Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong - Lan Thương (phần 4)

Huyện Tạp Đa không chỉ là nơi có dòng sông đầu nguồn của Mekong-Lan Thương, mà còn là 'quê hương của đông trùng hạ thảo' (gọi tắt là trùng thảo) ở Thanh Hải, Trung Quốc. Cuộc sống của đa phần người dân nơi đây dựa vào việc khai thác loại dược liệu quý hiếm này.

Ở Trung Quốc, Tây Tạng và Thanh Hải là hai địa phương có đông trùng hạ thảo tốt nhất. Có người nói rằng, người Hán lên huyện Tạp Đa chỉ có 2 mục đích, một là tìm về đầu nguồn sông Lan Thương, hai là tìm đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo của Tạp Đa

Đông trùng hạ thảo của Tạp Đa

Trùng thảo của Thanh Hải chủ yếu tập trung ở Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ, còn trùng thảo hảo hạng của Ngọc Thụ nằm ở Tạp Đa. Tháng 6 là mùa khai thác chính vụ của loại thảo dược thượng hạng này tại đây.

Mặc dù thời gian đào trùng thảo ở các khu vực địa hình cao 4.000-5.000m so với mực nước biển như Tạp Đa chỉ khoảng 40 ngày, tầm từ 20/5 đến hết tháng 6, nhưng đây lại là một trong những nguồn thu nhập chính của người Tạng nơi đây.

Anh Quần Ca (Qunga), một người Tạng địa phương cho biết: “Thu nhập từ đào trùng thảo của tôi chiếm khoảng 30% tổng thu nhập mỗi năm, tức hơn 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng Việt Nam). Đến mùa đào trùng thảo, con gái lớn 13 tuổi của tôi cũng đi đào cùng”.

Anh còn cho biết, mặc dù đây là công việc vất vả vì phải lên núi cao, nhưng do thu thập khả quan nên người dân ở đây ai cũng đi đào. Trẻ con đi theo người lớn khai thác trùng thảo từ khi mới 8 tuổi. Người lớn thì tùy sức khỏe, có người hơn 60 tuổi vẫn đi đào, có người 58, 59 tuối đã phải nghỉ.

Có một điều hết sức thú vị là ở Tạp Đa trẻ em không nghỉ hè, kỳ nghỉ của các em mang tên “kỳ nghỉ trùng thảo”. Chỉ riêng điều này cũng cho thấy khai thác đông trùng hạ thảo quan trọng như thế nào đối với người dân địa phương. Chính vì vậy, họ chỉ đào trong một thời gian nhất định và không đào hết, nhằm để dành cho kỳ thu hoạch năm sau.

Anh Quần Ca

Anh Quần Ca

Ngay giữa trung tâm huyện lỵ Tạp Đa là Quảng trường Đông trùng hạ thảo. Hiện không phải là mùa đào và giao dịch trùng thảo nên nhiều dãy hàng ở đây khá vắng lặng. Thay vào đó là các sạp hàng sản vật địa phương, như đồ dùng hàng ngày, đồ dùng cho bò, ngựa, thảm, các loại đá...

Quảng trường Trùng thảo Tạp Đa mùa này vắng người giao dịch.

Quảng trường Trùng thảo Tạp Đa mùa này vắng người giao dịch.

Nếu như đào trùng thảo là những người dân tộc Tạng địa phương, thì thực hiện giao dịch loại dược liệu này chủ yếu lại là người dân tộc Hồi, Hán và số ít người Tạng. Vài trăm nghìn đến cả triệu nhân dân tệ (tức vài trăm triệu đến vài tỷ đồng Việt Nam) là khoản thu nhập mà họ có được mỗi năm từ những giao dịch này.

Theo kinh nghiệm của các chủ hàng tại đây, địa hình càng cao, chất lượng trùng thảo càng tốt. Mưa nhiều hay thiếu nắng, trùng thảo cũng không ngon.

Anh Lý Hoa, chủ tiệm trùng thảo Thành Tín.

Anh Lý Hoa, chủ tiệm trùng thảo Thành Tín.

Anh Lý Hoa, người Hán, chủ cửa hàng trùng thảo Thành Tín cho biết: “Chúng tôi dùng số con để phân loại trùng thảo, tức nửa cân tương đương với bao nhiêu con, số lượng càng ít, trùng thảo càng lớn. Loại 1.800 con, tức nửa cân có thể đếm được 1.800 con. Ngoài ra, còn có loại 1.500 con và 1.200 con. Đây vẫn chưa phải loại lớn nhất, loại lớn nhất chỉ khoảng 500-600 con, nhưng không nhiều. Ở Tạp Đa, vì đây là huyện số 1 về trùng thảo ở Trung Quốc, nên kích cỡ trùng thảo ở đây khá lớn. Loại 1.200-1.500 con chiếm đa số. Không như những nơi khác, chủ yếu là loại 1.800 con”.

Với những lợi thế riêng có, chính quyền Tạp Đa đang tập trung để gây dựng thương hiệu cho đông trùng hạ thảo tại đây.

Ông Trát Tây Đông Chu

Ông Trát Tây Đông Chu

Ông Trát Tây Đông Chu (Zhaxi Dongzhou), Thường vụ Huyện ủy Tạp Đa cho biết: “Sở dĩ huyện Tạp Đa có thể trở thành ‘quê hương của trùng thảo’ là bởi chúng tôi có khu vực đông trùng hạ thảo rộng lớn, thân trùng thảo đầy, màu sắc đẹp, chất lượng rất tốt. Khai thác đông trùng hạ thảo là phần thu nhập chính của nhiều người dân ở đây, do vậy chúng tôi coi đây là một ngành nghề của địa phương. Bước tiếp theo chúng tôi sẽ tạo dựng thương hiệu ‘Trùng thảo Tạp Đa’, thiết lập nền tảng giao dịch điện tử để quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Người dân Tạp Đa mới thoát nghèo từ tháng 4/2020. Hiện cuộc sống của họ ngày càng ổn định và no đủ. Dòng sông đầu nguồn Mekong-Lan Thương, mà người dân địa phương gọi là Trát Khúc, cùng đông trùng hạ thảo, chính là nguồn sống của họ./.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/hanh-trinh-van-ly-den-thuong-nguon-mekong-lan-thuong-phan-4-787446.vov