Hành trình giải cứu thanh niên lĩnh 2 án chung thân

Sau khi tuyên hai án chung thân đối với một thanh niên, vị thẩm phán cảm thấy day dứt vì hệ thống tư pháp lỗi thời buộc ông phải làm vậy.

Suốt gần một thập niên, Chris Young nghĩ rằng anh chỉ có thể rời khỏi trại giam liên bang với giấy chứng tử. Chris lĩnh hai bản án tù chung thân không ân xá vì tội buôn ma túy. Lệnh ân xá của tổng thống là cơ hội duy nhất để anh ra khỏi tù trong tình trạng còn sống.

Bất ngờ thay, cựu Tổng thống Donald Trump đã ân xá Chris ở những giờ cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông vào ngày 20/1. Chris trở thành công dân tự do ở tuổi 32.

Khi bước xuống sân bay để trở về nhà ở bang Tennessee, người đàn ông 32 tuổi đã ôm người mà anh mới chỉ gặp một lần. Đó là vị thẩm phán đã tuyên anh hai án tù chung thân.

"Ông ấy là thẩm phán Kevin Sharp. Bản thân tôi biết ông ấy không muốn làm vậy. Hệ thống tư pháp Mỹ buộc ông ấy phải tuyên án như thế", Chris nói với CNN.

Bản án khiến vị thẩm phán day dứt

Hai người gặp nhau lần đầu vào năm 2014, khi Chris mặc bộ trang phục màu cam của tù nhân trong phòng xử án. Mặc dù là thẩm phán, Kevin không có thực quyền để quyết định số phận Chris.

Cảnh sát bắt Chris khi anh mới 22 tuổi. Anh là một trong hàng chục nghi phạm mà cảnh sát bắt trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở thành phố Clarksville, bang Tennessee, Mỹ vào năm 2010.

Không giống với những nghi phạm khác, Chris không thương lượng với cảnh sát để hưởng mức án nhẹ hơn. Anh yêu cầu xét xử và tuyên bố vô tội trước tòa án liên bang. Lúc ấy Chris nghĩ rằng, nếu tòa án kết luận anh phạm tội, mức án tối đa sẽ là 5-6 năm tù.

 Chris Young (mặc áo trắng) và cựu thẩm phán liên bang Kevin Sharp trong buổi phỏng vấn với CNN tại thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ vào ngày 28/1. Ảnh: CNN.

Chris Young (mặc áo trắng) và cựu thẩm phán liên bang Kevin Sharp trong buổi phỏng vấn với CNN tại thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ vào ngày 28/1. Ảnh: CNN.

Song, Chris từng phạm luật ở mức thấp với ma túy khi còn là thiếu niên. Với lần này, anh đã phạm luật liên quan tới ma túy lần thứ ba.

Luật pháp liên bang quy định một công dân phải nhận án chung thân nếu phạm tội ma túy ba lần, bất kể mức độ vi phạm. Đây là luật mà Quốc hội Mỹ thông qua để đối phó làn sóng buôn ma túy tràn lan hồi thập niên 80.

Thay vì mức án 5-6 năm theo dự đoán của Chris, thẩm phán Kevin Sharp buộc phải tuyên hai án chung thân.

"Tôi phải tuyên án theo mệnh lệnh của cấp trên. Đó không phải là công lý", thẩm phán Kevin Sharp thừa nhận.

Chris không phải là người đầu tiên hay cuối cùng mà thẩm phán Kevin buộc phải tuyên mức án mà ông không muốn. Nhưng vụ án của Chris đã ám ảnh ông.

Một hành trình mới

Kevin từ chức thẩm phán liên bang vào năm 2017. Nếu không từ chức, ông có thể tiếp tục tại vị tới cuối đời.

Cựu tổng thống Barack Obama đề cử Kevin vào năm 2011 và ông đã phải trải qua một loạt quy trình để nhận việc. Kevin kể rằng Nhà Trắng chọn người để đề cử cho vị trí thẩm phán liên bang.

Sau đó, Cục Điều tra liên bang sẽ xem xét lý lịch và đời tư của các ứng cử viên. Thượng viện cũng điều tra. Ứng viên sẽ điều trần trước Hạ viện rồi Thượng viện.

"Họ thực hiện những thủ tục đó để bảo đảm rằng chúng tôi có đủ năng lực và đạo đức để thực hiện công việc của một thẩm phán", Kevin tâm sự.

Chris nhận tin về quyết định thôi việc của thẩm phán Kevin Sharp khi mở hòm thư điện tử trong tù. Cựu tù nhân nói không oán trách Kevin vì đã tuyên án, vì anh hiểu đó là quy định của luật pháp. Nhưng anh cảm thấy bất ngờ khi biết lý do Kevin từ chức.

"Quả thực ông ấy đã hành động rất dũng cảm khi rời khỏi tòa án. Kevin cảm thấy nhiều bản án có yếu tố vô nhân đạo, bất công. Tôi luôn kính trọng và ngưỡng mộ ông ấy vì việc ấy", anh tâm sự.

 Nữ luật sư Brittany Barnett, người đấu tranh cho tự do của Chris Young. Ảnh: CNN.

Nữ luật sư Brittany Barnett, người đấu tranh cho tự do của Chris Young. Ảnh: CNN.

Sau khi từ chức, Kevin Sharp gia nhập một công ty luật để xử lý các vụ án dân sự. Trong một cuộc phỏng vấn với một báo ở bang Tennessee về quyết định thôi chức thẩm phán, ông chỉ trích mức án tối thiểu bắt buộc và nhắc đến trường hợp của Chris Young - vụ án khiến lương tâm ông day dứt nhất.

"Thực sự tôi chẳng biết làm gì để giúp Chris Young cho tới khi tôi nhận cuộc gọi từ Brittany K. Barnett, luật sư của Chris", cựu thẩm phán kể.

Brittany K. Barnett đã đọc tuyên bố của Kevin trên báo và quyết định gọi điện thoại tới cựu thẩm phán để nói với ông rằng cô sẽ đưa vụ của Chris ra tòa lần nữa.

Cơ hội mong manh

Brittany K. Barnett từng là một luật sư doanh nghiệp trước khi chuyển sang bảo vệ những người lĩnh án oan. Cô là người đồng sáng lập Buried Alive Project - một nhóm luật sư và người ủng hộ công bằng tư pháp có nguyện vọng cứu những tù nhân lĩnh án oan bởi các luật lỗi thời.

"Brittany K. Barnett bay tới đây và chúng tôi ngồi tại một quán cà phê. Tại đây, cô ấy nói về kế hoạch cứu Chris Young", cựu thẩm phán liên bang kể.

Họ không tìm ra bất kỳ điểm nào trong vụ án của Chris để kháng cáo. Vì thế, Brittany K. Barnett nhận định cách duy nhất để Chris có thể ra khỏi trại giam là lệnh ân xá của tổng thống.

Cô từng giúp một số tù nhân chấp hành án chung thân ra tù nhờ lệnh ân xá. Tất cả tù nhân mà cô giúp đều phạm tội phi bạo lực. "Đương nhiên, cơ hội của Chris Young rất mong manh. Cậu ấy phải xếp sau khoảng 14.000 tù nhân xin ân xá", Kevin Sharp bình luận.

Kỳ 2: Cơ hội giải cứu Chris Young diễn ra thế nào?

Kiến Văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-giai-cuu-thanh-nien-linh-2-an-chung-than-post1187975.html