Hành trình cùng sự nghiệp trồng người

Ngày 01/6/1957, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ra đời cùng với sự ra đời của chi bộ Đảng. Từ đó đến nay, hơn 60 năm đồng hành cùng sự nghiệp 'trồng người', các thế hệ cán bộ, đảng viên, người lao động Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo của cả nước.

Nhận thức rõ việc làm sách giáo khoa là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước. Sách giáo khoa là sản phẩm kết tinh của khoa học, của tri thức và hơn thế nữa đó là sản phẩm thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của những nhà khoa học, chuyên gia, người làm công tác biên tập, đồ họa, chế bản, in, cho đến người phát hành ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sách giáo khoa là sản phẩm đặc đặt biệt - sản phẩm góp phần tạo nên tầm vóc, trí thức, đạo đức của con người; bởi “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” như Lenin đã từng nói. Vì vậy, hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, các chuyên gia, nhà khoa học cho đến người lao động tham gia vào quá trình biên soạn, xuất bản sách giáo khoa hiểu rõ được trách nhiệm của mình trước tương lai của đất nước.

Thực tế không nhiều bậc phục huynh và học sinh quan tâm đến việc những cuốn sách giáo khoa đã được làm ra thế nào. Sự lặng thầm, cần mẫn làm việc, những người viết sách, người biên tập sách thấu hiểu trách nhiệm của mình với ngành Giáo dục, với học sinh và bạn đọc, với xã hội nói chung.

Đi lên từ khó khăn, trải qua một thời kỳ dài của cơ chế bao cấp, Nhà xuất bản Giáo dục không chỉ từng bước hoàn thiện mình mà đã có những bước tiến dài, hội nhập với xu thế tất yếu của thời kỳ Đổi mới. Từ thời kỳ sách giáo khoa còn khan hiếm, với số đầu sách ít ỏi, được in trên chất liệu giấy không tốt; thì nay, sách giao khoa mới đã về đến tận tay từng học sinh, từ thành thị đến nông thôn; từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi; chắp cánh cho ước mơ, hoài bão của bao thế hệ học sinh vươn cao, bay xa.

Từ một đơn vị sự nghiệp xuất bản sách giáo khoa thuần túy trở thành một doanh nghiệp nhà nước như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý để thích ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và quản trị doanh nghiệp theo nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; một mặt vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phục vụ sự nghiệp giáo dục, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, mặt khác phải đảm bảo tự cân đối thu, chi, tự chi trả tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Để thích ứng với yêu cầu đổi mới quản lý, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác giáo dục, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển Nhà xuất bản Giáo dục sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Năm 2010, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định chuyển Công ty mẹ - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Hiện nay, Đảng bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có gần 300 đảng viên làm việc tại trụ sở chính và các Công ty thành viên khu vực Hà Nội và hơn 4000 cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động làm việc trong 50 đơn vị thành viên, đóng tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát huy truyền thống của Đảng bộ và bề dày truyền thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, những năm qua, Đảng bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định trọng tâm xây dựng Đảng về đạo đức để phát huy trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu, làm lan tỏa đến cán bộ, đảng viên và người lao động theo khẩu hiệu: “Đoàn kết, Kỉ cương, Sáng tạo - Tất cả vì Tiến độ và Chất lượng Sách giáo khoa mới”. Đây cũng là phương châm xuyên suốt trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nói chung và đổi mới sách giáo khoa nói riêng; bên cạnh đó, Đảng bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục xây dựng thương hiệu, đồng thời không ngừng hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vừa bảo đảm và phát triển vốn, tài sản của nhà nước, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đổi mới giáo dục không chỉ là xu thế tất yếu mà luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của mọi gia đình, mọi tầng lớp và toàn xã hội. Thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa theo hướng “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”[1], trong đó chú trọng thực hiện việc “Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học, chú ý đến học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật”[2]. Để thực hiện tốt nội dung, yêu cầu đổi mới sách giáo khoa, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm với từng con chữ, từng trang sách, coi học sinh như chính con em của mình, lặng thầm làm việc góp phần phát triển và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một mặt Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện đang nỗ lực tổ chức biên soạn, biên tập sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đổi mới sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặt khác, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn thường xuyên phải chú trọng việc biên tập tái bản, in và phát hành sách giáo khoa hiện hành, đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa cho học sinh trước mỗi năm học mới.

Đảng bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chú trọng đẩy mạnh công tác thư viện trường học, vận động xã hội hóa thư viện trường học, củng cố tủ sách giáo khoa dùng chung, nhất là ở những trường thuộc miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo tất cả học sinh đều được tiếp cận, được đọc sách. Bổ sung, phát triển nhiều loại sách và ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong điều kiện kinh doanh, phục vụ nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chú trọng chất lượng sản phẩm dựa trên nhu cầu và tính cạnh tranh của thị trường, bảo đảm lành mạnh để vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa hoàn thành tốt nghĩa vụ về kinh tế, đồng thời vừa chủ động thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, hoạt động an sinh xã hội (từ năm 2008 đến năm 2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi cho hoạt động xã hội - từ thiện, ủng hộ sách cho các cơ sở Giáo dục, cho học sinh, gia đình thương binh, liệt sĩ, chính sách xã hội… có giá trị hàng trăm tỷ đồng). Do vậy, những năm qua và các năm tiếp theo, mục tiêu hướng tới là tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu đi đôi với củng cố, đổi mới hệ thống sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; nâng cao hơn nữa khả năng tự chủ, năng lực đầu tư vào lĩnh vực phù hợp; tiếp tục đổi mới, xắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả đi đôi với không ngừng nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động.

Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đi đôi với chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức, lấy việc noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, trước tiên của người đứng đầu cấp ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc. Thực hiện tốt công tác tư tưởng, tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất, khuyến khích đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động trong Đảng bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, thực hiện tốt phương châm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, lấy xây dựng Đảng về đạo đức để từ đó nâng cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.

Ghi nhận những thành quả và sự phấn đấu không ngừng qua hơn sáu thập niên, Đảng bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác. Và, điều trân quý hơn nữa chính là sự tín nhiệm của giáo viên, học sinh và xã hội nói chung đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - một tên tuổi, một thương hiệu luôn vì sự nghiệp trồng người, vì tương lai đất nước, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.

Vũ Đức Nam

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo

Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

[1] Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

[2] Nghị quyết số 29-NQ/TW, tài liệu đã dẫn.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/hanh-trinh-cung-su-nghiep-trong-nguoi/375443.vgp