HDBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng và mua một công ty chứng khoán
HDBank đã được cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại khác và góp vốn mua một công ty chứng khoán.
Ngày 26-4, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023.
Tại đây, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua việc HDBank tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong đó HĐQT HDBank được giao và ủy quyền thực hiện, hoàn tất công việc liên quan đến nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần, phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài ra, HDBank cũng sẽ tham gia góp vốn, mua cổ phần một công ty trong lĩnh vực chứng khoán để công ty đó trở thành công ty con của HDBank.
Mặc dù HDBank vẫn chưa tiết lộ tên ngân hàng mà HDBank tham gia cơ cấu nhưng ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính.
Liên quan đến mua công ty chứng khoán, HĐQT HDBank cho biết, xác định lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai. Vì thế, việc đầu tư vào công ty chứng khoán có thể giúp HDBank mở rộng và khai thác hiệu quả hơn nữa tệp khách hàng hiện hữu.
Ngoài ra, ngân hàng còn có cơ hội bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ… từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngân hàng. Theo đó, Công ty trong lĩnh vực chứng khoán mà HDBank tham gia góp vốn, mua cổ phần cần đáp ứng các điều kiện: được phép kinh doanh môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán; vốn điều lệ công ty trên 1.000 tỷ đồng; có lợi nhuận 3 năm liên tiếp gần nhất.
Trả lời chất vấn của cổ đông liên quan đến 2 lĩnh vực "nóng" là bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, hiện tỷ lệ tài trợ kinh doanh bất động sản của HDBank khoảng 7,9% trong tổng danh mục cho vay - thấp nhất trong toàn ngành. Trong đó, ngân hàng tập trung vào các dự án phân khúc trung bình thấp và nhà ở xã hội. Đến nay, HDBank đã tài trợ cho 3-4 dự án nhà ở xã hội. Điều này cho thấy “khẩu vị” của HDBank tương đối thận trọng.
Đối với mảng TPDN, tính đến cuối năm 2022, HDBank nắm khoảng 4.300 tỷ đồng TPDN, tương ứng 1,6% tổng dư nợ, cũng là mức thấp trong ngành. Toàn bộ TPDN đang được các trái chủ thanh toán gốc và lãi đúng hạn, đồng thời có cung cấp tài sản bảo đảm đầy đủ. Trong số này, TPDN do các doanh nghiệp xây dựng phát hành khoảng 2.000 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng phát hành bởi doanh nghiệp bất động sản, còn lại của doanh nghiệp du lịch, sản xuất ôtô và cơ khí.
“Hiện các khoản đầu tư TPDN tại HDBank đều theo đúng quy định nội bộ và pháp luật hiện hành với cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo khả năng thanh toán gốc, lãi của tổ chức phát hành. Do đó, HDBank hiện chưa ghi nhận rủi ro tiềm tàng đối với các khoản đầu tư TPDN này”, ông Thanh trả lời.