Hãy cố gắng kiên nhẫn, nỗi tuyệt vọng rồi sẽ qua đi

Nếu chúng ta ở trong tình huống không may, dù lớn hay nhỏ, hãy suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Điều đó không những tốt cho bản thân ta mà còn làm cho mọi người xung quanh ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khyentse Norbu là một vị tăng trẻ ở Tây Tạng vào lúc đạo diễn nổi tiếng thế giới Bernardo Bertolucci đến Ấn Độ để làm phim "Little Buddha" nói về cuộc đời của Thái tử Siddhartha, người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca. Khyentse Norbu được đoàn làm phim phát hiện và chỉ 5 năm sau, bộ phim do chính ông thực hiện, "The Cup", nói về ám ảnh của một nhóm các vị sư trẻ về chức vô địch bóng đá thế giới, được trình chiếu và chào đón nồng nhiệt. Chỉ trong một thời gian ngắn, Khyentse Norbu đã trở nên nổi tiếng.

Tôi có đọc một bài phỏng vấn Khyentse Norbu ngay sau sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời ông. Trong bài phỏng vấn, ông nói về "khái niệm tạm thời" của Phật giáo mà theo đó, mọi vật đều thay đổi và không có gì tồn tại vĩnh hằng. Ông cho rằng, những người không phải là tín đồ Phật giáo thường nghĩ "khái niệm tạm thời" chỉ là một "liều thuốc giảm đau" vì nó chú trọng đến việc an ủi sự mất mát.

Tuy nhiên, ông còn xem đó là một tư tưởng tích cực ở một khía cạnh khác. Ông nói đùa rằng: "Nếu không có "khái niệm tạm thời", tôi sẽ phải thất vọng khi đối diện với một sự thật phũ phàng là tôi không có một chiếc xe BMW nào hết. Nhưng nếu tin vào "khái niệm tạm thời", tôi có thể hy vọng là tình trạng không có chiếc xe BMW của mình sẽ thay đổi bất kỳ lúc nào!".

Tôi đã bật cười khi đọc tới đó nhưng quả thực câu nói ấy đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Trong quá trình tập luyện tính kiên nhẫn, câu nói của ông nhắc chúng ta nhớ rằng, mọi vật luôn vận động, biến đổi và vì thế nó giúp chúng ta chủ động vượt qua những tình huống khó khăn. Ngay cả khi những chuyển biến của tình huống không diễn ra nhanh hay theo hướng ta mong đợi, chúng ta vẫn còn hy vọng là điều đó cũng sẽ được thay đổi.

Khi thiếu lòng kiên nhẫn, chúng ta có khuynh hướng mất lòng tin vào tương lai vì những tình huống hiện tại. Ví dụ, ta thường khẳng định một việc nào đó là như vậy mà nó sẽ là như thế mãi mãi: Tôi sẽ mãi mãi phải làm công việc thay tã này; tôi sẽ mãi mãi cô đơn; tôi sẽ phải nằm liệt giường đến hết đời... Chúng ta đừng nên có những suy nghĩ bi quan như vậy.

Nếu chúng ta ở trong tình huống không may, dù lớn hay nhỏ, hãy suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Điều đó không những tốt cho bản thân ta mà còn làm cho mọi người xung quanh ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Còn với bản thân, chúng ta hãy cố gắng kiên nhẫn, rồi đến một lúc nào đó nỗi tuyệt vọng sẽ qua đi.

Khi ý thức được rằng mọi vật luôn luôn vận động và biến đổi, chúng ta sẽ giữ được sự thoải mái cho chính bản thân mình. Đó là lý do tại sao tôi đã cười khi hiểu được ý nghĩa của câu châm ngôn Đức: Lâu không có nghĩa là mãi mãi, nó chỉ làm ta có cảm giác như vậy thôi!

Dĩ nhiên, không chỉ có những tín đồ Phật giáo và người Đức mới ý thức được điều này. Đức Chúa Jesus cũng từng nói: "Điều này rồi cũng sẽ qua". Sự thật, quan điểm này là một phát hiện vĩ đại đã được chứng minh qua thời gian vì nó đã mang đến cho chúng ta sức mạnh và niềm hy vọng. Hãy cùng với sự kiên nhẫn đi đến mục tiêu cuối cùng, cho dù có phải đối mặt với khó khăn, thử thách nào đi nữa!

Trí Việt

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hay-co-gang-kien-nhan-noi-tuyet-vong-roi-se-qua-di-20210712135125747.htm