Hanoisme đẩy mạnh trao đổi cơ hội việc làm và khởi nghiệp trong sinh viên
Tại trường Đại học Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Hội thảo quốc tế 'Bộ công cụ tự đánh giá năng lực cốt lõi đạt được trong quá trình đào tạo'.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án quốc tế Motive “Đánh giá các xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam” do Quỹ Eramus+ của Liên minh châu Âu tài trợ giai đoạn 2020 - 2023.
Tham dự Hội thảo, có đại diện Bộ GD&ĐT, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme); các đối tác đến từ châu Âu bao gồm: Hiệp hội các trường đại học AlmaLAurea, Đại học Barcelona (Tây Ban Nha), Đại học Khoa học ứng dụng FH JOANNEUM (Áo), Tổ chức INCOMA và cơ quan đánh giá và kiểm định chất lượng quốc gia Tây Ban Nha ANECA.H... Cùng đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước tham dự.
Sau hơn 2 năm triển khai, dữ liệu của dự án đã có 29.813 tài khoản sinh viên của 18 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, 285 doanh nghiệp lập tài khoản thành công trên cổng thông tin. Hội thảo tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Cập nhật báo cáo theo dõi sinh viên tốt nghiệp của 9 trường đại học ở Việt Nam - đối tác của Dự án thông qua kết quả thu được từ việc khảo sát của Dự án; tình trạng hoạt động của Cổng thông tin theo dõi sinh viên tốt nghiệp; xây dựng bộ công cụ tự đánh giá năng lực cốt lõi đạt được trong quá trình đào tạo.
Tại hội thảo, đại diện Vụ Công tác chính trị và Học sinh - Sinh viên nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án "Giám sát nhu cầu việc làm của sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp". Dự án tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo trong nước xây dựng mạng lưới kết nối trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho các trường đại học Việt Nam trao đổi cơ hội việc làm và khởi nghiệp của sinh viên với đối tác quốc tế.
Hội thảo đã nghe các báo cáo kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp và thảo luận việc xây dựng cổng thông tin việc làm quốc gia dành cho sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam. Thông qua kết quả này, dự ấn có thể đưa ra đề xuất trên nhiều phương diện như: quản lý giáo dục đại học, đào tạo chuyên môn, phát triển kỹ năng cho sinh viên, cải thiện các vấn đề về tâm lý học học đường...
Trong khuôn khổ dự án, các đối tác quốc tế cũng đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm về các phương thức thực tiễn trong việc đánh giá tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp của Italia, Áo và Tây Ban Nha. Đây là cơ sở quan trọng để dự án Motive và các tường thành viên hình thành bộ công cụ tự đánh giá năng lực cốt lõi của sinh viên, điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ dự án, hoàn thành hiệu quả việc phân tích số liệu khảo sát và chuẩn bị báo cáo.
Các thành viên Quốc tế cũng đề cao vai trò của Hanoisme cùng các doanh nghiệp khi tham gia cập nhật thông tin lên hệ thống. Toàn bộ thông tin của sinh viên sau khi đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của Việt Nam sẽ được các chủ doanh nghiệp cập nhật thông qua dữ liệu được đồng bộ lên hệ thống. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Hanoisme cùng các thành viên dự án sẽ hoàn thiện sever, tập trung đẩy mạnh phát triển kết nối mạng lưới các doanh nghiệp trên nền tảng http://motive.edu.vn nhằm tạo cơ hội việc làm phù hợp cho sinh viên.