Hành trình đem hy vọng, tri thức cho học trò vùng đất đỏ của thầy giáo Lịch sử

Thầy Tùng nhớ lại, trong những ngày đầu về Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, thầy gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động học sinh đến lớp.

Ngày Nhà giáo Thế giới, tổ chức vào ngày 5/10 hàng năm, là sự kiện quốc tế do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) khởi xướng vào năm 1994 nhằm tôn vinh vai trò của giáo viên trên toàn cầu. Ngày này nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo viên trong việc hình thành xã hội và phát triển giáo dục, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ cho giáo viên để đáp ứng nhu cầu giáo dục của thế hệ tương lai.

Theo UNESCO, năm 2024, Ngày Nhà giáo Thế giới sẽ tập trung vào chủ đề “Trân trọng tiếng nói của giáo viên: Hướng tới một khế ước xã hội mới về giáo dục”. Lễ kỷ niệm năm nay sẽ nhấn mạnh vai trò then chốt của giáo viên trong việc định hình tương lai của giáo dục và nhu cầu cấp thiết trong việc kết hợp quan điểm của họ vào chính sách giáo dục và quá trình ra quyết định. [1]

Thầy Vũ Văn Tùng, giáo viên Lịch sử tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai là một minh chứng sống động cho giá trị của tiếng nói giáo viên. Với hơn 15 năm gắn bó tại vùng cao, trong đó có gần 8 năm gắn bó với điểm trường miền núi khó khăn, thầy đã kiên trì cống hiến, mang lại sự thay đổi tích cực cho học sinh nơi đây.

Thầy Tùng đã không chỉ làm tròn trách nhiệm giảng dạy mà còn chủ động đưa ra những sáng kiến để thay đổi cuộc sống của học sinh và gia đình những học sinh đó. Tiếng nói và hành động của thầy trong việc giáo dục tại vùng khó khăn thể hiện sự cần thiết của việc lắng nghe và kết hợp quan điểm của giáo viên vào chính sách giáo dục để tạo ra thay đổi bền vững.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thầy đã góp phần thay đổi cuộc sống của học sinh và gia đình các em, mang lại hi vọng và tri thức cho những học trò nhỏ.

 Thầy Vũ Văn Tùng (đứng giữa), giáo viên Lịch sử Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: NVCC

Thầy Vũ Văn Tùng (đứng giữa), giáo viên Lịch sử Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: NVCC

Hành trình mang học trò đến với con chữ

Dù phải đối mặt với nhiều thử thách, từ việc vượt 40km mỗi ngày để đến trường, đến việc vận động học sinh đi học trong hoàn cảnh kinh tế và nhận thức xã hội còn hạn chế, thầy Vũ Văn Tùng vẫn luôn kiên trì với tình yêu thương và trách nhiệm.

Đặc biệt, có lúc thầy từng định xin chuyển công tác về gần nhà, nhưng chỉ với lời nói chân thành "Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng con" của học sinh, thầy đã quyết định ở lại, tiếp tục cống hiến cho vùng đất đỏ Tây Nguyên.

Thầy Tùng nhớ lại, trong những ngày đầu về nhận công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, thầy gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động học sinh đến lớp. Trường nằm giữa vùng sâu của xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, nơi hầu hết cư dân là người dân tộc Ba Na với lối sống khép kín và còn hạn chế về nhận thức giáo dục. Đối với họ, việc học hành dường như không phải là ưu tiên khi những nhu cầu cơ bản như cơm ăn, áo mặc vẫn chưa được đảm bảo.

“Những năm đó, học sinh trong buôn làng đi học rất ít, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều ngày liền, tôi phải vào rừng, lên tận rẫy vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em đi học”, thầy Tùng tâm sự.

Nhiều phụ huynh thậm chí còn không hiểu việc học sẽ mang lại lợi ích gì cho con em mình, thường hỏi thầy: “Học có tiền không? Ở nhà đi làm còn có tiền”.

Đứng trước thử thách này, thầy Tùng không nản lòng, bởi thầy hiểu rằng thay đổi nhận thức là một quá trình dài hơi và cần sự kiên nhẫn. Ban đầu, mỗi lần đến nhà người dân vận động, thầy đều bị xua đuổi và nhận được những ánh mắt e dè, nghi ngại từ phía phụ huynh. Nhưng điều này không những không khiến thầy bỏ cuộc, mà còn càng làm quyết tâm thay đổi tư tưởng cho người dân của thầy ngày càng vững vàng.

Mỗi khi đến thăm, thầy mang theo lời khuyên nhẹ nhàng, kiên trì giải thích về tương lai của con trẻ khi được học hành, cũng như những lợi ích lâu dài của việc học đối với cộng đồng. Thầy cũng phối hợp với các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng để lan tỏa thông điệp và tạo dựng niềm tin với phụ huynh.

Có những ngày, thầy Tùng phải đi bộ hoặc chạy xe máy hàng chục cây số vào tận những bản làng xa xôi, đến từng nương rẫy để gặp gỡ phụ huynh. Để tạo lòng tin, thầy không chỉ thuyết phục bằng lời nói mà còn sẵn sàng ở lại làm việc cùng họ, chia sẻ những công việc nặng nhọc hàng ngày như trồng trọt, chăm sóc cây cối.

Thầy muốn gần gũi với họ, không chỉ với vai trò là một người thầy giáo đến vận động học sinh, mà là một người bạn đồng hành, hiểu và cảm thông với những khó khăn trong cuộc sống của người dân. Chính sự chân thành và bền bỉ ấy đã dần dần thay đổi nhận thức của một số gia đình. Nhiều phụ huynh bắt đầu đồng ý cho con đến lớp sau khi thấy được tấm lòng và sự quan tâm đặc biệt của thầy Tùng dành cho con cái họ.

“17 năm công tác tại vùng khó khăn, thường xuyên phải xa gia đình, bản thân tôi cũng có những lúc gặp phải vô vàn áp lực. Tuy nhiên, những lúc ấy, tôi lại tự hỏi: Vì sao mình chọn nghề giáo? Vì sao mình lại chọn điểm đến ở một vùng khó khăn?,…Đơn giản thôi, mình yêu nghề giáo, mình cũng từng xuất thân là học trò nghèo vùng khó, cũng từng nhận được sự dạy dỗ, cưu mang của thầy cô, bạn bè và của toàn xã hội. Thế nên, khi mang trên mình trọng trách của nhà giáo, mình luôn xác định phải đặt chữ tâm, đức của người thầy lên trên hết. Đó cũng là cách mà tôi dùng để giữ vững tinh thần và động lực trong công việc”, thầy Tùng chia sẻ.

Có thực mới vực được đạo

Những thử thách mà thầy Vũ Văn Tùng gặp phải không chỉ ở việc vận động học sinh đến lớp, mà còn là nỗi lo về sự chuyên cần của các em. Khi đã đến trường, không ít học sinh vẫn bỏ về giữa buổi mà không quay lại. Trăn trở về vấn đề này, thầy Tùng kiên trì tìm hiểu và phát hiện ra nguyên nhân chính là do các em không có gì ăn vào buổi sáng. Nhiều học sinh phải nhịn đói đến lớp, nên giữa buổi học, cái đói thôi thúc các em trốn về nhà kiếm ăn. Có những em sau khi đã ăn no lại không dám quay lại trường vì sợ bị thầy cô trách phạt, trong khi một số khác lại đi theo bố mẹ lên nương rẫy, bỏ dở việc học giữa chừng.

Nhận thức sâu sắc rằng không thể để các em mang cái bụng đói đến trường, vào cuối năm 2021, thầy Tùng đã nảy ra sáng kiến “Tủ bánh mì 0 đồng” với mục tiêu hỗ trợ bữa sáng miễn phí cho học sinh nghèo tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp. Ban đầu, tủ bánh chỉ có khả năng cung cấp 60 ổ bánh mì mỗi tuần, hỗ trợ cho học sinh vào một buổi duy nhất.

Tuy nhiên, với sự ủng hộ và quan tâm từ cộng đồng, chỉ sau một tháng hoạt động, tủ bánh đã có thể phục vụ hơn 200 ổ bánh mỳ cho học sinh và tăng tần suất lên ba buổi mỗi tuần. Đều đặn vào mỗi sáng thứ Hai, thứ Tư, và thứ Sáu, học sinh được nhận bữa sáng đầy đủ, giúp các em có thêm động lực đến lớp, không còn lo lắng về cái đói mỗi buổi học.

 Học sinh của thầy Vũ Văn Tùng tham gia phân phát bánh mì cho các em nhỏ. Ảnh: NVCC

Học sinh của thầy Vũ Văn Tùng tham gia phân phát bánh mì cho các em nhỏ. Ảnh: NVCC

Không dừng lại ở việc giải quyết vấn đề bữa ăn sáng, thầy Tùng còn triển khai mô hình "Trao sinh kế cho học trò nghèo", với mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững cho gia đình các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thầy Tùng đã vận động kinh phí từ các nhà tài trợ để mua 8 con bò giống với số tiền hơn 120 triệu đồng. Những con bò này được một gia đình trong bản hỗ trợ chăm sóc và nhân giống, giúp tạo ra nguồn thu nhập bền vững. Đến nay, các vật nuôi đã sinh sản tốt, và thầy Tùng đã trao tặng thêm 18 con bò và dê sinh sản có trị giá hơn 200 triệu đồng cho 18 học sinh nghèo tại trường và các vùng lân cận.

Sau ba năm triển khai, ngoài việc đảm bảo bữa sáng cho học sinh, thầy Tùng còn giúp xây dựng ba căn nhà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng trị giá hơn 200 triệu.

 Thầy Vũ Văn Tùng trao tặng mái ấm và vật nuôi cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bản. Ảnh: NVCC

Thầy Vũ Văn Tùng trao tặng mái ấm và vật nuôi cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bản. Ảnh: NVCC

Những dự án này không chỉ giúp các gia đình học sinh có thêm kinh tế để trang trải cuộc sống, mà còn góp phần giữ chân các em học sinh ở lại trường. Phụ huynh, từ chỗ băn khoăn về giá trị của việc học, nay đã phấn khởi, tích cực phối hợp với nhà trường để con em mình được tiếp tục học tập.

Thầy Tùng cho biết, thầy vẫn luôn không ngừng ấp ủ những dự định lớn hơn cho tương lai. Hiện tại, thầy đang xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” và “Trao sinh kế cho học trò nghèo” với quy mô lớn hơn, nhằm tăng cường sự tham gia của các trường học và các tổ chức đoàn thể, công đoàn. Thầy mong rằng những sáng kiến này sẽ ngày càng hỗ trợ được nhiều học sinh hơn nữa, giúp các em vững bước trên con đường học vấn và mở ra tương lai tươi sáng hơn.

Tại đây, thầy được người dân gọi bằng cái tên thân thương "Đinh Tùng". Cái tên này gắn liền với hành trình bám bản, bám làng của thầy. Những ngày thầy cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào dân tộc Ba Na đã khiến thầy trở thành một phần của cộng đồng. Bà con nơi đây đã coi thầy như một người con của buôn làng, và từ đó, cái tên "Đinh Tùng" – với họ Đinh của người Ba Na – trở thành biểu tượng cho sự gắn bó của thầy với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió này.

Sự chuyển mình ngoạn mục

Những nỗ lực không ngừng của thầy Vũ Văn Tùng đã mang lại nhiều thành quả cho Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp. Từ những ngày đầu thầy phải lặn lội vào tận rừng, rẫy để vận động từng học sinh ra lớp, với những lớp học chỉ có lèo tèo vài em, đến nay, trường đã có 14 lớp học với xấp xỉ 400 học sinh.

“Phụ huynh học sinh, từ chỗ nghi ngại về giá trị của việc học, đã dần nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục và chủ động phối hợp với nhà trường để đưa con em mình đến lớp đều đặn. Không chỉ dừng lại ở việc duy trì sĩ số, trường còn có những học sinh mũi nhọn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Những kết quả này là động lực lớn lao để tôi cùng tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường tiếp tục quyết tâm bám bản, bám làng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ giáo dục được giao”, thầy Tùng bày tỏ.

Trước khi trở thành giáo viên, thầy Tùng cũng từng trải qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Những khó khăn ấy đã tôi luyện tinh thần của thầy, giúp thầy không chỉ sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách trong công việc mà còn luôn dốc hết tâm huyết và tình yêu thương để giáo dục học trò. Với thầy, giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là nuôi dưỡng những con người có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với Tổ quốc.

Thầy Tùng luôn khắc ghi câu nói “Cô giáo như mẹ hiền” và lấy đó làm kim chỉ nam cho hành trình dạy học của mình. Đối với thầy, điều quan trọng nhất để một giáo viên có thể gắn bó lâu dài và tạo ra ảnh hưởng sâu sắc tới học trò là khả năng vượt qua khó khăn, không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm và phục vụ cộng đồng. Thầy luôn quan tâm học trò như một người cha, một người mẹ, trở thành tấm gương sáng để các em noi theo.

 Thầy Vũ Văn Tùng trao quà cho học trò trong chương trình Tết yêu thương. Ảnh: NVCC

Thầy Vũ Văn Tùng trao quà cho học trò trong chương trình Tết yêu thương. Ảnh: NVCC

Những lớp học trò của thầy Tùng đã trưởng thành, nhiều em trở thành niềm tự hào không chỉ của thầy cô mà còn của gia đình và xã hội. Điển hình như em Trương Thị Thúy Vân, hiện là sinh viên năm cuối khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, hay em Nay H’ Lại, học sinh lớp 7 Trường Đinh Núp. Dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, em H’ Lại vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn khác noi theo.

Thầy Tùng tin tưởng rằng, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng trong thời gian qua, tương lai giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số sẽ có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để tạo cơ hội bình đẳng hơn cho các em, thầy cho rằng cần đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, xóa dần khoảng cách giữa giáo dục vùng khó và vùng thuận lợi. Đặc biệt, việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ nguồn là người dân tộc thiểu số sẽ là chìa khóa quan trọng để phát triển bền vững nền giáo dục tại các vùng này.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://www.unesco.org/en/articles/world-teachers-day-2024-and-eighth-edition-awarding-unesco-hamdan-prize-teacher-development

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hanh-trinh-dem-hy-vong-tri-thuc-cho-hoc-tro-vung-dat-do-cua-thay-giao-lich-su-post245771.gd