Hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng: Mệnh lệnh từ trái tim!

Hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho mảnh đất xứ Thanh anh dũng, kiên cường là hành trình dám đối diện để vượt qua những thử thách chưa từng có. Và hơn hết, hành trình ấy phải được khởi nguồn từ trái tim giàu tình yêu và sẵn sàng cống hiến những người con được sinh ra từ mảnh đất này.

Một góc tp Thanh Hóa.

Một góc tp Thanh Hóa.

Nói về xứ Thanh - vùng đất của sự hội tụ và thăng hoa - những sử gia, văn nhân, nhà nghiên cứu đã dành không ít “bút lực” để miêu tả và cảm thán. Ví như, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế cho rằng, trên đất nước Việt Nam có nhiều nơi gọi là “địa linh nhân kiệt”, thế nhưng, tột cùng linh thiêng thì Việt Nam chỉ có hai nơi: Đó là Chí Linh (Hải Dương), gắn với cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông của triều Trần; và núi Chí Linh của xứ Thanh gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Bình Định vương Lê Lợi - “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội”.

Xứ Thanh - mảnh đất “nghìn xưa lưu dấu” bóng dáng của những kinh kỳ phố hội, lăng tẩm đền đài, những giai cảnh vừa xinh đẹp vừa hùng vĩ, những “vật tốt người hay”... Để rồi, tất cả những yếu tố ấy đã hội tụ thành một xứ sở đầy quyến rũ và níu giữ của chiều sâu trầm tích văn hóa và truyền thống lịch sử hào hùng. Vì vậy mà, trong “Thanh Hóa đẹp tươi” của H. LeBreton, có đoạn vừa là miêu tả vừa mang âm hưởng ngợi ca: “Bên trong một duyên hải luôn thay đổi và khó làm ăn, dọc những dòng sông sâu và rộng, bên những sườn non lỗ chỗ hang động, trong những thung lũng hẹp đi lại khó khăn, chủng tộc người An Nam đã tìm chọn cho họ một lãnh thổ được ưu thích hơn cả làm chỗ dừng chân lâu dài, làm một trạm trên đường để qua bao nhiêu thế kỷ chuẩn bị cho công cuộc mở mang bờ cõi, hồi sức và tập trung lực lượng mà thực hiện vận mệnh của mình. Vào những phút giờ thử thách, đối với nước An Nam, Thanh Hóa còn hơn cả Hà Nội. Đây là một thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc”!

Cũng bởi vị thế rất đặc biệt và một truyền thống rất đáng tự hào mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều sự quan tâm và tình cảm đối với Thanh Hóa. Ngay từ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (ngày 20/2/1947), Người đã nhấn mạnh: Tỉnh Thanh Hóa “muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Khắc ghi lời dạy của Người, Nhân dân Thanh Hóa đã ra sức lao động để đóng góp sức người, sức của góp phần cùng cả nước làm nên những thắng lợi lẫy lừng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Có người đã nói, “truyền thống dù chỉ một chút nhỏ cũng tốn lượng lịch sử vô tận để tạo ra”. Truyền thống vùng đất này được đắp đổi qua mấy nghìn năm “lửa thử vàng” của cha ông. Để rồi, tự hào bao nhiêu thì trách nhiệm cũng lớn bấy nhiêu. Và trách nhiệm của thế hệ hôm nay là biết khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử, biến nó trở thành nguồn sức mạnh nội sinh thực sự vững chắc và mạnh mẽ, để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho quê hương, đất nước.

Và nếu tiền đề cho phát triển là có được những nguồn lực nổi trội, thì nhân tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của sự phát triển ấy phải là con người. Từ con người mới có cơ chế, chính sách để khai thác tối đa nguồn lực, tiềm năng và các lợi thế. Nói cách khác, chính con người - với trái tim, khối óc và lòng nhiệt huyết, trách nhiệm mới - có thể chuyển hóa nguồn lực để kiến tạo nên thành tựu phát triển. Đó cũng chính là “mệnh lệnh trái tim” từ hàng triệu con người được sinh ra từ mảnh đất này.

Đã có không ít bài học từ lịch sử đã minh chứng cho sức mạnh từ những trái tim nhiệt huyết cống hiến và sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng, dân tộc. Ví như, nếu không có mệnh lệnh từ trái tim, thì hẳn là không thể có cuộc khởi nghĩa Bà Triệu khiến toàn Giao Châu chấn động. Và liệu rằng Bình Định Vương Lê Lợi có thể phất cao ngọn cờ đại nghĩa “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”, nếu không huy động được sức mạnh quật khởi “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”?

Để rồi khi soi vào bối cảnh hiện nay, khi xứ Thanh đang cùng với cả nước tiến nhanh, tiến mạnh vào thời đại dựng xây nên nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, thì hơn lúc nào hết càng phải nỗ lực vươn lên thoát khỏi sự kìm kẹp của tư duy trì trệ, của nghèo nàn lạc hậu và hơn hết là khơi lên được “mệnh lệnh” từ hàng triệu trái tim giàu nhiệt huyết cống hiến. Đồng thời, cũng bởi “chỉ có sự thống nhất tinh thần, quan điểm, ý chí và hành động mới là sự thống nhất thật sự”, cho nên xây dựng nên một khối đoàn kết, thống nhất triệu người như một thì không một thách thức nào có thể trở thành lực cản trên hành trình phát triển của mảnh đất này.

Những thành tựu phát triển kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới và đặc biệt trong một thập kỷ trở lại đây, đã và đang góp phần tạo dựng vị thế mới cho Thanh Hóa trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Có thể kể ra đây con số ấn tượng nhất, đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69% và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Riêng 9 tháng năm 2024, GRDP ước đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước (sau Bắc Giang). Đặc biệt, năm 2022, thu ngân sách Nhà nước đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 9 cả nước và là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 50 nghìn tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 42.695 tỷ đồng. Con số ấn tượng này đã đưa Thanh Hóa vươn lên đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 7 cả nước về thu ngân sách. Đồng thời, mở ra kỳ vọng một lần nữa đưa Thanh Hóa vào nhóm các tỉnh/thành có kết quả thu vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng...

Để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch. Theo đó, đã tập trung xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch lớn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, đó là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 153/QĐ-TTg, ngày 27/2/2023) và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 (Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 17/3/2023). Cùng với đó, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại được tỉnh Thanh Hóa xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cần có sự đầu tư lớn. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng; hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu, cụm công nghiệp là đòn bẩy; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng cung cấp điện là mũi nhọn; hạ tầng phục vụ nông nghiệp, hạ tầng thương mại là cơ sở quan trọng. Đồng thời, tập trung phát triển đô thị theo hướng hiện đại, với mạng lưới 34 đô thị (gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 30 đô thị loại V). Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ, với mũi nhọn là du lịch. Riêng 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh ước đón 14,4 triệu lượt khách, tăng 19,6%; tổng thu du lịch ước đạt 31.935,5 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ... Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong nhiều bài học về sự phát triển đã được đúc rút, với Thanh Hóa có lẽ bài học về phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền các cấp, trong tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị vì lợi ích chung và sự phát triển của tỉnh, là bài học quan trọng nhất. Cùng với đó là bài học về sự chủ động tìm tòi, vận dụng linh hoạt những sáng kiến, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, từ đó đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư, tranh thủ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, bài học về sự phát triển hài hòa giữa kinh tế - văn hóa - môi trường, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Từ đó, khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân.

...

Ngày nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thì Thanh Hóa sẽ có những đóng góp xứng đáng vào hành trình đầy tự hào và vinh quang ấy. Để mỗi khi cái tên xứ Thanh được xướng lên, cùng với thế và lực mới, chúng ta càng thêm vững tin vào bước đường đi đến tương lai của mảnh đất này: Hành trình mang tên hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hanh-trinh-hien-thuc-hoa-khat-vong-thinh-vuong-menh-lenh-nbsp-tu-trai-tim-228366.htm