Hậu bão số 3: Giúp người dân bị hư hại nhà ở sớm ổn định đời sống

Hơn một tháng sau khi bão số 3 đi qua, nhiều hộ dân bị hư hại nhà ở, sạt lở đất hoặc nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở vẫn chưa thể trở về, phải đến nơi khác ở tạm. Cùng với nỗ lực từ gia đình, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cộng đồng đang chung tay giúp đỡ bà con.

Nhiều hộ vẫn phải ở nhờ

Hơn một tháng trước, căn nhà của chị Mông Thị Nam, thôn Đồng Dầu, xã An Bá (Sơn Động) là nơi sinh sống của cả gia đình 7 nhân khẩu. Ngôi nhà được xây cách đây vài năm từ số tiền tích lũy của đôi vợ chồng trẻ và vay mượn thêm từ người thân, bạn bè. Nợ xây nhà chưa trả xong thì bão số 3 ập đến, chủ hộ chỉ kịp sơ tán người và một số vật dụng trước khi ngôi nhà đổ sập.

Cùng ở thôn Đồng Dầu còn có gia đình chị Vũ Thị Giáp (tên khác là Cáp) bị sạt 2/3 ngôi nhà trôi xuống suối. Hơn một tháng kể từ khi bão đi qua, đến nay, hiện trường còn lại là những mảng tường vỡ vụn, mái nhà xiêu vẹo giữa nắng gió.

 Ngôi nhà của gia đình chị Mông Thị Nam ở thôn Đồng Dầu, xã An Bá (Sơn Động) bị đổ do bão số 3.

Ngôi nhà của gia đình chị Mông Thị Nam ở thôn Đồng Dầu, xã An Bá (Sơn Động) bị đổ do bão số 3.

Ông Hoàng Như Hậu, Chủ tịch UBND xã thông tin, vừa qua, địa phương có 113 hộ bị tốc mái, ngập nước, nằm ở vùng sạt lở đất. Trong đó, gia đình chị Nam, chị Giáp bị thiệt hại lớn nhất, cả hai gia đình này thuộc diện nghèo. Các gia đình được chính quyền địa phương hỗ trợ sơ tán đến ở tạm tại khu lẻ của Trường Tiểu học An Bá, cách nơi ở cũ khoảng 1km.

Theo thống kê, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm gần 8.300 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị hư hại, trong đó hai huyện Sơn Động, Lục Ngạn bị thiệt hại nặng nhất (Sơn Động 1.500 nhà, Lục Ngạn hơn 1.400 nhà).

Theo thống kê, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm gần 8.300 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị hư hại, trong đó hai huyện Sơn Động, Lục Ngạn bị thiệt hại nặng nhất (Sơn Động 1.500 nhà, Lục Ngạn hơn 1.400 nhà).

Ngay sau khi bão tan, lũ rút, các địa phương nhanh chóng hỗ trợ những gia đình bị tốc mái nhà, đổ tường bao sửa chữa, gia cố lại. Tuy vậy, ở mỗi địa phương vẫn còn hàng chục hộ bị thiệt hại từ 50-70% về nhà ở; nhiều hộ chưa thể trở về do nhà bị hư hỏng nặng hoặc thuộc vùng cảnh báo nguy cơ cao sạt lở. Hiện Lục Ngạn có 9 hộ, Sơn Động còn 27 hộ, Lục Nam còn một số hộ chưa thể về nhà do nhà, đất ở bị ảnh hưởng nặng bởi mưa bão.

Phát huy tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có những giải pháp bước đầu bảo đảm an toàn cho các gia đình song về lâu dài, những trường hợp này rất cần được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới nhà ở để ổn định đời sống lâu dài.

Hỗ trợ người dân tái định cư

Hầu hết những ngôi nhà bị sạt lở, đổ sập là nhà bán kiên cố, xây dựng đơn sơ, ở vị trí ven sông, suối, bìa rừng, khu vực có độ dốc lớn. Theo tính toán, chi phí xây một căn nhà cấp bốn diện tích khoảng 35 m2 từ 150-180 triệu đồng. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình rất eo hẹp, một số hộ có người ốm đau dài ngày, thuộc diện nghèo, cận nghèo nên không có đủ nguồn lực tái thiết. Nhiều gia đình trong vùng sạt lở không thể tiếp tục ở lại khu vực nguy hiểm song không có đất thổ cư ở nơi khác để xây dựng nhà mới.

Đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: “Sau bão số 3, huyện tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất; xây dựng, sửa chữa các công trình thiết yếu về nhà ở, giao thông, thủy lợi. Do nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp, huyện kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ giúp người dân sớm ổn định nơi ở, khôi phục sản xuất. Trường hợp ở vùng sạt lở không thể quay về nhà cũ, huyện sẽ xem xét tìm giải pháp để tái định cư lâu dài”.

UBND huyện Sơn Động đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh thực hiện các dự án đầu tư công khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Huyện đã khảo sát, lập danh mục các công trình bị ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ cần phải sửa chữa, khắc phục ngay để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Chia sẻ khó khăn với các hộ bị thiệt hại do bão gây ra, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đăng ký cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người dân. Theo Hiệp hội DN tỉnh, các DN trong Hiệp hội đăng ký ủng hộ 6,7 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả. Cụ thể, một số DN như: Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thành Công đăng ký hỗ trợ xây 4 căn nhà cho các gia đình bị thiệt hại nặng sau bão với chi phí tài trợ từ 100-170 triệu đồng/nhà.

Một số DN khác như: Công ty TNHH Thương mại và Vận tải CGT; Công ty cổ phần Xây dựng Thành Đô; Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group... cũng ủng hộ kinh phí giúp các địa phương xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân. Các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ ngày công, qua đó giảm chi phí xây dựng cho các gia đình.

Từ các nguồn vận động xã hội hóa khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận hơn 108 tỷ đồng và nhiều hàng hóa của các cơ quan, ban, ngành T.Ư, các tỉnh, TP trong cả nước, các cơ quan, đơn vị, DN ở trong và ngoài tỉnh ủng hộ. Căn cứ quy định và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đang triển khai phân bổ cho các địa phương bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng; việc phân bổ hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Theo văn bản số 58/MTTQ - BVĐ của Ban Vận động cứu trợ tỉnh, gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi hoàn toàn do thiên tai, bão lũ mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà với mức 50 triệu đồng/hộ; hộ có nhà bị hư hỏng nặng được hỗ trợ chi phí sửa chữa với mức 25 triệu đồng/hộ; hộ phải di dời khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ lụt do thiên tai hoặc lý do bất khả kháng được xem xét hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ.

Tại mỗi địa phương, tùy tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn lực cụ thể như cử lực lượng giúp về ngày công, tặng đồ dùng sinh hoạt... hoặc bố trí đất tái định cư để các gia đình sớm được ở trong căn nhà kiên cố, an toàn, ổn định đời sống.

Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hau-bao-so-3-giup-nguoi-dan-bi-hu-hai-nha-o-som-on-dinh-doi-song-073314.bbg