Hậu luận tội, tiền bầu cử Mỹ: Phía cuối con đường
Kết quả luận tội là không bất ngờ, nhưng số phiếu sau hai vòng bầu cử Tổng thống sơ bộ đầu tiên tại bang Iowa và New Hampshire thì có. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu vận động tranh cử tại bang New Hampshire ngày 10/2. (Nguồn: Getty Images)
Không ngạc nhiên sao được, khi trong bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Iowa ngày 9/2, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren hay Bernie Sanders đã lép vế trước nhân vật ít tiếng tăm hơn – ông Pete Buttigieg, Thị trưởng trẻ tuổi của thành phố South Bend, bang Indiana. Chính trị gia sinh năm 1982 này giành được 13 phiếu, theo sau là ông Sanders (12 phiếu), bà Warren (8 phiếu) và ông Biden (6 phiếu).
Iowa là bang đầu tiên tiến hành bầu cử sơ bộ và cũng là nơi “tiên tri” về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống – ai chiến thắng trong bầu cử sơ bộ tại đây đều trở thành ông chủ của Nhà Trắng. Liệu lịch sử sẽ lặp lại năm 2020?
Điều này là hoàn toàn có cơ sở, nếu nhìn vào kết quả bỏ phiếu của bang New Hampshire ngày 11/2, với 86% số phiếu được kiểm, ông Buttigieg và ông Sanders đã bỏ xa đối thủ còn lại trong đảng với cùng 9 phiếu. Sự xuất hiện của chính trị gia trẻ tuổi, nhiệt huyết như ông Buttigieg rõ ràng là làn gió mới cần thiết cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông Sanders cũng thể hiện được tầm ảnh hưởng khi đối thủ truyền thống “xuống” phong độ. Cuộc đua song mã vì thế sẽ còn gay cấn và quyết liệt trong thời gian tới.
Trái lại, về phía đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Donald Trump đã thắng dễ tại Iowa (39/40 phiếu) và New Hampshire (20/22 phiếu). Thực trạng này cho thấy cạnh tranh nội bộ là không nhiều và ông Trump nhiều khả năng chắc suất ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong bầu cử tới.
Cuộc chiến không cân sức
So với hai ứng cử viên sáng giá hiện nay của đảng Dân chủ là ông Buttigieg và ông Sanders, ông Trump sở hữu nhiều ưu thế vượt trội.
Đầu tiên, kể từ năm 1993, các Tổng thống Mỹ đương nhiệm luôn tái đắc cử, với tỷ lệ ủng hộ cao. Xét trong bối cảnh hiện tại, ông Trump rõ ràng có cơ sở để tin tưởng vào “tiền lệ” này.
Thứ hai, tình hình hiện tại đang có nhiều yếu tố thuận lợi để đương kim Tổng thống ghi điểm trong mắt cử tri. Trong nước, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trước ổn định; khảo sát mới nhất cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của ông Trump đang ở mức cao nhất trong nhiệm kỳ (49%), với tỷ lệ ủng hộ trong đảng tiếp tục tăng (94%).
Trên trường quốc tế, dịch viêm phổi do chủng mới virus corona (COVID-19) dự kiến tác động đáng kể tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc; Mỹ có thể tận dụng cơ hội này để thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận thương mại có lợi cho Washington, hoàn thành lời hứa tranh cử năm 2016 và tạo lợi thế vô cùng lớn cho ông Trump trên hành trình tái đắc cử Tổng thống. Mỹ cũng đã hoàn thành thỏa thuận thương mại song phương với đối tác lớn là Nhật Bản, đàm phán lại điều khoản trong thỏa thuận với Hàn Quốc và khả năng sẽ ký thỏa thuận thương mại với Ấn Độ.
Thứ ba, so với các ứng cử viên còn lại, ông Trump vượt trội về lịch duyệt chính trị sau bốn năm lăn lộn nơi Nhà Trắng, trong khi ông Buttigieg vẫn chỉ là “tân binh”, còn ông Sanders không có nhiều kinh nghiệm quản lý, điều hành ở cấp độ liên bang.
Bản lĩnh người cầm lái
Tuy nhiên, sẽ là chủ quan nếu sớm loại ông Buttigieg hay ông Sanders ra khỏi đường đua, bởi còn hơn bảy tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử cuối cùng. Sức trẻ từng là yếu tố then chốt giúp ông Barack Obama chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước đối thủ đảng Dân chủ, Thượng nghị sỹ John Kerry. Nước Mỹ cũng chứng kiến những chính trị gia lớn tuổi ghi tên vào danh sách người đứng đầu quốc gia, trong đó có đương kim Tổng thống.
Quan trọng hơn, ông Trump vẫn phải đối mặt với một số thách thức đáng kể và một bước sảy chân có thể chấm dứt sự nghiệp chính trị vào tháng 10 tới.
Thứ nhất, sau khi luận tội thất bại, đảng Dân chủ sẽ tiếp tục tạo áp lực bằng nhiều cách, tác động để ông Trump không thể hoàn thành mục tiêu tranh cử 2016, tạo điều kiện cho ứng cử viên đảng này bứt phá giành lợi thế.
Thứ hai, ông Trump tiếp tục vướng vào vụ việc gây tranh cãi, tổn hại đến uy tín cá nhân. Trong đó có cáo buộc xâm hại của bà Summer Zervos, thí sinh từng tham gia chương trình truyền hình thực tế The Apprentice năm 2006 do ông Trump sản xuất. Đáng ngại hơn, quyết định sa thải Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland và Giám đốc Phụ trách các vấn đề châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia Alexander Vindman của ông đã gây phản ứng tiêu cực trong dư luận Mỹ.
Thứ ba, ông Trump chưa thể hoàn thành nhiều lời hứa tranh cử. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung chưa có kết quả cuối cùng. Tình hình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên khó đạt thỏa thuận nếu không có nhượng bộ từ hai phía. Căng thẳng Mỹ - Iran tiếp tục nóng, Syria tiếp tục là “vũng bùn” khó thoát.
Như vậy, dù có nhiều ưu thế, song ông Donald Trump cần thận trọng nhằm duy trì, nới rộng cách biệt hiện có để tái khẳng định vị trí người đứng đầu Nhà Trắng bởi hơn ai hết, ông hiểu rõ cảm giác chiến thắng “lội ngược dòng” và hẳn không muốn trở thành nạn nhân của nó.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-luan-toi-tien-bau-cu-my-phia-cuoi-con-duong-109413.html