Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong: Dừng chân ở Tạp Đa
Chặng thứ ba của hành trình là điểm đến đầy mong đợi - huyện Tạp Đa, nơi phát nguyên của Mekong-Lan Thương.
Tuy nhiên, đoàn chỉ có thể dừng chân ở huyện lỵ, nơi cách km0 của dòng sông về mặt địa lý khoảng 170km do đoạn đường cuối cùng để lên nơi này hiện vẫn là đầm lầy, cỏ hoang, cây dại và chưa có đường.
Huyện Tạp Đa, nằm ở độ cao 4200m so với mặt nước biển, tổng diện tích 35.000km2, với gần 63.000 dân tính theo số liệu đến cuối năm 2014. Trong tiếng Tạng, “Đa” có nghĩa là đầu nguồn, Tạp Đa có nghĩa là thượng nguồn sông Trát Khúc. Trong khi Trát Khúc có nghĩa là “dòng nước chảy ra từ núi” và đây cũng là dòng chính dùng để tính độ dài của Mekong-Lan Thương.
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã thí điểm thực thi các biện pháp bảo vệ các dòng sông đầu nguồn, nhằm đảm bảo nguồn nước cho hàng trăm triệu người dân nước này dưới hạ lưu. Riêng với Lan Thương, chính quyền huyện Tạp Đa, nơi khởi nguồn của dòng sông đang tìm tòi các phương cách để vừa phát triển các hình thức du lịch cao cấp, khảo sát và nghiên cứu khoa học, vừa đảm bảo nguồn sống cho người dân nơi đầu nguồn.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Lý Chấn Bân, Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Tạp Đa cho biết, địa phương này đang thúc đẩy 5 công việc chính, gồm xác định chiến lược lấy bảo vệ môi trường sinh thái làm nền tảng cho công tác xây dựng địa phương; kết hợp với việc thí điểm bảo vệ Vườn quốc gia đầu nguồn Tam Giang thực hiện 4 năm nay, thúc đẩy toàn diện việc bảo vệ sinh thái đầu nguồn sông Lan Thương và đầu nguồn phía Nam sông Trường Giang; động viên cán bộ và toàn thể người dân địa phương tham gia bảo vệ, quản lý và tuần tra sinh thái, bố trí các nhân viên quản lý bảo vệ sinh thái, cũng như thiết lập các vị trí việc làm tương tự, khuyến khích người dân từ người sử dụng trở thành người quản lý bảo vệ và hưởng lợi từ môi trường sinh thái bằng các chính sách; thí điểm việc thu gom, phân loại, giảm lượng và xử lý rác thải ở các vùng cao nguyên, khu vực có độ cao lớn so với mực nước biển và khu vực chăn thả ở vùng sâu vùng xa; đưa giáo dục bảo vệ môi trường vào nhà trường.
Cũng theo quan chức này, khu vực sông Lan Thương trong Vườn Quốc gia đầu nguồn Tam Giang có người dân chăn thả sinh sống và cư trú, do vậy huyện Tạp Đa đang phải tìm hướng đi nhằm vừa đảm bảo tính nguyên bản của sinh thái, tính đa dạng của sinh học, vừa đảm bảo cuộc sống và các nhu cầu cơ bản của người dân.
Theo đó, hiện nay, các hoạt động khảo sát khoa học và nghiên cứu khoa học cần thiết có thể sẽ được xem xét và cho phép tiến hành, các hoạt động thương mại hoặc cá nhân khác có thể sẽ không được chấp thuận, đặc biệt tại xã Ngang Trại, vùng lõi của đầu nguồn sông Mekong-Lan Thương.
Ông nói: “Ước tính, trong 3 năm gần đây, tại xã Ngang Trại, có khoảng 100 đoàn tầm 300-400 người được đi vào vùng lõi. Hơn một nửa trong số đó là làm công tác tuyên truyền đối ngoại, giới thiệu tình hình xây dựng và thí điểm ở khu bảo tồn. Ngoài ra, chúng tôi còn đón các đoàn sinh viên đến tiến hành nghiên cứu khoa học và triển khai những hoạt động kinh doanh nhượng quyền, như chèo thuyền mạo hiểm cao cấp.”
Theo ông Lý Chấn Bân, cách làm của Tạp Đa có thể sẽ được nhân rộng ra các Vườn quốc gia khác ở Trung Quốc nếu thực hiện thành công.
Thú vị hơn khi Tạp Đa còn được mệnh danh là “quê hương của đông trùng hạ thảo” (gọi tắt là trùng thảo) ở Thanh Hải, Trung Quốc. Mặc dù nằm trên cao nguyên, nhưng thị trấn huyện lỵ Tạp Đa khá nhộn nhịp nhờ vào các hoạt động giao dịch trùng thảo và thương mại khác. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng thuộc hàng khá giả so với những người Tạng ở những nơi khác.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về đông trùng hạ thảo ở Tạp Đa, nơi hình thành những giọt nước đầu tiên đổ về sông Cửu Long trước khi đổ ra Biển Đông của Mekong-Lan Thương./.