Hành trình cứu trái tim lỗi nhịp cho bệnh nhi 16 tuổi
Ngồi bên hiên chờ tới lượt khám tim miễn phí, N.V.V, 16 tuổi, gầy gò, toàn thân tím nặng, mắt sung huyết, đôi môi tím khô khốc, từng ngón tay phình ra như dùi trống khiến Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường giật mình thảng thốt. Anh không hiểu sức mạnh nào khiến cậu bé mắc chứng chuyển gốc động mạch có thể sống sót từ khi mới chào đời tới giờ.
Hơn 16 năm trên hành trình đi khám miễn phí cho các trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, chứng kiến biết bao trái tim nhi bị lỗi nhịp, đưa về Hà Nội mổ gấp, nhưng lần này, với Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, cậu bé 16 tuổi ở Bắc Giang khiến anh đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Mang lại cuộc sống mới cho cậu bé mắc tim bẩm sinh
N.V.V (ở Bắc Giang), sinh năm 2008, được chẩn đoán mắc bệnh lý chuyển gốc động mạch. Đó là thời điểm, Bệnh viện Nhi Trung ương mới sơ khai mổ chuyển gốc động mạch.
Mẹ bé kể lại, phòng nằm có đến 5 bạn giống tình trạng bệnh của con mình. Bác sĩ cảnh báo trước, phần lớn những bạn mắc bệnh này, nếu không được mổ sẽ mất 2-3 tháng sau sinh. Chừng 3 tháng sau, 4/5 bạn cùng phòng con chị đã không qua khỏi. Chỉ có con trai chị, tiếp tục vượt qua được và nuôi tiếp hy vọng cho mẹ và gia đình về một ngày nào đó có phép lạ xảy ra.
Vét được chút tiền cỏn con, khi nào con quá mệt, chị mới đưa con đi khám. Ở nhiều bệnh viện đưa con tới, hy vọng của chị ngày càng ít dần vì các bác sĩ đều lắc đầu do đến “muộn”. Chị nén lòng nhìn con nghĩ: “Thôi ở nhà vậy, sống được bao lâu thì sống”.
Tháng 6/2024, đỉnh hè khiến hơi nóng khô khan phả hầm hập vào mặt. Ngồi bên phía hiên bệnh viện chờ khám, đứa trẻ gây ấn tượng mạnh với cả đoàn bác sĩ. Đứa trẻ mảnh khảnh, nhưng tím như quả bồ quân. Nhất là đôi môi cậu bé tím như đứa trẻ vừa ăn cả cân sim rừng. Đôi bàn tay vầy vò vào nhau, từng ngón tay to bất thường, các đầu móng biến dạng, thâm tím. Thi thoảng nói chuyện với mẹ, cậu bé cười, nhưng đôi mắt luôn trong tình trạng sung huyết, đỏ pha lẫn đen.
“Con vẫn đi học, đi làm đồng giúp mẹ, chỉ thi thoảng khó thở”, mẹ V. nói khi bác sĩ Trường khai thác tiền sử. Tình trạng suy tim 16 năm khiến cơ thể đứa trẻ không phát triển bình thường do tình trạng thiếu ô-xy nặng, ảnh hưởng tới cơ quan nội tạng, đặc biệt là đường ruột kém phát triển. Để thích nghi với tình trạng này, cơ thể đứa trẻ tự tăng huyết sắc tố để tăng vận chuyển oxy trong máu, vì thế gây ra tình trạng tím tái toàn thân.
Mẹ T. thổn thức bảo, thương con gắng sức để duy trì sự sống nhiều năm qua, nhưng chị bất lực vì nhà rất khó khăn. Bác sĩ Trường nhìn đứa trẻ thương cảm rồi nói: “Cho bạn về Hà Nội mổ, các bác sẽ có cách sửa tim cho cháu”.
Đây là một trường hợp đặc biệt, được các bác sĩ tìm thấy khi khám sàng lọc miễn phí bệnh tim cho trẻ em dưới 18 tuổi chương trình “Trái tim cho em” của Tập đoàn Viettel và Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam tại Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang.
Khoảng 1,5 tháng sau, bệnh nhân được hẹn lịch xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để làm các thủ tục mổ sửa chữa tim. Những xét nghiệm cận lâm sàng trước phẫu thuật khiến cả ê-kíp e ngại.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy bệnh nhân nào có máu đặc đến vậy. Chỉ số huyết sắc tố của người bình thường là 40-41% thì cậu bé này vượt ngưỡng 75-80%. Chỉ số này khiến trẻ có nguy cơ tắc mạch não.
Một nguy cơ nữa, nếu trong khi phẫu thuật xảy ra tình trạng chảy máu nhiều, chúng tôi sẽ phải truyền rất nhiều máu và dịch, có thể gây ra tình trạng máu loãng, khiến trẻ sẽ không thích nghi được gây thiếu máu cho não cũng như các tạng quan trọng trong cơ thể. Nếu lượng huyết sắc tố đưa về bình thường thì với em bé, chúng tôi lo ngại những ảnh hưởng đến nguy cơ tổn thương bộ não, khả năng tưới máu não, tưới máu tạng. Nếu thay đổi đột ngột có thể sốc, tử vong”, bác sĩ Trường chia sẻ.
Với trường hợp muộn này, bác sĩ Trường bảo, các phương pháp phẫu thuật được coi là chuẩn mực, kinh điển không còn phù hợp. Họ phải dùng phương pháp mới để can thiệp, đảo dòng máu trong quả tim làm mức độ bão hòa oxy trong máu trở về như bình thường để trẻ vận động bình thường sau mổ.
Từng can thiệp cho những em bé sinh non, trái tim chỉ như một quả nho nhỏ xíu, với trường hợp T. việc can thiệp tim mạch không gặp khó khăn gì.
Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, thông tim để đánh giá toàn trạng và được chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất trước khi bước vào cuộc mổ. Chiều ngày 30/7/2024, bé N.V.V được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường và các đồng nghiệp tiến hành phẫu thuật.
“Chúng tôi phải vá lỗ thông liên nhĩ, tạo hình van động mạch phổi và động mạch chủ, đồng thời chuyển các đại động mạch về vị trí bình thường. Đây là ca mổ rất khó khăn, mọi thao tác đều cần độ chính xác cao, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh gây hẹp các đường vào và đường thoát của tim, đồng thời giảm tối đa nguy cơ loạn nhịp sau phẫu thuật, tránh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ", bác sĩ Trường cho hay.
Rất may trong quá trình mổ, T. không chảy máu, huyết sắc tố có giảm, nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn. Quá trình phẫu thuật và hồi sức đều tương đối thuận lợi.
Sau mổ, các bác sĩ cố gắng giữ huyết sắc tố 65%, sau đó để tự cơ thể bé tự thích nghi và điều chỉnh. Sau phẫu thuật, bệnh nhi trở lại hồng hào ngay lập tức. Về mặt sinh lý, quả tim của bé hoạt động bình thường, thời gian sống hoàn toàn kéo dài hơn rất nhiều. Những trường hợp như T. trước đây không có khả năng điều trị vì quá muộn thì nay với sự phát triển của y học, hoàn toàn can thiệp để đưa bé trở về cuộc sống bình thường.
“Bạn ấy sống khỏe được đến 16 tuổi đúng là kỳ diệu của tạo hóa, là một trường hợp vô cùng hiếm trong y học tại Việt Nam cũng như thế giới. Tôi nghĩ, số phận đã mỉm cười với em”, bác sĩ Trường thở phào sau ca phẫu thuật cân não.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Điều trị tích cực Ngoại Tim mạch để hồi sức sau mổ. Quá trình hồi sức của trẻ cũng khá phức tạp do trẻ bị tím trong nhiều năm, máu bị cô đọng nhiều nên nguy cơ tắc mạch hoặc chảy máu trong và sau mổ cao hơn so với các trường hợp khác. Vì vậy, các bác sĩ đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc đặc biệt, kiểm soát độ cô đặc máu, đông máu, cũng như hô hấp, đường thở cho bệnh nhi để đảm bảo các chức năng về huyết động và chức năng các tạng. Ngày 12/8, bệnh nhi N.V.V được ra viện trong niềm hân hoan, hạnh phúc của các bác sĩ và gia đình.
Hơn hai tháng sau phẫu thuật, N.V.V trở lại viện với một sức khỏe tốt, da dẻ hồng hào hơn. Mẹ V. hạnh phúc bảo, con đã trở lại đi học bình thường và còn có thể leo núi chặt củi, làm nhiều việc giúp đỡ gia đình, bé cũng vui vẻ, tự tin hẳn so với trước kia.
Không để ai bị sót bên lề
Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình một năm phẫu thuật cho khoảng 1.700 em mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó, trường hợp có cân nặng nhỏ nhất được can thiệp là trẻ sinh non chỉ 700-800gr.
Chuyển gốc động mạch là một khuyết tật nghiêm trọng của tim, xuất hiện ngay từ khi mới sinh ra, làm thay đổi đường máu lưu thông khắp cơ thể, gây ra tình trạng thiếu oxy trong máu đi từ tim đến các phần còn lại của cơ thể. Tỷ lệ tử vong của trẻ mắc bệnh là 30% trong tuần đầu sau sinh, 50% trong tháng đầu và 90% trong năm đầu tiên.
Mỗi năm, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cho khoảng 50-60 trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch, với tỷ lệ thành công ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Trẻ sau phẫu thuật được cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều, học tập, sinh hoạt như trẻ bình thường và không cần đến bệnh viện khám liên tục.
Gần đây, ngồi nhiều hội đồng hội chẩn, bác sĩ Trường thấy rất tâm tư khi nhiều trường hợp mắc tim bẩm sinh được các đơn vị tư vấn bỏ thai.
Một sản phụ, có thai 20 tuần tuổi được chẩn đoán thai nhi thiểu sản thất trái. Gia đình cho con đi gặp các chuyên gia xuất sắc nhất cả nước, sang Singapore 3 lần… đều được khuyên bỏ thai.
Tuy nhiên, từ góc độ là bác sĩ phẫu thuật cho nhiều trường hợp tim nhi bẩm sinh, bác sĩ Trường cho biết, khi siêu âm thai nhi ở Trung tâm Tim mạch Nhi, thì khả năng cao là bào thai có hai tâm thất cân đối, động mạch chủ bị gián đoạn, tim hơi xoay bất thường nên có thể các bác sĩ siêu âm tim thai không nhìn thấy hết tổn thương.
“Chúng tôi khuyên sản phụ vẫn giữ thai và đang theo dõi. Thai nhi vẫn đang phát triển bình thường, dự kiến hơn một tháng nữa chào đời. Khi đó, chúng tôi sẽ có hướng xử lý ngay sau khi đón em bé”, bác sĩ Trường chia sẻ.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm tiến hành khoảng 1.700 ca mổ tim, trong đó, riêng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường cầm dao phẫu thuật cho khoảng 700 trường hợp. Trên hành trình giúp các em nhỏ không may chào đời có tim lỗi nhịp, các bác sĩ tại Trung tâm luôn nỗ lực cập nhật những kỹ thuật tiên tiến nhất để mang lại cuộc sống tươi đẹp cho các em.
Về chất lượng trong quá trình điều trị, kết quả mổ tim của Trung tâm thuộc Top đầu trong khu vực Đông Nam Á, tương đương với kết quả tại các Trung tâm Tim mạch của Hoa Kỳ, với tỷ lệ thành công chung là 98% ở tất cả các trường hợp phẫu thuật, kể cả những ca phức tạp nhất.
Ở Việt Nam, phẫu thuật tim mới phát triển thời gian ngắn 10-15 năm. Bởi vậy, có không ít em sinh ra từ 10-15 năm, có thể bị bỏ sót. Bởi vậy, trên hành trình tham gia chương trình hỗ trợ phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh miễn phí cũng như khám sàng lọc cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi ở Việt Nam, bác sĩ Trường luôn mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho những em nhỏ để em có cuộc sống bình thường nếu không may mắc bệnh tim.
“Trong 16 năm tham gia chương trình "Trái tim cho em", tôi thấy mình thật may mắn được đồng hành cùng chương trình nhằm giúp thêm hơn nữa cho nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh và điều kiện khó khăn”, bác sĩ Trường tâm sự.