Hãy để môn Sử đứng độc lập

Dạy cả Địa lý và Lịch sử, nếu giáo viên thiếu kiến thức chuyên sâu thì sao tránh khỏi việc thầy giảng dạy kiểu áp đặt, chỉ biết truyền thụ kiến thức một chiều?

LTS: Hiện nay, nhiều học sinh có kiến thức lịch sử còn khá mù mờ. Vì vậy, cô giáo Phan Tuyết đề nghị giữ môn Lịch sử đứng độc lập để giáo viên có chuyên môn tốt nhất truyền đạt kiến thức đến học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cách đây không lâu, trong chương trình Chuyển động 24h của VTV1 đưa một clip với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”

Câu trả lời khiến người xem… ngã ngửa “Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai anh em ruột”.

Cũng như khi đặt câu hỏi “Quang Trung là ai?” Có những học sinh còn tự tin nói rằng: “Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”.

Bất ngờ, thất vọng khi lớp trẻ không hề biết sử ta. Đã có hàng trăm bài viết trên các phương tiện truyền thông để tìm ra nguyên nhân học trò mù mờ kiến thức lịch sử.

Và một trong những nguyên nhân được đề cập nhiều nhất là sách giáo khoa và năng lực giáo viên.

Hình minh họa, nguồn: Báo Tiền Phong / Hải Nguyễn.

Hình minh họa, nguồn: Báo Tiền Phong / Hải Nguyễn.

Tại buổi họp báo thông tin về dự thảo nội dung các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ biên chương trình môn Sử Giáo sư Phạm Hồng Tung chia sẻ:

Nếu dạy Lịch sử theo cách bắt học sinh nhớ dằng dặc những số liệu, ngày tháng, sự kiện, hỏi cụ thể trận đánh đó địch chết bao nhiêu, bắn rơi bao nhiêu máy bay mà buộc các em phải trả lời chính xác thì ai cũng sợ và nói thật tôi cũng sợ”.

“Nếu dạy Lịch sử theo cách áp đặt kiến thức một chiều, không nói cho học sinh hiểu học lịch sử thì có thể làm được gì và vận dụng kinh nghiệm lịch sử vào đâu thì ai cũng chán sử”.

Và chương trình môn Sử đã được chủ biên chương trình cam kết trong chương trình mới học sinh không còn phải sợ học Sử nữa.

Dù chưa có nội dung chi tiết về sách giáo khoa nhưng trước cam kết hùng hồn ấy chúng tôi vẫn cứ tạm tin rằng chủ biên chương trình đang nói đúng.

Cứ cho rằng chúng ta sẽ có một bộ sách giáo khoa Lịch sử hay nhưng lại không có được đội ngũ thầy cô có kiến thức chuyên sâu về môn học, giàu kinh nghiệm trong giảng dạy thì cũng chẳng ăn thua gì.

Không có chuyên môn Sử thì dạy kiểu gì cho đạt?

Ở chương trình cũ, giáo viên Sử là những thầy cô đã học tại khoa Sử các trường sư phạm một thời gian khá dài (bậc Trung học cơ sở 3 năm, Trung học phổ thông là 4 năm) mà khi ra trường đi dạy, không ít thầy cô triển khai bài dạy chỉ gói gọn những gì viết trong sách giáo khoa.

Thế nên trò đã chán sử lại càng ngán học hơn bởi cách truyền thụ, dẫn dắt trong tiết học của giáo viên không mấy hấp dẫn.

Giáo viên có chuyên môn Sử đã thế, nay tích hợp lịch sử và địa lý thành môn Lịch sử & Địa lý và giáo viên dạy Địa cũng phải dạy Sử.

Thiếu kiến thức chuyên sâu thì làm sao tránh khỏi việc thầy giảng dạy kiểu áp đặt, chỉ biết truyền thụ kiến thức một chiều?

Với bất kì phương pháp dạy nào (dạy học truyền thống hay lấy học sinh làm trung tâm) thì vai trò của người thầy trong tiết học là vô cùng quan trọng.

Thầy phải truyền được “lửa”, truyền được cảm hứng cho học trò để chính các em thấy hứng thú và yêu thích môn học. Điều này là vô cùng khó, không phải giáo viên nào cũng làm được.

Để tiết học sinh động, hấp dẫn, cuốn hút được sự tập trung của học sinh thì giáo viên phải có nền tảng kiến thức vững vàng, có kiến thức chuyên sâu về môn học ấy, có lòng nhiệt huyết và có kĩ năng sư phạm thành thục.

Những kĩ năng sư phạm có thể học hỏi, trau dồi bằng sự nhiệt huyết nhưng kiến thức chuyên sâu về bộ môn ngoài sự rèn luyện, tìm tòi, học hỏi trong quá trình dạy còn là sự tích lũy trong suốt cả thời gian dài học tập.

Nay ban soạn thảo chương trình gộp môn Lịch sử vào chung với Địa lý bằng hai từ tích hợp nhưng thực chất chỉ là lấy hai môn gộp chung vào một cuốn sách có hai phần sử và địa riêng biệt.

Điều tệ hại là giáo viên Địa phải dạy cả Sử. Họ sẽ dạy làm sao? Dạy thế nào cho đúng nghĩa từ dạy?

Hay lại mở sách giáo kho cho học sinh đọc, trả lời vài ba câu hỏi nêu trong sách là hết bài? Cách dạy này chắc chắn sẽ giết chết môn Sử một lần nữa.

Người biên soạn chương trình cam đoan rằng sẽ cho giáo viên đi học tập huấn mươi ngày để về dạy.

Với cách làm này, e chừng cũng chẳng giải quyết được việc gì. Mươi ngày tập huấn thậm chí là vài tháng cũng chẳng thể giúp giáo viên không có chuyên môn sâu về môn học bỗng chốc có được những kiến thức cần thiết để dạy lại học sinh.

Vì tương lai học sinh, vì nền giáo dục nước nhà, vì tình yêu với môn Sử mong các nhà biên soạn chương trình hãy để môn Sử đứng độc lập đừng nên tích hợp kiểu khiên cưỡng như thế.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hay-de-mon-su-dung-doc-lap-post183400.gd