Hành trình đi tìm giá trị đích thực của việc học

Đỗ Ngọc Linh (sinh năm 2005) là sinh viên năm 2 Học viện Ngoại giao. Cô từng coi thành tích là tất cả, tin rằng mỗi giải thưởng là minh chứng cho sự nỗ lực và thành công của mình. Nhưng khi đạt được những điều đó, Linh cảm thấy trống rỗng. Giữa không gian tĩnh lặng, cô tự hỏi: 'Tại sao mình học nhiều như vậy? Đây có thực sự là điều mình mong muốn?' Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của Linh về hành trình tìm kiếm giá trị đích thực của việc học.

Ngọc Linh với vai trò Gương mặt sinh viên trong chương trình Tư vấn tuyển sinh Học viện Ngoại giao.

Ngọc Linh với vai trò Gương mặt sinh viên trong chương trình Tư vấn tuyển sinh Học viện Ngoại giao.

Từng là học sinh đội tuyển trong suốt 7 năm trung học, mình sống trong thế giới khép kín của sách vở, lao vào những cuộc thi học thuật và luôn tự áp lực bản thân phải đạt kết quả cao nhất. Mỗi ngày của mình là lịch trình lặp đi lặp lại từ sáng đến tối muộn: học ở trường, học thêm, luyện thi đội tuyển, và tự giải đề. Mình yêu thích việc chinh phục kiến thức và gặt hái thật nhiều thành tích, nhưng đồng thời cũng tự thu hẹp thế giới của mình lại, chỉ xoay quanh học hành. Thậm chí mình đã từng “được” ngồi học một mình tại phòng riêng trên trường, đôi khi còn ngủ quên đến buổi chiều muộn, để rồi giật mình tỉnh dậy giữa ánh hoàng hôn le lói qua cửa sổ, chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc và ánh đèn học vàng vọt xung quanh. Cảm tưởng như mình đã lạc vào một thế giới tĩnh lặng, nơi thời gian chầm chậm trôi mà không chờ đợi bất kỳ ai. Những tia nắng cuối ngày dường như nhắc nhở mình rằng, ngoài kia, cuộc sống vẫn tiếp tục, trong khi mình vẫn còn mắc kẹt trong guồng quay của bài vở và những mục tiêu chưa bao giờ dừng lại.

Đáp án không đến từ một cuốn sách hay một bài giảng nào cả, mà từ chính những khoảnh khắc đời thường mà trước đây mình vô tình bỏ qua. Đó là những buổi chiều tan học, khi nhìn thấy bạn bè cười đùa vui vẻ, rủ nhau đi chơi, trong khi mình vẫn ngồi lại, lặng lẽ cặm cụi với những bài tập chưa giải xong. Đó là những lần mình từ chối tham gia những cuộc gặp gỡ, những hoạt động ngoại khóa chỉ vì lo sợ mình sẽ mất thời gian để ôn luyện thêm.

Chiến dịch đấu giá tranh ủng hộ đồng bào bão lũ do Ngọc Linh vẽ và khởi xướng.

Chiến dịch đấu giá tranh ủng hộ đồng bào bão lũ do Ngọc Linh vẽ và khởi xướng.

Mỗi lần làm vậy, mình lại tự nhủ rằng, “Sẽ còn nhiều cơ hội khác”, nhưng đâu biết rằng những khoảnh khắc mình lướt qua ấy sẽ không trở lại, mình sẽ cầm trong tay rất nhiều thành tích nhưng lại không có những khoảnh khắc hồn nhiên nhất của tuổi trẻ, những ngày tháng rạng rỡ nhất bên những người bạn. Dần dần, đứng giữa những thành tích lấp lánh, hào nhoáng mình đạt được, mình bắt đầu cảm thấy thiếu vắng những sự vô tư của tuổi 18 nhận thấy một khoảng trống ngày càng lớn dần.

Bạn sinh viên với niềm yêu thích dành cho môn Lịch sử và những dấu ấn văn hóa truyền thống.

Bạn sinh viên với niềm yêu thích dành cho môn Lịch sử và những dấu ấn văn hóa truyền thống.

Giữa bộn bề của cuộc sống và đôi lúc cảm thấy mệt mỏi trong cuộc chạy đua với thành tích, mình có đang thực sự hạnh phúc với những thành tích mình đạt được và rồi bỏ lỡ quá nhiều những khoảnh khắc đẹp nhất, rực rỡ nhất của tuổi trẻ. Mình bắt đầu nhận ra rằng, học tập là không giới hạn mà là một hành trình dài phấn đấu nhưng tuổi trẻ hồn nhiên vô tư vui đùa cùng bạn bè chỉ có một. Khi mình nhận thấy có những khoảng cách “thế hệ” giữa những người bạn đồng trang lứa, có sự xa cách trong mỗi cuộc trò chuyện cùng bạn bè và mình với những người bạn thân thiết trở nên xa cách. Vùi đầu theo đuổi đích đến mình đã vô tình quên đi gia đình, ít dần những lần tâm sự, những sự quan tâm với ba mẹ, những người luôn yêu thương mình. Mình bắt đầu cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa những thành tích hào nhoáng mà mình theo đuổi. Giữa những ánh hào quang rực rỡ đó, mình tự hỏi: liệu mình đang sống thực sự hay chỉ đang tồn tại giữa những trang sách?

Nữ sinh bày tỏ, tham gia vào ngày hội DAV Open House, được tiếp xúc và trò chuyện với các em, mình cảm nhận được nhiều năng lượng cùng niềm hạnh phúc khi có thể đưa ra tư vấn tốt nhất cho các em.

Nữ sinh bày tỏ, tham gia vào ngày hội DAV Open House, được tiếp xúc và trò chuyện với các em, mình cảm nhận được nhiều năng lượng cùng niềm hạnh phúc khi có thể đưa ra tư vấn tốt nhất cho các em.

Rồi một ngày, mình quyết định bước ra khỏi chiếc kén an toàn bấy lâu nay vẫn ôm chặt lấy mình. Lần đầu tiên, mình cho phép bản thân thử sức với một hoạt động ngoại khóa – điều mà trước đây mình từng coi là vô ích, lãng phí thời gian. Nhưng chính lúc ấy, mình nhận ra rằng, đôi khi những điều tưởng chừng như nhỏ bé lại mở ra cả một thế giới mới, một thế giới mà mình chưa từng khám phá giữa guồng quay học tập không ngừng. Ai cũng có lần đầu tiên với những cảm xúc mới mẻ, bỡ ngỡ mình cũng vậy mọi thứ với mình thật mới lạ nhưng mình nhận ra trải nghiệm là những thứ mình sẽ không bao giờ đọc được trong sách và sẽ không ai mang đến cho mình những tư liệu quý giá ấy. Những cuộc trò chuyện chân thành, những cảm xúc sẻ chia, và cả những lần thất bại nhưng vẫn nhận được sự khích lệ từ mọi người xung quanh – tất cả đều mở ra một thế giới mới. Một thế giới mà mình không cần phải luôn là người giỏi nhất, nhưng vẫn cảm thấy giá trị của bản thân trong từng mối quan hệ, từng khoảnh khắc.

Ngọc Linh có thêm thật nhiều trải nghiệm đẹp với hoạt động ngoại khóa của khoa Kinh tế Quốc tế.

Ngọc Linh có thêm thật nhiều trải nghiệm đẹp với hoạt động ngoại khóa của khoa Kinh tế Quốc tế.

Mình hiểu ra rằng học không chỉ là tích lũy tri thức, mà còn là học cách sống – cách yêu thương, cách kết nối, và đặc biệt là cách hiểu và chấp nhận bản thân. Những gì mình từng nghĩ là thành tích không phải là đích đến cuối cùng, mà chỉ là một phần nhỏ trong hành trình rộng lớn hơn. Học để trở thành một con người toàn diện không chỉ là giỏi về kiến thức, mà còn là giàu có về trái tim và tâm hồn. Và đó mới là giá trị thật sự của việc học, của cuộc sống.

Và đến bây giờ, khi trực tiếp điều hành và giảng dạy lịch sử cho các em nhỏ tại trung tâm Quốc Sử Quán, mình muốn truyền tới từng em ý nghĩa của việc học như những gì mình đã trải qua. Không chỉ là những con số hay sự kiện khô khan, mà là câu chuyện về con người, về sự kiên trì và niềm đam mê trong hành trình khám phá quá khứ. Điều mình muốn không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là khơi dậy trong các em niềm yêu thích học tập, để mỗi em hiểu rằng học không phải chỉ là để đạt được kết quả cao, mà là để hiểu biết hơn, để yêu thương và kết nối với thế giới xung quanh. Và trên hành trình ấy, có tình yêu với tri thức sẽ là ánh sáng dẫn lối, giúp các em không chỉ giỏi về kiến thức mà còn phong phú về trái tim.

Một số thành tích tiêu biểu của Ngọc Linh:

Thủ khoa đầu vào phương thức xét tuyển sớm ngành Kinh doanh Quốc tế;

Khối trưởng Khóa 50 Khoa Kinh tế Học viện Ngoại giao DAV’s Leader 2023;

Huy chương Vàng chung kết cuộc thi Genius Olympiad - lĩnh vực Business;

Huy chương Đồng International Youth Business Competition;

Giải Nhì quốc gia Vietnam Economics Olympiad 2022;

Giải Nhất cuộc thi Học sinh giỏi Lịch sử thành phố Hà Nội;

Giành học bổng toàn phần học phí (full tuition scholarship) của nhiều trường đại học Mỹ;

Học bổng trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam;

Huy chương Bạc cuộc thi Toán Singapore and Asean Schools Math Olympiad; Huy chương Đồng cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học cấp Quốc gia,...

Gương mặt sinh viên Học viện Ngoại giao;

Cựu phó chủ tịch CLB Lãnh đạo trẻ Leaders of the future Organization;

Cựu phó chủ tịch CLB Kinh doanh Hanoi - Amsterdam Entrepreneurs Club.

(Ảnh: NVCC)

Tú Chân (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-di-tim-gia-tri-dich-thuc-cua-viec-hoc-post1678033.tpo