Hậu quả nguy hiểm đến sức khỏe khi bị trào ngược dạ dày – thực quản
Người bị trào ngược dạ dày sẽ gặp tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên phần thực quản (đây là phần ống nối từ miệng đến dạ dày), khiến cho lớp niêm mạc thực quản bị kích thích và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.
Thế nào được gọi là trào ngược dạ dày – thực quản?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày gồm acid HCL, pepsin, dịch mật, thậm chí là cả thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản được chia làm 2 dạng là trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý.
– Trào ngược sinh lý, chức năng thường không ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể.
– Trào ngược bệnh lý có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm thực quản, và một số biến chứng hô hấp, tiêu hóa khác, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Những người bị trào ngược dạ dày thường bị ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Buồn nôn, nôn. Bệnh nhân cảm thấy đau rát ngực, nuốt khó, hay bị ho, khàn giọng. Tăng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường. Dịch vị trào lên kèm theo dịch mật khiến người bệnh có cảm giác đắng miệng
Các biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày – thực quản
1. Viêm loét thực quản trào ngược (Erosive esophagitis – EE)
Đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, gặp ở 50% bệnh nhân. Nguyên nhân do dịch vị của dạ dày gây tổn thương niêm mạc thực quản, lâu ngày hình thành các ổ viêm, gây đau ngực sau xương ức, nuốt đau, khó nuốt, buồn nôn, mất cảm giác thèm ăn...
2. Hẹp thực quản
Là tình trạng xảy ra ở khoảng 10% bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Khi thực quản bị tiếp xúc với dịch vị axit của dạ dày trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng sưng, phù nề, viêm và ăn mòn lớp niêm mạc thực quản. Về sau, các tổn thương này sẽ trở thành các mô sẹo và gây chít hẹp thực quản.
Các triệu chứng ợ chua, ợ nóng sẽ bắt đầu giảm dần, tuy nhiên bệnh nhân sẽ ngày càng tăng về mức độ các triệu chứng như khó nuốt, khó ăn, nôn trớ nhiều đặc biệt là với các loại thức ăn đặc.
3. Thủng thực quản
Đây là một biến chứng ít xảy ra nhất ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản. Khi niêm mạc thực quản bị viêm, các tổ chức dưới niêm sẽ bị bộc lộ và đến lượt nó tiếp xúc với thức ăn và dịch vị axit từ dạ dày. Các tổ chức dưới niêm cũng sẽ bắt đầu bị tổn thương, thành thực quản sẽ bị tổn thương sâu dần và cuối cùng dẫn đến thủng thực quản, gây trào thức ăn và dịch vị vào trung thất. Đây là một biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ hạn chế được biến chứng này.
4. Barrett thực quản
Barrett thực quản chiếm 8 – 15 % bệnh nhân bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Do tình trạng trào ngược dai dẳng ở một số bệnh nhân, thực quản sau khi bị tổn thương sẽ bắt đầu tăng tái tạo, một số trường hợp các tế bào mới bị biến đổi, chuyển sản hoặc nghịch sản (do môi trường trong thực quản bị biến đổi), gây nên biến chứng thực quản Barrett, đây cũng được xem là một tổn thương tiền ung thư.
Thực quản Barrett có hai dạng chính :
- Thực quản Barrett đoạn ngắn: Tổn thương < 3 cm.
- Thực quản Barrett đoạn dài: Tổn thương ≥ 3 cm.
Hoặc phân loại theo Prague (theo mô bệnh học):
- Barrett thực quản không loạn sản hoặc dị sản (0,5 %): Bệnh cảnh này cần được theo dõi bằng nội soi mỗi từ 3 đến 5 năm.
- Barrett thực quản có loạn sản mức độ thấp (10 %): Việc cân nhắc điều trị hoặc theo dõi bằng nội soi sinh thiết mỗi 6 tháng.
- Barrett thực quản có loạn sản mức độ cao (40 %): Chỉ định cắt niêm mạc thực quản qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt vào tạo hình thực quản.
5. Ung thư thực quản
Thường gặp nhất là ung thư biểu mô tuyến thực quản, thường xảy ra sau giai đoạn Barrett thực quản có loạn sản mức độ cao. Ung thư biểu mô tuyến thực quản thường gặp ở người trên 50 tuổi, gây chảy máu thực quản, đau nhiều hơn, sút cân, sạm da... Bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến thực quản có tỉ lệ tử vong cao với tỉ lệ sống trong 3 năm (kể từ khi phát hiện bệnh) là 5%.
6. Biến chứng trên đường hô hấp
Biểu hiện bởi các triệu chứng của trào ngược dạ dày ngoài thực quản, do lượng thức ăn và dịch vị của dạ dày bị trào ngược lên thực quản, đi qua dây thanh âm và đi vào khí quản. Từ đó, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng ho mãn tính, viêm họng, viêm thanh quản tái phát, hen phế quản, chứng bào mòn răng...