Hành trình nghệ thuật nổi trên các dòng sông lớn châu Âu sắp diễn ra

European Pavilion 2024 – một sự kiện nghệ thuật nổi bật do Quỹ Văn hóa châu Âu tổ chức – đang chuẩn bị cập bến Lisbon sau khi đi qua bốn dòng sông lớn của châu Âu.

Với chủ đề Water Matters, chương trình tôn vinh các dự án văn hóa nổi, nhằm mục đích kết nối cộng đồng với dòng sông và khám phá ý nghĩa của việc quản lý nước bền vững.

Từ ngày 7 đến 9/11, lễ hội nghệ thuật sẽ diễn ra tại Beato và Quinta Alegre – hai trung tâm văn hóa xã hội quan trọng tại Lisbon. Hàng chục nghệ sĩ quốc tế sẽ cùng trình diễn các tác phẩm do mình sáng tạo trong suốt hành trình kéo dài 28 ngày trên bốn dòng sông lớn: Danube, Tagus, Rhine, và Vistula.

Trên mỗi con thuyền, năm nghệ sĩ đã cùng nhau khám phá các chủ đề liên quan đến lịch sử, xã hội và chính trị như: "Tàn tích và Quái vật" "Chu vi và Không gian," "Sự liên kết" và "Thể chế và Chính trị."

Các con thuyền vừa là nơi sáng tạo nghệ thuật, vừa là không gian gặp gỡ và trao đổi ý tưởng về tương lai của châu Âu và sự kết nối giữa con người với các dòng sông.

Lễ hội nhằm mục đích quảng bá nền văn hóa sông nước tại châu Âu. Ảnh: Euro News

Lễ hội nhằm mục đích quảng bá nền văn hóa sông nước tại châu Âu. Ảnh: Euro News

Naomi Russel, đồng giám tuyển của dự án, chia sẻ hành trình này mang tính cộng đồng cao:

“Chúng tôi đã chia sẻ các hoạt động nghệ thuật với mọi người, lắng nghe câu chuyện và ước mơ của họ”.

Russel giải thích thêm việc chọn đi bằng thuyền có ý nghĩa đặc biệt: “Chúng tôi muốn đến những nơi ít được chú ý hơn, giống như dòng sông kết nối các vùng lãnh thổ. Đồng thời, chúng tôi muốn hướng đến những mô hình sáng tạo mới tập trung vào con người và ý tưởng.”

Bà nhấn mạnh các con thuyền mang tính biểu tượng mạnh mẽ: “Châu Âu đã từng tích lũy nhiều của cải từ các con tàu trong thời kỳ thuộc địa. Giờ đây, chúng ta cũng chứng kiến những chiếc thuyền mỏng manh chở người tị nạn vượt biển. Đây là lý do chúng tôi dùng thuyền như một cách để khơi gợi suy ngẫm và đối thoại.”

Ngoài ra, một sáng kiến văn hóa nổi khác như Fluctuations cũng đang gây chú ý. Đây là một lễ hội nghệ thuật và xã hội kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, đi qua nhiều thành phố châu Âu như: Lille, Brussels, Utrecht, và Budapest.

Các nghệ sĩ trên con thuyền tham gia sự kiện. Ảnh: Euro news

Các nghệ sĩ trên con thuyền tham gia sự kiện. Ảnh: Euro news

Nicolas Dhers, đồng sáng lập của Fluctuations, chia sẻ việc di chuyển bằng sà lan giúp truyền tải thông điệp kết nối: “Bạn có thể bắt đầu từ Rouen và đi đến tận Nga qua các tuyến sông. Điều này nhấn mạnh sự liên tục và liên kết của các lãnh thổ ở châu Âu.”

Fluctuations tổ chức các buổi hội thảo, hòa nhạc, và hội chợ thực phẩm bền vững tại các bến tàu ven sông, biến những con sông thành không gian sinh hoạt cộng đồng. Charline Albericci, một trong những nhà sáng lập dự án, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích cộng đồng tham gia vào các vấn đề về sinh thái và công bằng xã hội. Chúng tôi cũng muốn khơi gợi cảm hứng thơ ca, nghệ thuật và lễ hội từ các con sông, thay vì chỉ tập trung vào vận tải thương mại.”

Trong hành trình đến Budapest, dự án Fluctuations nhận được sự hỗ trợ từ Valyo, một hiệp hội địa phương vận động cho kết nối giữa người dân và sông Danube. Miklós Tomor, giám đốc dự án của Valyo, nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu khiến cho việc tiếp cận các con sông trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các dòng sông không chỉ cần sạch để bơi mà còn phải trở thành không gian cho cộng đồng.”

Valyo tổ chức nhiều sự kiện văn hóa và thể thao trên sông Danube, đồng thời tiến hành các chiến dịch dọn sạch bờ sông và khuyến khích giao thông xanh như đi bộ và đạp xe.

Thomas Scheele, từ tổ chức Vibelab, cũng cho biết ông đã thực hiện một nghiên cứu về văn hóa nước tại năm quốc gia châu Âu. Scheele cho rằng các sáng kiến văn hóa trên sông có thể trở thành nền tảng kết nối xã hội: “Chúng tôi muốn giới thiệu một hệ thống phân loại các sáng kiến này để giúp những người sáng tạo nghệ thuật nổi dễ dàng hơn trong việc tìm vị trí pháp lý và phát triển hoạt động của họ.”

Scheele từng tham gia phát triển nghệ thuật trên mặt nước ở Berlin vào những năm 2010 và ủng hộ ý tưởng tạo ra các bến cảng văn hóa – nơi thuyền nghệ thuật có thể neo đậu và tổ chức sự kiện. Ông nhấn mạnh:

“Nhiều người nghĩ rằng sự kiện đồng nghĩa với rác thải, nhưng những người làm nghệ thuật trên sông hiểu rõ và quan tâm đến môi trường. Họ không chỉ sáng tạo mà còn tích cực tổ chức các hoạt động bảo vệ dòng sông.”

European Pavilion 2024 không chỉ tập trung vào nghệ thuật mà còn tham gia chiến dịch Water Wise của EU. Đây là sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng căng thẳng của hệ thống nước ở châu Âu và thúc đẩy quản lý nước bền vững.

Thông qua chuỗi sự kiện Water Matters, lễ hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các hệ sinh thái nước và kêu gọi cộng đồng tham gia vào việc gìn giữ tài nguyên này. Mục tiêu của chiến dịch là truyền cảm hứng cho các cá nhân và cộng đồng trở thành những người tiên phong trong việc sử dụng nước một cách khôn ngoan và bền vững.

European Pavilion 2024, cùng với các sáng kiến nghệ thuật nổi trên khắp châu Âu, không chỉ mở ra không gian văn hóa mới mà còn góp phần thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và kết nối với dòng sông – nguồn sống và ký ức chung của các quốc gia châu Âu.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hanh-trinh-nghe-thuat-noi-tren-cac-dong-song-lon-chau-au-sap-dien-ra.html