Hạt cau kiểng làm mứt khác gì so với hạt cau ta?

Thời gian gần đây, hạt cau cảnh được chế biến thành món ăn ngon lạ, được gọi là mứt cau kiểng. Nhiều người bán mứt cau kiểng giới thiệu đó là món ăn trị được bệnh như tiêu hóa, dạ dày. Tham khảo một số thông tin về hạt cau ta và hạt cau kiểng.

1. Lợi ích và tác dụng phụ của hạt cau

Nội dung

1. Lợi ích và tác dụng phụ của hạt cau

2. Hạt cây cau cảnh

3. Mứt cau cảnh có tốt cho sức khỏe không?

Hạt cau là một vị thuốc trong Đông y, có tác dụng trị giun sán, lợi tiểu thông tiện... Hạt cau còn được sử dụng trong y học cổ truyền như một loại thuốc nhuận tràng hoặc để điều trị ký sinh trùng đường ruột.

GS.TS. Phùng Hòa Bình, nguyên Trưởng bộ môn Dược cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, để sử dụng cau làm thuốc chữa giun sán, người ta thường sẽ phơi khô, tán nhỏ và sử dụng với một liều lượng thích hợp. Điều cần lưu ý là hạt cau có chứa chất độc arecolin nên cần phải thận trong khi sử dụng. Arecolin làm tê liệt giun, sán, đặc biệt là sán, nếu sử dụng liều nhỏ thì không ảnh hưởng đến cơ thể nhưng sử dụng nhiều sẽ gây ngộ độc cho con người. Chính vì vậy, khi sử dụng hạt cau, không nên tự ý sử dụng mà cần theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.

Hạt cau là một vị thuốc nhưng phải dùng theo chỉ định.

Hạt cau là một vị thuốc nhưng phải dùng theo chỉ định.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Prevention Research, hạt cau có đặc tính chống ung thư. Một nghiên cứu của Ấn Độ cho thấy hạt cau có thể giúp ích cho các vấn đề về tim mạch, tiêu hóa và có đặc tính chống viêm, chữa lành vết thương. Tuy nhiên, một nghiên cứu trong Tạp chí Ung thư Đông Nam Á chỉ ra còn thiếu hụt các nghiên cứu theo dõi. Các tác giả cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận bất kỳ lợi ích nào của hạt cau.

Còn theo một nghiên cứu tổng quan về tác dụng phụ toàn thân của hạt cau được đăng tải trên Trung tâm thông tin công nghệ sinh học Hoa Kỳ cho biết: Có báo cáo cho rằng hạt cau có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc cấp tính nếu dùng với số lượng lớn, dẫn đến khó thở, thở nhanh, nhịp tim nhanh, hồi hộp, hạ huyết áp, tức ngực, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng quặn thắt, thậm chí nhồi máu cơ tim và hôn mê nhưng trong phần lớn các trường hợp, tác dụng này chỉ thoáng qua và bệnh nhân sẽ phục hồi kịp thời.

Ngoài ra, hạt cau có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc các chất bổ sung thảo dược. Nó có thể gây ra phản ứng độc hại trong cơ thể hoặc làm giảm tác dụng của thuốc. Cần phải thử nghiệm thêm để xác định chính xác cách hạt cau ảnh hưởng đến các loại thuốc khác. Sử dụng hạt cau thường xuyên cũng có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc và các triệu chứng cai thuốc.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không coi hạt cau là an toàn để nhai hoặc ăn trực tiếp.

2. Hạt cây cau cảnh

Cây cau cảnh (cau kiểng), phổ biến là cây cau cảnh quả đỏ hay còn được gọi là cau bẹ đỏ, cau trắng quả đỏ, cau đỏ,… là loại cây thân gỗ với tên khoa học là Veitchia merrillii.

Về thân, tán và lá cây: Cây cau quả đỏ có độ cao khoảng 7 – 10m, thân tròn hình trụ, có đốt nằm sát nhau (dấu vết của các lá cau đã rụng). Lá cây cau quả đỏ nằm ở đỉnh thân, màu xanh bóng, độ dài khoảng 1,5m và màu nhạt dần thành xanh trắng ở chỗ cuốn lá.

Về hoa, quả: Cụm hoa sẽ mọc ra từ đốt nơi lá rụng. Ban đầu hoa có màu trắng và quả màu xanh, sau khi chín quả sẽ chuyển dần sang màu đỏ và có hình trái xoan.

Cây cau cảnh thường được sử dụng để trang trí và tạo bóng mát cho các công trình lớn như công viên, khu biệt thự, dọc lối đi dạo, sân vườn hoặc trang trí phòng, hành lang…

Như vậy cây cau cảnh hoàn toàn không phải là loại cây cau cho quả thông thường.

3. Mứt cau cảnh có tốt cho sức khỏe không?

Thành phẩm mứt cau kiểng. Ảnh: Kim Tuyền.

Thành phẩm mứt cau kiểng. Ảnh: Kim Tuyền.

Quả của cây cau cảnh không giống như quả cau ta bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại mứt từ hạt cau cảnh khá phổ biến, nhất là ở miền Tây, được tận dụng từ cây cau cảnh mà nhiều người dùng để trang trí cảnh quan vườn nhà.

Loại mứt từ hạt cau kiểng được làm khá cầu kỳ, người ta thường làm thủ công, đập từng trái để tách lấy hạt rồi ngâm với muối và chanh để khử vị đắng, vị chát của hạt cau, sau đó mang ướp với đường, đợi ngấm mang sên trên bếp cho đến khi sền sệt rồi phơi nắng.

Mứt cau kiểng có thành phần chính là hạt cau và đường. Hạt cau được Đông y công nhận là có công dụng với sức khỏe tuy nhiên mứt hạt cau kiểng chưa có đánh giá nào đầy đủ về lợi ích sức khỏe. Ngoài ra, cần lưu ý mứt thường được cho thêm nhiều đường để tạo vị ngọt và bảo quản lâu nên ăn nhiều không có lợi cho sức khỏe.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hat-cau-kieng-lam-mut-khac-gi-so-voi-hat-cau-ta-16924101522135271.htm