ lâu nhưng bị hoãn nhiều lần do dịch bệnh.
Phụng cho biết khoảng cách giữa Hà Giang và Cao Bằng khoảng 220 km, không quá xa nên anh lựa chọn di chuyển suốt chuyến đi bằng xe máy để chủ động lịch trình và được ngắm nhìn núi non hùng vĩ.
Thời tiết chuyến đi
Nam du khách cho biết cuối tháng 3-4 không phải mùa đẹp nhất để thưởng ngoạn 2 địa điểm du lịch này. Tuy vậy, vì lịch trình công việc, Phụng vẫn quyết định trở lại Hà Giang vào mùa này.
"Thời tiết trong chuyến đi khá xấu, nhiệt độ thấp kèm theo mưa phùn rả rích. Bù lại, mình đi đúng mùa hoa gạo ở Hà Giang nở rộ", Phụng kể lại.
Theo kinh nghiệm của nam du khách, thời tiết tại 2 địa phương gần giống nhau. Thời điểm hợp lý nhất để khám phá Hà Giang và Cao Bằng vào khoảng tháng 9-10. Lúc này trời không lạnh, cũng không quá nóng. Trên khắp cung đường chỉ một màu vàng rực của lúa chín, thác Bản Giốc (Cao Bằng) cũng vào mùa nước đẹp.
Lịch trình
Minh Phụng bay chuyến TP.HCM - Hà Nội. Từ sân bay Nội Bài, Phụng đón xe khách chạy thẳng lên thành phố Hà Giang.
"Mặc dù đặt xe từ sớm, mình vẫn phải nằm giường cuối, trần thấp, không được thoải mái lắm", Phụng chia sẻ.
Xuống xe ở trung tâm thành phố Hà Giang, Phụng thuê xe máy để di chuyển suốt chặng đường. Giá thuê là 180.000 đồng/ngày. Nam du khách trả xe tại Cao Bằng và trả thêm phí 500.000 đồng, giao xe tại bến xe liên tỉnh. Từ Cao Bằng, Phụng sẽ đặt xe limousine về lại Nội Bài, giá 350.000 đồng/người.
Ngày 1: Thành phố Hà Giang - Đồng Văn (120 km), nghỉ tại Mèn Mén homestay
Ngày 2: Đồng Văn - Bảo Lạc (80 km), nghỉ tại Bảo Lạc homestay
Ngày 3: Bảo Lạc - Suối Lê Nin - Thành phố Cao Bằng (140 km), nghỉ tại Jodevi homestay
Ngày 4: Thành phố Cao Bằng - Hồ Than Hen - Thác Bản Giốc - Về lại Thành phố Cao Bằng (160 km), nghỉ tại tại Jodevi homestay
Ngày 5:
- Sáng: Thành phố Cao Bằng - Núi Thủng (60 km)
- Chiều: Trả xe máy, về lại Nội Bài.
Trở lại Hà Giang
Nói về mảnh đất Hà Giang nhiều kỷ niệm, Minh Phụng chia sẻ đó là nơi anh luôn muốn quay lại mà không cần suy nghĩ.
"Lần đầu mình đến Hà Giang cách đây 2 năm, đó là một trong những chuyến đi đẹp nhất cuộc đời. Vượt qua bao ngọn đèo, rong ruổi trên miền cao nguyên đá nhưng lòng luôn muốn quay lại. Lần trở lại này, mình muốn cảm nhận một Hà Giang thật đúng nghĩa, tận hưởng cái đẹp thật khác của đất trời cao nguyên đá", Minh Phụng bày tỏ.
Lần thứ 2 đến Hà Giang, Phụng không ghé những điểm quen thuộc như Lũng Cú, sông Nho Quế hay cổng trời Quản Bạ nữa. Thay vào đó, nam du khách chạy xe khám phá những điểm đến lạ, ít du khách chú ý.
Địa điểm đầu tiên là vách đá trắng, ẩn mình sau những ngọn núi cỏ xanh. Phụng chia sẻ để đến vách đá cần đi qua con đường mòn cách trung tâm Đồng Văn gần 20 km. Địa điểm này nằm trên những sườn núi hướng ra sông Nho Quế, bên dưới là đèo Mã Pì Lèng.
Để di chuyển đến vách đá trắng, chỉ có một cách duy nhất là di chuyển bằng xe máy đến quán cà phê A Páo, chạy xuyên qua đèo Gió hiểm trở. "Từ đây, nếu tay lái cứng bạn có thể đi tiếp bằng xe máy, còn không phải cuốc bộ 7-8 km mới đến nơi", Phụng chia sẻ.
Địa điểm tiếp theo là thị trấn Phó Bảng. Phụng đến đây khi trời đã chập tối nên chưa cảm nhận được nhiều cảnh quan nơi này. Trong hình dung của Phụng, địa điểm này là một thị trấn giữ được nét nguyên sơ vùng núi Đông Bắc, lên hình đẹp vào mùa xuân.
"Hiện tại, nơi đây vẫn đẹp nhưng không còn nét nguyên sơ như xưa nữa, bắt đầu có những căn nhà xây cao, xe cộ đi lại cũng nhiều hơn", Phụng nói.
Gần Phó Bảng còn có bản Lao Xa, làng cổ Thiên Hương, nhưng vì lịch trình khá sát nên Minh Phụng đành phải bỏ qua 2 địa điểm này.
3 ngày chạy xe ở Cao Bằng
Sáng ngày thứ 3 của chuyến đi, Phụng chạy xe từ thị trấn Bảo Lạc (Hà Giang) để đến Cao Bằng. Địa điểm đầu tiên nam du khách đặt chân đến trong cung đường này là đèo Mẻ Pia. Để ngắm được vòng cung 14 tầng, Phụng cho biết phải di chuyển hơi vất vả. Từ đỉnh đèo, du khách phải đi bộ 30-45 phút để đến điểm ngắm nhìn toàn cảnh, Phụng chia sẻ kinh nghiệm.
Đường leo không hề dễ dàng, toàn dốc đá trơn trượt. "Nếu bạn nào muốn trải nghiệm nơi này thì nên mang giày leo núi, đi lại sẽ đỡ mệt. Trời mưa không nên đi", nam du khách nói.
Cùng ngày, Phụng đến một địa điểm nổi tiếng khác ở Cao Bằng là suối Lê Nin, cách trung tâm thành phố 50 km về phía bắc. "Màu nước ở đây trong vắt, có lẽ không một từ mỹ miều nào diễn tả được độ sạch và trong của nó", Phụng bày tỏ.
Ngày thứ 4 của chuyến đi, Phụng tiếp tục lên xe máy chạy đến thác Bản Giốc, một địa điểm quen thuộc vùng núi Đông Bắc. Giá vé vào đây là 45.000 đồng/người, vé đi thuyền ra chân thác là 50.000 đồng/ người. "Hôm mình đi không có thuyền nên hơi tiếc", nam du khách kể lại.
Minh Phụng bỏ qua động Ngườm Ngao vì căn lệch thời gian. Động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc gần nhau nhưng thời gian có sự chênh lệch gần 1 tiếng.
"Lúc ở thác Bản Giốc mình xem điện thoại là 16h nên quyết định đi về vì sợ trời tối, không vào động Ngườm Ngao. Khi chạy xe một đoạn nhìn lại giờ mới thấy 15h, thời gian ở 2 địa điểm này chênh lệch nên mọi người lưu ý", Phụng chia sẻ.
Buổi sáng cuối cùng của chuyến đi, Phụng dừng lại ở núi Mắt Thần. Địa điểm này còn tên gọi khác là núi Thủng. Phụng đánh giá đây là địa điểm đẹp nhất ở Cao Bằng. Di chuyển từ trung tâm thành phố đến đây mất khoảng 30 phút, nhưng đường không mấy dễ đi.
"Ban đầu mình tưởng đường đẹp, nhưng đường đi như lội ruộng. Lúc mình đến thì trời mưa phùn, đường trơn trượt. Đến được núi Mắt Thần hôm đó đúng là thử thách bản thân không kém", Phụng bày tỏ.
Chuyến đi cần thể lực
Minh Phụng cho biết không phải tuýp người thích du lịch nghỉ dưỡng. Thay vào đó, anh thường chọn những chuyến đi được hòa mình thiên nhiên, được leo núi, chạy xe ngắm quang cảnh trên đường.
Theo kinh nghiệm của nam du khách, để có những chuyến chạy xe đường dài, sức khỏe, thể lực là điều kiện không thể thiếu.
Trong chuyến đi, Phụng thường về trở về điểm lưu trú sớm sau những giờ chạy xe ngắm cảnh. Điều này giúp tránh rủi ro khi chạy xe trời tối ở những đoạn đường dốc, khó đi. "Nhiều nơi mình chạy xe qua 4-5 km mới có nhà dân. Chẳng may xui rủi có thể hư xe giữa đường", Phụng nói.
Khi chạy xe, nên kết hợp hỏi đường người dân địa phương, vì nhiều nơi đi qua không có sóng, chưa kể nhiều đoạn đường bản đồ có thể chỉ dẫn sai.
Lưu ý tiếp theo là vấn đề chọn thuê xe máy. Phụng chia sẻ cần phải chọn xe có lốp mới, thắng trước sau còn hoạt động tốt, kiểm tra đèn, kính chiếu hậu trước khi xuất phát. Tốt nhất nên chạy xe thử vài vòng xem phù hợp không để tiện đổi với bên cho thuê, nam du khách chỉ dẫn.
Trong suốt 5 ngày hành trình, sáng nào Phụng cũng dậy từ rất sớm để không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc đẹp dọc đường. Đổi lại 700 km chạy xe qua những cung đường khó nhằn là trải nghiệm của tuổi trẻ được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ bằng tâm hồn tự do, phiêu lưu.