Hành trình giảm cân của người đàn ông nặng 212 kg
Mất công việc chính, khó khăn khi di chuyển, bị mọi người kỳ thị vì quá béo, Vasoo Kesevan quyết tâm giảm cân. Tuy nhiên, quá trình này không đơn giản.
Lúc nặng nhất, Vasoo Kesevan, 47 tuổi, ở Singapore, nặng 212 kg. Ngay cả trước thời điểm này, ông cũng đã bị béo phì.
Bất cứ khi nào đưa con đến sân chơi, ông có thể thấy một số phụ huynh nhìn mình, "như thể họ chưa từng thấy một người đàn ông to lớn nào trong đời trước đây".
"Một cậu bé, có thể học mẫu giáo hoặc tiểu học, đã nhìn tôi. Cậu bé nói với mẹ mình 'Hãy nhìn người đàn ông mập mạp này'. Người mẹ không nói gì", người đàn ông 47 tuổi nhớ lại trong một lần đang đợi taxi với 2 con.
Đây là một trong những câu chuyện mà Tan Chun Hai, chuyên gia tư vấn tại khoa Phẫu thuật tổng quá tại Bệnh viện Khoo Teck Puat (KTPH), từng gặp.
"Họ khó hòa nhập với xã hội. Họ chiếm nhiều hơn một chỗ ngồi trên xe bus và gặp khó khăn khi lên xe. Họ đi xung quanh và mọi người cười nhạo họ. Họ đối mặt với sự kỳ thị tâm lý xã hội về bệnh béo phì", bác sĩ Tan Chun Hai cho biết.
Vào thời điểm hầu hết bệnh nhân tới gặp ông, họ đã bị béo phì trong thời gian dài. Ông nói: "Họ đã thử 10-20 năm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Khi phải tới gặp bác sĩ, họ đã nhận ra mình không thể tự giảm cân hoặc duy trì chế độ giảm cân lâu dài".
Vấn đề với trọng lượng
Vasoo không phải là bệnh nhân bình thường vì ông có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 70. Điều này nghĩa là ông có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Đối với cơ thể người châu Á, chỉ số BMI > 37,5 biểu thị bệnh béo phì.
Khoảng 7-8 năm trước, ông Vasoo nặng 120 kg. Ông đã bị thừa cân từ những năm niên thiếu, nhưng lúc đó, ông cảm thấy nhẹ nhàng và vẫn vui vẻ.
Cân nặng của Vasoo bắt đầu tăng sau khi ông thay đổi công việc, từ lái xe tải sang xe bus. Công việc quá nhàn hạ khiến ông bắt đầu ăn vặt nhiều hơn, đặc biệt là với thời gian làm việc không đều đặn. "Tôi lái xe, tôi ăn. Tôi thường xuyên ngồi và không tập thể dục", Vasoo chia sẻ.
Điều đầu tiên ông nhận thấy là quần áo của mình ngày càng chật hơn. Sau một thời gian, bạn bè của Vasoo cũng đã lên tiếng cảnh báo: "Có chuyện gì đã xảy ra với anh vậy? Tại sao anh lại tăng cân quá vậy? Tốt hơn là anh nên cẩn thận. Hãy đi bộ một chút, bởi vì anh có hai đứa con...".
Việc tăng cân bắt đầu ảnh hưởng Vasoo theo nhiều cách. Một lần, khi bị ngã ở nhà, Vasoo không thể tự đứng dậy. "Tôi đã cố gắng đứng dậy, xoay người mọi hướng. Nhưng tôi không thể", Vasoo kể lại.
Cô con gái nhỏ ở nhà thì vừa khóc vừa sợ ông. Cuối cùng, cân nặng của ông cũng ảnh hưởng công việc. Bụng của Vasoo to đến mức chạm đến tay lái. Ông chủ của Vasoo nhận thấy và nghi ngờ về khả năng lái xe của ông. Từ lái xe toàn thời gian, Vasoo bị xuống thành tài xế phụ.
Vì vậy, cuối cùng Vasoo quyết định ép buộc mình giảm cân.
Thất bại khi không thể giảm cân
Vasoo cho hay để giảm được số cân đã tăng không hề dễ dàng.
Người đàn ông 47 tuổi mắc bệnh hen suyễn mạn tính, khiến việc tập thể dục khó khăn mặc dù rất cố gắng. Vasoo cũng từng bị chấn thương đầu gối, càng khó khăn để đi bộ. Bác sĩ Tan Chun Hai lưu ý với trọng lượng đó, bệnh nhân có nguy cơ bị thương và ngã khi tập luyện.
Vasoo đã thử dùng thuốc giảm cân trong vài tháng nhưng chúng lại quá đắt, hơn 100 USD Singapore mỗi tháng. Đặc biệt, mỗi khi ông ngừng uống thuốc, cân nặng lại tăng nhiều hơn.
Vasoo cũng đã đến phòng khám Chăm sóc tổng hợp cho bệnh béo phì và bệnh tiểu đường của KTPH để kiểm tra cân nặng thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Nhưng cách này cũng không thành công.
Bác sĩ Chun Hai cho biết với những người chỉ thừa cân hoặc béo phì loại I (chỉ số BMI dưới 32,5), thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể hiệu quả. Nhưng những người béo hơn có khả năng cần được giúp đỡ nhiều.
"Nếu béo phì trong thời gian dài, bạn càng có nhiều nguy cơ bị các vấn đề về tim mạch hoặc hô hấp, đột quỵ, đau tim, ung thư liên quan béo phì và các bệnh đi kèm như tiểu đường", bác sĩ Chun Hai nhận định.
Chuyên gia này cho hay với nhóm bệnh nhân như Vasoo, giải pháp hiệu quả và lâu dài nhất là phẫu thuật chuyển hóa, phương pháp điều trị giúp giảm cân và giải quyết các vấn đề sức khỏe đi kèm.
Vasoo chia sẻ vợ ông đã đề nghị ông cân nhắc chuyện này nhiều năm nay. Nhưng ông lo lắng về chi phí và cũng nghĩ rằng mình không có thời gian.
Chỉ sau khi em gái của ông thực hiện phẫu thuật tương tự và nhận được sự giúp đỡ từ nhân viên xã hội y tế, Vasoo mới quyết định "tốt hơn nên làm điều gì đó chứ không phải cứ như thế này nữa".
Kế hoạch giảm bớt cân nặng trong 6 tuần
Vào tháng 9/2019, Vasoo được giới thiệu đến gặp Chun Hai, bác sĩ phẫu thuật nội khoa và chuyển hóa của KTPH. Sau đó, bác sĩ Chun Hai đề nghị ông phẫu thuật cắt bỏ 60-70% dạ dày. "Những gì còn lại của dạ dày sẽ giống một quả chuối cong, hạn chế khối lượng thức ăn nạp vào khoảng 20-25% so với những gì một người bình thường ăn", ông Chun Hai cho biết.
Phần bị cắt bỏ cũng là trung tâm sản xuất hormone thèm ăn. Vì vậy, việc cắt bỏ nó sẽ làm giảm cảm giác đói của bệnh nhân.
Bác sĩ cho biết đây là ca phẫu thuật giảm béo phổ biến nhất được thực hiện ở Singapore và trên toàn cầu. Và thông thường, phẫu thuật này yêu cầu bệnh nhân phải nằm viện 1-2 ngày.
Nhưng vì có chỉ số BMI quá cao, Vasoo phải giảm xuống 180 kg để ngăn rủi ro khi phẫu thuật. Một kế hoạch kéo dài 6 tuần đã được thiết kế với sự tham gia nhóm chuyên gia gồm bác sĩ nội tiết, chuyên gia dinh dưỡng, điều phối viên y tá, nhà vật lý trị liệu, nhà tâm lý học và nhân viên xã hội y tế.
Vasoo phải thực hiện chế độ tập thể dục và ăn uống ít calo tại nhà trong 3 tuần đầu tiên. Hedy Cheng, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao của KTPH, cho biết bệnh nhân đã phải vật lộn với việc giảm calo.
"Thông thường, trong vài ngày đầu tiên, mức năng lượng sẽ giảm xuống vì có sự thay đổi mạnh mẽ từ ăn nhiều sang ăn ít. Tuy nhiên, sau đó, cơ thể của bạn sẽ thích nghi", chuyên gia Cheng nói.
Trong 3 tuần tiếp theo, Vasoo phải nhập viện để tăng cường kế hoạch chăm sóc tùy chỉnh và đảm bảo số cân đã giảm của mình.
Tuy nhiên, tại bệnh viện, kết quả đánh giá của Vasoo cho thấy ông bị bệnh tim, cần phải ổn định và theo dõi trước. Vì vậy, cuộc phẫu thuật dự kiến vào tháng 12/2019 đã bị hoãn lại.
Duy trì cân nặng sau phẫu thuật giảm cân
Vasoo tái nhập viện vào tháng 2/2020 để chuẩn bị phẫu thuật lần thứ hai. Lần này, dịch Covid-19 bùng phát lại khiến hy vọng của Vasoo sụp đổ khi mọi nguồn lực của bệnh viện phải tập trung cho bệnh nhân nhiễm nCoV.
"Tôi thực sự thất vọng và đang tìm một công việc. Sau đó, bác sĩ Tan đột nhiên gọi cho tôi và thông báo tin tốt rằng đã đặt lịch hẹn cho cuộc phẫu thuật của tôi vào ngày 11/3", Vasoo kể lại.
Khi đó, Vasoo đã giảm cân xuống còn 188 kg, gần với mục tiêu là 180 kg. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ và Vasoo được xuất viện vài ngày sau đó. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều cuối cùng cho hành trình giảm cân của người đàn ông này.
Ông phải duy trì chế độ ăn lỏng trong 2 tuần đầu tiên, xay nhuyễn thức ăn trong 2 tuần tiếp theo, trước khi chuyển sang thức ăn mềm. Ngay cả hiện tại trở lại chế độ ăn uống bình thường, Vasoo không thể ăn khẩu phần bình thường. Nếu ăn quá nhiều hoặc nhanh, không nhai kỹ, ông có nguy cơ bị nôn.
Giảm cân mang lại nhiều lợi ích cho Vasoo. Chứng ngưng thở khi ngủ được cải thiện giúp ông không còn cảm thấy mệt mỏi trong ngày. Ông cũng được tiếp tục lái xe bus toàn thời gian mà không gặp bất kỳ vấn đề nào.
Vasoo tập thể dục bằng cách rửa xe bus và làm việc nhà, điều mà trước đây ông không thể làm được khi cân nặng tăng vọt. Ông cũng được chơi nhiều hơn với con trai và con gái của mình, 7 và 11 tuổi.
Với trọng lượng hiện tại là 162 kg, Vasoo đã giảm gần 1/4 tổng trọng lượng. Ông không còn cảm thấy sợ hãi khi phải ra ngoài. "Hiện giờ, mọi người nhìn tôi như một người bình thường. Tôi cảm thấy rất vui", Vasoo chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-giam-can-cua-nguoi-dan-ong-nang-212-kg-post1195488.html