Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam
Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Nguy cơ tụt xuống hạng 3 thị phần
Năm 2022, thời điểm thị trường ô tô Việt Nam ở giai đoạn thăng hoa nhất từ trước đến nay, dòng xe sedan cũng ghi nhận sự phục hồi đáng kể về doanh số với 90.984 xe được bán ra (theo số liệu của VAMA), gần bằng doanh số ở thời điểm trước Đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dòng xe SUV lại đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 85.903 xe, tăng 34% so với năm 2021, MPV đạt 55.288 xe (tăng 150%).
Trong năm 2023, thị trường ô tô quay đầu sụt giảm mạnh, kéo theo sự sụt giảm doanh số dòng xe sedan xuống còn 52.658 xe (giảm 42%). Trong khi đó, doanh số SUV đạt 62.234 xe (giảm 27,5%), MPV đạt 53.062 xe (giảm 4%). Thị phần sedan tụt xuống hạng 3, sau SUV và MPV. Thậm chí, doanh số xe Crossover (CUV) “ngược dòng” tăng nhẹ thêm 3.293 xe lên 37.837 xe.
Cũng theo VAMA, 3 tháng đầu năm 2024, thị phần các dòng xe tại thị trường Việt Nam bắt đầu có sự điều chỉnh. Lũy kế 3 tháng, doanh số sedan, SUV, MPV lần lượt đạt 8.367 xe, 13.113 xe và 8.143 xe. Doanh số sedan đang có xu hướng phục hồi nhẹ nhờ sự đóng góp của phân khúc sedan B và hạng C.
Cụ thể, trong phân khúc sedan hạng B, Toyota Vios tăng trưởng mạnh trở lại với doanh số tháng 3/2024 đạt 934 xe, gấp hơn 5 lần doanh số Vios tháng trước đó (170 xe); Hyundai Accent đạt 967 xe, tăng 165%; Honda City đạt 1.043 xe, tăng 63%. Các mẫu xe còn lại như Mitsubishi Attrage, Mazda 2, KIA Soluto cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng gấp 1,5-2 lần. Như vậy, thị phần của 3 mẫu xe dẫn đầu phân khúc đang có sự thay đổi. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Hyundai Accent tạm giữ “ngôi vương” với 2.248 xe được bán ra; Honda City đạt 2.165 xe, vượt Toyota Vios và bám rất sát Hyundai Accent; Toyota Vios chỉ đạt 1.757 xe, mức khá thấp so với năm 2023 và các năm trước đó.
Đối với phân khúc sedan hạng C, lũy kế 3 tháng, 5 mẫu xe dẫn đầu phân khúc gồm: Mazda 3 (982 xe), KIA K3 (552 xe), Hyundai Elantra (378 xe), Honda Civic (268 xe), Toyota Corolla Altis (122 xe, bao gồm cả phiên bản Hybrid). Tổng doanh số sedan hạng C trong tháng 3/2024 đạt 905 xe, tăng 84% so với tháng 2/2024.
Cần sự đổi mới mang tính thực chất
Những năm gần đây, dòng xe SUV ngày càng được người tiêu dùng trên khắp thế giới ưa chuộng, đặc biệt với các gia đình trẻ tại đô thị nhờ thiết kế thể thao, khỏe khoắn, khả năng đa dụng và có thể chuyên chở được nhiều người hơn so với sedan. Những thế mạnh này đã giúp doanh số SUV liên tục được tăng trưởng qua từng năm và bào mòn dần thị phần của dòng xe sedan.
Có cầu ắt có cung, nhiều hãng xe từ phổ thông đến cao cấp đều đang tập trung phát triển các mẫu SUV thế hệ mới để nhanh chóng giành thị phần “béo bở” này. Thống kê của chuyên trang Drive cho thấy, hiện có khoảng 150 mẫu SUV đang bán trên thị trường. Ngược lại, số lượng mẫu sedan đang có xu hướng ngày càng nhỏ lại. Một số mẫu xe đã dừng sản xuất tại thị trường Nhật Bản như Mazda 6, Toyota Camry. Tại Việt Nam, một số mẫu sedan đã dừng bán do thay đổi chính sách của nhà sản xuất như Hyundai Kona, Honda Brio. Một số mẫu xe có doanh số không đáng kể, chỉ tồn tại với vai trò tạo độ phủ thương hiệu như Suzuki Ciaz, Toyota FT86, Honda Jazz, Sunny...
Thực trạng này đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tương lai của dòng xe sedan tại Việt Nam. Liệu rằng sedan có bị thay thế bởi các dòng xe “hợp thời” hơn như SUV, MPV không?
Một số chuyên gia nhận định, trên thực tế, thị trường ô tô đang có sự phân hóa mạnh và rõ ràng hơn dựa theo nhu cầu sử dụng thực tế của người tiêu dùng. Nhiều năm trước đây, sedan từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô và số lượng mẫu mã không có quá nhiều, đa số là xe nhập khẩu nguyên chiếc. Nhiều người phải tích lũy rất nhiều năm mới mua được ô tô, nhưng bản thân chiếc ô tô đó cũng chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu di chuyển của cá nhân họ và gia đình. Di các dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ, đặc biệt là SUV ra đời và phổ biến, thị hiếu của người tiêu dùng cũng dần thay đổi theo hướng thực dụng hơn.
Với đối tượng khách hàng là cá nhân, gia đình nhỏ gồm 2-4 người, hạn mức chi tiêu ở mức trung bình, một chiếc sedan hạng B như Nissan Almera có thể là một lựa chọn khá phù hợp. Tuy nhiên, khi số lượng thành viên tăng lên 5-7 người, đa số người dùng sẽ ưu tiên chọn lựa một chiếc SUV hoặc MPV 7 chỗ. Với khách hàng là doanh nhân, những chiếc sedan hạng sang của Mercedes-Benz hay SUV của Lexus, Land Rover, Porsche được khá nhiều người chọn mua. Như vậy, dù trải qua nhiều thăng trầm, dòng xe sedan vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, dòng xe sedan vẫn sở hữu những thế mạnh riêng có mà SUV hay MPV không thể thay thế. Một là, sedan có nhiều lựa chọn về kích thước, từ cỡ nhỏ như Mazda 2 đến cỡ lớn như BMW 7 Series. Theo đó, những mẫu sedan cỡ nhỏ hạng B, sedan cỡ vừa hạng C được đánh giá khá phù hợp với đặc thù giao thông tại Việt Nam. Nhiều mẫu sedan có bán kính vòng quay rất nhỏ, khoảng 5-5,1m, giúp xe dễ dàng rẽ nhanh, cua gấp trên những cung đường chật hẹp.
Hai là, đa số mẫu sedan cỡ nhỏ đều có giá thấp hơn một mẫu SUV đồng hạng. Ví dụ, một chiếc sedan hạng B có giá trung bình 400-600 triệu đồng, trong khi một mẫu SUV hạng B có giá từ 600-900 triệu đồng.
Ba là, sedan có thiết kế gầm thấp, trọng lượng nhẹ hơn SUV, giúp giảm lực cản của không khí, từ đó góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu. Khi chuyển làn, quay xe, người ngồi trong khoang cabin ít bị lắc lư hoặc mất thăng bằng hơn so với SUV, xe bán tải.
Bốn là, sedan đem lại hiệu quả an toàn tốt hơn so với SUV nhờ dễ dàng phát hiện chướng ngại vật phía trước mặt và có nhiều tính năng, công nghệ an toàn chủ động. Kết quả chương trình đánh giá xe mới (NCAP) tính đến cuối năm 2023 cho thấy, BYD Seal đạt tỷ lệ bảo vệ người lớn ngồi trong xe là 89% và trẻ em là 87%; Mercedes-Benz EQE đạt tỷ lệ bảo vệ người lớn 95% và trẻ em là 92%. Trong khi đó, đa số mẫu SUV đều đạt xếp hạng thấp hơn con số này.
Mặc dù vậy, khi thị hiếu thay đổi, những ưu điểm của sedan chưa đủ để khiến người tiêu dùng quay lại với dòng xe này. Một số ý kiến cho rằng, nhiều hãng xe từng thành công với dòng xe sedan đã quá chú trọng vào những giá trị cốt lõi mà xem nhẹ xu hướng mới trên thị trường. Do đó, các nhà sản xuất cần có sự đầu tư và các giải pháp mang tính đột phá, bao gồm đổi mới cả về thiết kế, trang bị và công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.