Hậu quả của hành vi côn đồ
Từ những người đều là lao động chính, nuôi sống cả gia đình, nay các bị hại trong vụ án trở thành người tàn tật và phải sống dựa vào sự chăm sóc của người khác suốt phần đời còn lại.
Tại phiên tòa xét xử ngày 6-4, bị cáo Nguyễn Văn Huy (30 tuổi, quê H.Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã bật khóc. Bị cáo không chỉ khóc cho bản thân mình phải chịu cảnh tù tội mà còn vì hối hận khi đã gây ra bao đau thương cho bị hại.
* Vô cớ chém người
Nghe tin con bị xét xử, ông N.V.H. (54 tuổi, cha bị cáo Huy) đã khăn gói từ tỉnh Bắc Giang vào Đồng Nai để thăm con. Thế nhưng, gặp con chưa nói được câu nào thì giọng ông nghẹn lại không thốt nên lời, rưng rưng những giọt nước mắt chảy dài.
Ban đầu, ông H. còn đứng lấp ló ngoài cửa sổ phòng xét xử để nhìn con, sau đó vì không cầm lòng được nên ông ra chiếc ghế đá nơi góc phòng ngồi trầm ngâm một mình. Ông chia sẻ, gia đình ông thuộc diện khó khăn, bị cáo là con út, chưa có vợ con. Ngày nghe tin bị cáo giết người, bệnh tim của vợ ông lại càng nặng thêm nên không thể vào thăm con.
Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã tuyên buộc bị cáo Nguyễn Văn Huy bồi thường cho các bị hại tổng cộng hơn 1,1 tỷ đồng. Tại phiên tòa, thông qua vận động của luật sư bào chữa, gia đình bị cáo đã bồi thường cho 4 bị hại trong vụ án tổng cộng 50 triệu đồng.
“Tôi vào thăm con là chính, nhưng khi nhìn thấy các bị hại đều bị thương rất nặng, tôi chẳng còn mở miệng ra nói xin lỗi được với họ nữa. Vì thật ra, không có lời xin lỗi nào bù đắp được sự đau thương của họ. Tôi đến lặng người vì sự việc nghiêm trọng hơn những gì tôi biết. Con tôi gây ra tội lỗi quá lớn” - ông H. bộc bạch.
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Huy không khai nhiều về vụ án mà chỉ lí nhí nhận hành vi sai trái của bản thân như trong cáo trạng đã truy tố. Cụ thể, cáo trạng của Viện KSND tỉnh xác định, chị Mai Thị Trinh (28 tuổi) và Đỗ Thị Kim Ngân (23 tuổi) cùng làm nhân viên tại quán nhậu Y. (TP.Biên Hòa) và xảy ra mâu thuẫn với nhau. Sau đó, chị Ngân và Trinh đã hẹn nhau tại quán S.K. (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) để nói chuyện giảng hòa.
Vào ngày 24-8-2020, sau khi đến điểm hẹn, vì sợ bị đánh nên chị Ngân gọi điện rủ thêm các anh Lê Văn Hùng (31 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình), Y Khoa Hmok (26 tuổi), Y Vi Hmok (32 tuổi), Bùi Tấn Dũng (25 tuổi), đều ngụ tỉnh Đắk Lắk, cùng đến quán. Khi nhóm bạn của chị Ngân đang đứng phía trước quán S.K. nói chuyện thì bất ngờ bị Huy (bạn trai của Trinh) chạy đến dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát. Hậu quả, anh Hùng bị thương tật tỷ lệ 76%, anh Y Vi Hmok bị thương tật tỷ lệ 82%, anh Y Khoa Hmok bị thương tật tỷ lệ 2%, anh Dũng bị thương tật tỷ lệ 26%.
* Nỗi đau tiếp nối nỗi đau
Ập vào mắt những người tham dự phiên tòa là hình ảnh bị hại Lê Văn Hùng với cánh tay trái đã không còn, cánh tay phải chằng chịt những vết thương và hiện vẫn nhiễm trùng sau khi được phẫu thuật nối lại.
Nhắc lại bi kịch của cuộc đời với một nụ cười gượng gạo, anh Hùng kể, bản thân sau khi học xong đại học bách khoa thì trở thành một lập trình viên và có công việc với nguồn thu nhập ổn định. Xa quê lập nghiệp nhưng anh đã tự mua cho mình một căn nhà tại TP.Biên Hòa và đưa cha mẹ già vào phụng dưỡng.
Những tưởng cuộc sống luôn êm đẹp cho đến khi anh Hùng nhận được cuộc gọi của Ngân nhờ ra nói chuyện giảng hòa do mâu thuẫn cá nhân. Khi đang đứng trước điểm hẹn hỏi chuyện của Ngân thì từ phía sau anh Hùng bị Huy dùng dao truy sát và chặt đứt hai cánh tay. Những người khác trong nhóm cũng bị đuổi chém.
“Sau khi vụ án xảy ra, tôi chưa được gia đình bị cáo hỏi han, bồi thường gì. Tôi đến tòa không hẳn để đòi bồi thường mà chỉ muốn biết tại sao mình bị chém. Kể cả hôm nay tại tòa, bị cáo cũng không chịu khai nhận tại sao lại chém tôi” - anh Hùng bức xúc.
Sau khi bị chém, để có tiền chạy chữa, anh Hùng đã phải bán căn nhà của mình tại TP.Biên Hòa rồi đến thuê phòng trọ tại H.Nhơn Trạch sống tạm bợ qua ngày. Thu nhập chính hiện nay đều nhờ cả vào người vợ.
Ngoài anh Hùng thì vết thương của anh Y Vi Hmok còn nặng hơn với thương tật 82%. Vén chiếc áo thun lên đến tận vai, anh Y Vi Hmok cho chúng tôi thấy một mảng lưng chi chít những vết dao chém gây thương tật nặng ảnh hưởng vào phổi. Từ ngày bị chém, anh Y Vi Hmok đã được đưa về nhà sống cùng cha mẹ để tiện bề chăm sóc.
Anh kể, vì là anh cả trong gia đình nên anh Y Vi Hmok xin cha mẹ rời bản làng nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đến Đồng Nai làm công nhân kiếm tiền gửi về phụ cha mẹ nuôi em. Ngờ đâu, kiếm tiền chưa được bao lâu thì anh đã phải về nhà trong tình trạng thập tử nhất sinh. Để cứu chữa cho con, cha anh đã phải bán đi gần hết đất rẫy sản xuất. Khi được tòa triệu tập, gia đình anh mượn 5 triệu đồng thuê một chiếc xe chở các bị hại khác và người thân đến tham dự phiên tòa.
“Hiện nay, tôi chỉ có thể tự vệ sinh cá nhân mà không thể làm được bất kỳ một việc gì phụ giúp cha mẹ. Tôi thấy mọi thứ sụp đổ hoàn toàn. Bản tính côn đồ của bị cáo đã tước đi mọi thứ tốt đẹp của chúng tôi” - anh Y Vi Hmok buồn bã nói.
Phiên tòa kết thúc, với hành vi côn đồ, tình tiết tăng nặng, bị cáo Huy đã bị tuyên mức án 14 năm tù giam. Trước khi ra về, bị cáo đứng trước các bị hại cúi đầu nhận sai và xin được tha thứ. Tuy vậy, lời xin lỗi và sự tha thứ đã trở nên vô nghĩa khi hậu quả của sự việc để lại là quá lớn.
Giữa trời nắng như đổ lửa, bị cáo bị dẫn giải lên xe về lại trại giam chịu án. Các bị hại với thân hình mang thương tật ra về với những nỗi đau cả trên cơ thể lẫn tinh thần. Cuối cùng, sau những vụ án, mâu thuẫn thì chỉ còn lại toàn đau thương và mất mát.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202304/hau-qua-cua-hanh-vi-con-do-3162832/