Hậu Giang chăm lo đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tỉnh Hậu Giang đã và đang nỗ lực trong việc cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững trong khu vực.

Hậu Giang hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Hậu Giang hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang về kết quả thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình từ năm 2022 đến hết ngày 30/9/2024, Dự án 1 đã giải ngân được tổng cộng 25.510 triệu đồng trên tổng số vốn 31.039 triệu đồng, đạt 88,66%. Trong đó, vốn đầu tư là 5.016 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 1.794 triệu đồng và vốn tín dụng đã giải ngân đạt 18.700 triệu đồng (100% nguồn vốn tín dụng của các năm 2022 và 2023).

Riêng về nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, tỉnh đã giải ngân cho 497 hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán với tổng số tiền 1.551 triệu đồng trên tổng số vốn 1.589 triệu đồng, đạt 98%. Đồng thời, hoàn thành việc đầu tư phát triển tuyến ống cấp nước trên địa bàn xã Xà Phiên và xã Lương Nghĩa với số tiền 3.296 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch.

Tỉnh Hậu Giang đã đạt được mục tiêu quan trọng là đảm bảo 90% đồng bào DTTS được tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như việc giải quyết triệt để tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho tất cả các hộ DTTS. Tỉnh đánh giá việc triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho đồng bào DTTS.

Trong báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh ngày 8/10/2024 về tình hình triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, đã nêu rõ những kết quả nổi bật trong việc triển khai Chương trình giai đoạn 2022 - 2024. Tổng nguồn vốn được huy động để thực hiện Chương trình là 110.212 triệu đồng, bao gồm 67.455 triệu đồng từ ngân sách Trung ương (35.538 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 31.917 triệu đồng vốn sự nghiệp), 20.057 triệu đồng từ ngân sách đối ứng của tỉnh (15.305 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 4.752 triệu đồng vốn sự nghiệp), cùng với 22.700 triệu đồng từ vốn vay tín dụng chính sách.

Tỉnh Hậu Giang đã triển khai 9/10 dự án và tiểu dự án thuộc Chương trình, tập trung quyết liệt và đồng bộ vào các nội dung của Chương trình. Đến ngày 16/9/2024, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng 43 căn nhà ở cho các hộ dân, trong đó có 23 căn dành cho đồng bào DTTS. Đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 41 hộ và cung cấp nước sinh hoạt phân tán cho 768 hộ. Ngoài ra, 3 công trình cấp nước tập trung cũng đã được xây dựng hoàn thiện, góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sống của người dân vùng đồng bào DTTS.

Trong quá trình thực hiện Dự án 1, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang (MTTQ) đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các chính sách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). MTTQ đã giám sát chặt chẽ việc xây dựng và bàn giao nhà ở, kiểm tra tiến độ thi công và chất lượng công trình, đảm bảo đúng tiêu chuẩn.

Đối với những gia đình thiếu đất ở ổn định, MTTQ phối hợp với các đơn vị liên quan xác định đúng đối tượng thụ hưởng để tránh sai lệch trong phân bổ nguồn lực. Về hỗ trợ đất sản xuất, MTTQ tham gia rà soát và phân bổ đất cho các hộ DTTS, đồng thời giám sát quyền sử dụng đất để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trong lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt, MTTQ theo dõi việc lắp đặt hệ thống cấp nước và tiếp thu phản hồi từ người dân về hiệu quả sử dụng nguồn nước. MTTQ cũng đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và người dân, tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến và đề xuất điều chỉnh phù hợp. Qua đó, MTTQ góp phần đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, tạo niềm tin vững chắc cho người dân trong thực hiện dự án.

Huyện Long Mỹ hiện có hơn 2.400 hộ đồng bào DTTS, là nơi tập trung đông đảo nhất đồng bào DTTS tại tỉnh Hậu Giang. Trong những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS, cải thiện đời sống của người dân.

Về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt thuộc Chương trình, đến nay, 20 hộ đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề, 95 hộ có nước sinh hoạt phân tán và 25 hộ được giải quyết về vấn đề nhà ở. Đặc biệt, huyện đã đầu tư phát triển hệ thống tuyến ống cấp nước cho các xã Xà Phiên và Lương Nghĩa - những khu vực đặc biệt khó khăn của vùng đồng bào DTTS.

Tính đến thời điểm hiện tại, với tổng nguồn vốn phân bổ 8 tỷ đồng, dự án giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt đã mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 800 hộ dân tại xã Lương Nghĩa và Xà Phiên. Nhờ đó, các hộ đồng bào DTTS đã có nguồn nước sinh hoạt ổn định, dần thực hiện ước mơ "an cư lạc nghiệp" và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc giải ngân vốn chậm do các văn bản hướng dẫn từ Trung ương chưa kịp thời, cùng với kinh tế vùng đồng bào thiểu số phát triển chưa đồng bộ và tỷ lệ giảm hộ nghèo còn thấp. Hơn nữa, cơ sở vật chất phục vụ phát triển còn thiếu, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, và trình độ lao động chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai dự án và sự phát triển bền vững của cộng đồng DTTS.

UBND tỉnh Hậu Giang đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là trong công tác hỗ trợ đồng bào DTTS. Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế và chính sách, chỉ đạo các địa phương rút kinh nghiệm từ những khó khăn gặp phải để cải thiện quy trình giải ngân trong thời gian tới. Đồng thời, Ban Dân tộc sẽ tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành để tổ chức thực hiện chương trình một cách đồng bộ và hiệu quả.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp quản lý, hướng dẫn các địa phương triển khai kịp thời các hoạt động đầu tư của chương trình, đồng thời đề xuất Trung ương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách. Việc huy động và phân bổ nguồn lực cũng sẽ được chú trọng, đặc biệt là từ ngân sách địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tỉnh sẽ thực hiện quy trình lập kế hoạch, giải ngân và thanh quyết toán theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Hậu Giang sẽ tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, chú trọng lồng ghép giới trong các nhiệm vụ của chương trình. Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện cũng sẽ được tăng cường, đảm bảo sự tham gia của người dân. Tỉnh sẽ tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. UBND tỉnh Hậu Giang cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trong việc tiếp cận các nguồn lực, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định đời sống cho bà con.

Hồng Nhung

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/hau-giang-cham-lo-doi-song-nguoi-dan-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-58715.html